11:57 19/11/2009

Kinh doanh hàng ngoại nhập: Vừa bán hàng vừa ngóng giá USD

“Chưa có bao giờ những chuyên gia của chúng tôi hoang mang trước quyết định có nên nhập hàng hay không như lúc này”

Thị trường đã có hiện tượng một số nhà bán lẻ thu gom các model hàng hiếm để hy vọng bán giá cao hơn vào cuối năm. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Thị trường đã có hiện tượng một số nhà bán lẻ thu gom các model hàng hiếm để hy vọng bán giá cao hơn vào cuối năm. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Kinh doanh hàng ngoại nhập: Vừa bán hàng vừa ngóng giá USD - Ảnh 1Tình trạng tỷ giá giao dịch khác tỷ giá niêm yết, đồng USD khan hiếm kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp ngại ngùng khi phải đặt hàng, nhập hàng vào thời điểm này.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Kinh doanh của FPT Mobile cho biết doanh nghiệp này không thiếu ngoại tệ để nhập hàng vì đã có nhiều ngân hàng bảo lãnh, nhưng không thể nhập hàng vào lúc này nếu như tỷ giá thoả thuận qua ngân hàng vẫn còn trên mức 19.000 đồng/USD như hiện nay.

Theo ông Sử, với tỷ giá hiện hành hàng nhập về giá mới cao hơn từ 4 – 5% so những lô hàng nhập trước đó. Chưa kể nhà nhập khẩu còn phải tính những khoản cho nhà bán lẻ như: tỷ lệ lợi nhuận cho nhà bán lẻ, chi phí hỗ trợ khuyến mãi, tiếp thị…

Ngưng nhập hàng

Hơn một tháng qua, theo ông Võ Quang Uyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại và Dịch vụ Quang Tâm, doanh nghiệp này cũng đã tạm ngưng nhập khẩu những lô hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và xe môtô nguyên chiếc từ nước ngoài về với lý do giảm lỗ, công ty không thể mua ngoại tệ thanh toán cho nhà nhập khẩu theo đúng thời gian cam kết.

Cũng trong tình cảnh trên, gần ba tuần qua, nhà nhập khẩu D., (không muốn nêu tên thật vì ngại quan hệ với các đại lý) chuyên nhập những mặt hàng công nghệ thông tin, chỉ nhận những lô hàng cũ đã ký trước đó mà không thể nhập thêm hàng cho đủ doanh số như đã cam kết với các hãng sản xuất.

“Nhập vào lúc này hết sức nguy hiểm. Có nhiều hãng sản xuất đồng ý mở tín dụng cho chúng tôi từ 30 – 45 ngày nhưng ban giám đốc chưa dám quyết. Chưa có bao giờ những chuyên gia của chúng tôi hoang mang trước quyết định có nên nhập hàng hay không như lúc này”, giám đốc tài chính của doanh nghiệp D. chia sẻ. Cũng theo giám đốc tài chính của doanh nghiệp này, chỉ nhập hàng trở lại khi tỷ giá chấp nhận được, còn như hiện nay thì đành án binh bất động.

Những doanh nghiệp nhập khẩu mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, chờ tỷ giá khoảng 18.500 đồng/USD mới dám nhập hàng tiếp. “Thà chúng tôi thiếu hàng, chứ không đánh cược với thời cuộc. Chúng tôi không thể mạo hiểm khi sức mua thị trường đang từ từ rơi xuống”, một nhà nhập khẩu nói như vậy.

Khó tăng giá

Chuyện nhập giá cao, nâng giá bán khó khả thi. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư phát triển thương mại SMC, dù muốn hay không doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải bán hàng trên cơ sở tự tính toán và cân đối theo giá thực tế để có giá cuối cùng.

“Nhưng nếu đồng USD tiếp tục tăng so với tiền đồng, tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sẽ không chịu nổi”, ông Anh nói. Mùa kinh doanh cuối năm này, lượng hàng nhập của SMC đã giảm mạnh. Để mua được ngoại tệ, SMC phải bỏ ra thêm 300 – 350 đồng/USD gọi là phí giao dịch cho ngân hàng và đổi lại, tuỳ theo mức độ chấp nhận của thị trường, SMC đưa chi phí tài chính này vào giá thành.

Còn Công ty Quang Tâm phải mua USD ngoài thị trường với giá cao, hoặc phải thoả thuận với doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn USD và mua lại theo giá thị trường, với mức chênh lệch khoảng 650 đồng/USD so giá niêm yết. FPT Mobile chấp nhận lỗ hoặc xoay xở cách nào đó để giảm lỗ ở mức tối thiểu không chỉ để duy trì quan hệ với các nhà bán lẻ mà còn với các hãng sản xuất.

“Trong kinh doanh phải chấp nhận những rủi ro. Có những lô hàng lỗ, có những lô hàng lời”, ông Sử nói. Dù có nhập nhưng theo xác nhận từ ông Sử và nhà nhập khẩu D., lượng hàng nhập khẩu cuối năm có giảm nhiều, tuy nhiên họ không tiết lộ con số cụ thể.

Trong nhóm hàng điện thoại di động, dù biết lỗ, lẽ ra phải điều chỉnh giá tăng theo tỷ giá nhưng hiện các nhà bán lẻ vẫn không tăng giá, nếu có chỉ tăng nhẹ (hạn chế một vài mẫu) để không lỗ vì còn yếu tố cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ và các hãng sản xuất với nhau.

“Chúng tôi chỉ tăng giá khi nào nhà phân phối tăng giá mạnh, còn tăng nhẹ thì vẫn giữ mức cũ để bán hàng. Thị trường đang xuống, tăng giá lúc này chỉ có tự sát mà thôi”, ông Đinh Anh Huân, Giám đốc Kinh doanh Thế Giới Di Động nói.

Dù vậy, việc tỷ giá tăng cao, nguồn cung USD khan hiếm dẫn đến hiện tượng đầu cơ. Nhiều nhà nhập khẩu cho biết, có hiện tượng nhà bán lẻ ôm hàng, toan tính chuyện bán giá cao hơn dịp cuối năm.

Gia Vinh - Hải Âu (SGTT)