10:52 23/10/2007

Kiều hối thế giới vượt ODA và FDI

Kiều Oanh

Người nhập cư trên thế giới đã gửi tổng số tiền hơn 300 tỷ USD về quê hương trong năm 2006

Luồng kiều hối do lao động nhập cư đã gửi về gia đình đổ vào khu vực châu Á và Thái Bình Dương là nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác.
Luồng kiều hối do lao động nhập cư đã gửi về gia đình đổ vào khu vực châu Á và Thái Bình Dương là nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác.

Người nhập cư trên thế giới đã gửi tổng số tiền hơn 300 tỷ USD về quê hương trong năm 2006. Số tiền này nhiều hơn cả hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào các quốc gia đang phát triển, đồng thời đem lại cơ hội phát triển lớn cho các quốc gia này nếu được sử dụng hợp lý.

Trên đây là nội dung chính được nêu ra trong bản báo cáo mới công bố của Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ.

Theo báo cáo này, mỗi người trong số 150 triệu người di cư trên thế giới hàng năm gửi bình quân vài trăm USD về nhà và nuôi sống hàng triệu gia đình tại 162 quốc gia đang phát triển.

Các nhà phân tích cho biết, nếu được phát huy tác dụng, số tiền này sẽ có ảnh hưởng lớn đến phát triển thế giới vốn dĩ vẫn phụ thuộc vào vốn hỗ trợ phát triển chính thức và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2006, tổng vốn ODA và FDI trên toàn cầu đạt 271 tỷ USD.

“Đây là một sự chuyển biến thực sự cơ cấu các dòng vốn vì độ lớn của lượng kiều hối cũng như do số tiền này nằm trong sự quản lý của tư nhân”, Kevin Cleaver, Trợ lý chủ tịch của Quỹ Phát triển nông nghiệp - một cơ quan của Liên hiệp quốc cho biết. “Tôi đảm bảo rằng, cơ cấu viện trợ sẽ chuyển hướng trong vòng 10 năm tới”, ông nói.

Nghiên cứu về chuyển tiền là một lĩnh vực khá mới mẻ và mới chỉ tập trung chủ yếu và dòng tiền đổi vào Mỹ Latin. Sử dụng các cuộc điều tra và dữ liệu trong các ngân hàng, các tác giả của nghiên cứu này đã mở rộng ra quy mô toàn cầu.

Họ kết luận rằng, luồng kiều hối do lao động nhập cư đã gửi về gia đình đổ vào khu vực châu Á và Thái Bình Dương là nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác. Năm ngoái, lượng kiều hối đổ về hai khu vực này là 114 tỷ USD. Sát sau châu Á Thái Bình Dương là Mỹ Latin và khu vực Caribbean, nhận được tổng số tiền là 68 tỷ USD.

“Đây là một hiện tượng toàn cầu. Đây là sự toàn cầu hóa của thị trường lao động”, Cleaver nói. “Những con tàu tuần tra ở Địa Trung Hải không thể ngăn những người này lại. Họ vẫn ra đi kiếm việc làm”.

Năm ngoái, Ấn Độ là nước nhận được nhiều kiều hối hơn bất kỳ quốc gia nào – 24,5 tỷ USD. Ngay sau Ấn Độ là Mexico với 24,2 tỷ USD. Phần lớn lượng kiều hối gửi về Mexico là từ kiều dân ở Mỹ.

Kiều hối có ý nghĩa quan trọng với nhiều quốc gia. Trong số 162 nước đang phát triển được điều tra, 45 nước nhận được lượng kiều hối chiếm hơn 10% GDP. Như vậy, rất nhiều người nhập cư hóa ra là chỗ dựa chính cho quê hương của họ. Tại quốc gia Tây Phi Guinea-Bissau, trong năm ngoái, lượng kiều hối đạt 148 triệu USD, tương đương 48,7% GDP của nước này.

Terry cho biết, hàng năm, lượng kiều hối toàn cầu tăng khoảng 10%. Cùng với sự tăng trưởng này, phí chuyển tiền cũng giảm xuống nhanh chóng do cạnh tranh gia tăng giữa các nhà cung cấp dịch vụ và sự điều tiết của chính phủ.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho biết, số tiền này chưa có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia này, vì phần lớn được sử dụng cho tiêu dùng quy mô nhỏ.

Hiện tại, 80 – 90% lượng kiều hối được sử dụng cho các nhu cầu cơ bản của các gia đình như thức ăn, chỗ ở và giáo dục. Phần còn lại chủ yếu dành cho tiết kiệm hoặc đầu tư nhỏ như cất tiền vào tủ hoặc mua một con bò sữa.

Mặc dù kiều hối giúp các gia đình thoát nghèo, thử thách lớn ở đây là tận dụng khoản tiền này cho việc phát triển. Trong một nghiên cứu trước đây, Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, ảnh hưởng của kiều hối đối với các nền kinh tế Mỹ Latin rất khiêm tốn. Vì tỷ lệ của kiều hối trong GDP tăng thêm 1% thì tỷ lệ dân số nghèo của các quốc gia này giảm 0,4%.

“Lý do tại sao chúng ta không thể tận dụng lượng tiền này để phát triển vì nó vẫn nằm trong phạm vi các giao dịch tiền - tiền”, Donald F. Terry, Giám đốc Quỹ Đầu tư đa phương của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ nhận định. “Chúng ta cần phải tìm cách đưa số tiền này vào hệ thống tài chính”.

Theo Cleaver, kết quả như vậy có thể được tăng cường bằng cách cải thiện môi trường đầu tư ở các nước đang phát triển và mở rộng hệ thống ngân hàng để hướng tới những khu vực nông thôn.

Tiềm năng rất mạnh mẽ ở các khu vực bao gồm Đông Âu và Đông Nam Á. Ở những khu vực này, gần như tất cả kiều hối được chuyển ra tiền mặt từ các ngân hàng. Chìa khóa ở đây là biến những người nhận tiền thành khách hàng của các ngân hàng này, mở tài khoản và vay vốn từ ngân hàng.

Theo chuyên gia Terry, nếu biện pháp này được áp dụng hiệu quả, người nghèo sẽ đầu tư tiền của họ. “Và một khi họ làm họ làm vậy, chúng ta sẽ đem đến cơ hội lớn hơn cho thế hệ tương lai”, ông nói.

(Theo WP)