09:12 27/10/2011

Kinh tế 10 tháng: Doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh

Anh Quân

Kinh tế vĩ mô 10 tháng có những khác biệt trên kết quả bằng con số với thực tế doanh nghiệp

Sản xuất công nghiệp đang có những khó khăn nhất định - Ảnh: Bobi.
Sản xuất công nghiệp đang có những khó khăn nhất định - Ảnh: Bobi.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung khép lại buổi họp giao ban sản xuất tại Bộ này hôm 26/10 sớm hơn lệ thường.

Thông tin “sơ bộ” được đưa ra bàn thảo với đại diện các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty không có nhiều. “Về cơ bản, kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu khởi sắc”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Chẳng hạn như, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng rất khá, 10 tháng tới 7% so với cùng kỳ, đặc biệt là công nghiệp chế biến vượt 10%; nông, lâm nghiệp, thủy sản thì cơ bản phát triển tốt; dịch vụ không có gì đáng chê; xuất, nhập khẩu đều có mức tăng trưởng kim ngạch vào loại “khủng”, cỡ xấp xỉ 30% và hơn thế nữa; lạm phát xuống mức thấp nhất 4 tháng; thu chi ngân sách đảm bảo; doanh nghiệp vẫn “nhộn nhịp” ra đăng ký kinh doanh…

Tuy nhiên, nhìn nhận của đại diện các bộ, ngành tại cuộc họp không được lạc quan như số liệu công bố.

Sự phân vân thấy rõ ở các đại biểu, trước khác biệt trên kết quả bằng con số với thực tế doanh nghiệp.

Sản xuất công nghiệp giảm hay tăng?

“Bác” lại kết quả về tình hình tăng trưởng công nghiệp được đề cập trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: “Qua theo dõi của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm”.

Chia sẻ quan điểm này, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho hay: “Sản xuất công nghiệp, theo đánh giá của chúng tôi, tăng trưởng có xu hướng giảm dần, nếu lấy tháng 1, tháng 5, tháng 10 để so sánh. Trong khi, các năm trước xu hướng tăng về cuối năm”.

Thực tế, nếu trừ đi tháng 10 mới là con số ước tính trong số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cho thấy vẫn còn khá “long đong”. So với tháng bình quân năm gốc, IIP tháng 9 năm nay về lại mức tăng của tháng 5/2011 (tăng 67,2%).

Giữa giai đoạn này, chỉ có tháng 8 là IIP phục hồi khá tốt sau hai tháng 6 và 7 đều đuối dần, nhưng ngay tháng cuối quý 3 lại đảo chiều đi xuống, xóa sạch nỗ lực nhỏ nhoi trước đó.

Diễn biến này còn bị trầm trọng hơn bởi tình hình tiêu thụ có khó khăn. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là một tham khảo, trong tháng 9 giảm mạnh 4,8% so với tháng trước và chưa lấy lại được “phong độ” của giai đoạn tháng 5-7/2011.

Hệ quả là chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến rơi vào thời điểm biến động dữ dội. Vào tháng trước, các mốc so sánh theo tháng và theo năm đều giảm rất mạnh, nay đổi chiều tăng chóng mặt, tương ứng tăng 5,3% và 21,1%, theo thống kê tại thời điểm 1/10/2011.

Thực tế này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận ở khía cạnh “nhu cầu thấp” đang ảnh hưởng đến sản xuất.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng năm 2011 ước đạt 1.561 nghìn tỷ đồng, tăng “lạc quan” 23,1% so với cùng kỳ. Tuy thế, trừ yếu tố giá lại chỉ còn tăng có 3,9%, một mức khá thấp so với giai đoạn trước đây tối thiểu cũng được 7-8%, chưa nói đến mức cao có thể 13-15%.

Cho nên, không thể nói tình hình sản xuất kinh doanh đang dễ dàng.

Doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh

Những khó khăn trên lại dẫn đến một cảnh báo khác đang dẫn “lộ diện”. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong 10 tháng năm 2011, cả nước đã có thêm khoảng 63,92 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký ước khoảng 397,2 nghìn tỷ đồng.

Không có so sánh cụ thể với cùng kỳ trong bản báo cáo kể trên, nhưng tham khảo báo cáo cũng của bộ này cung cấp tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm ngoài thì so ra, lượng doanh nghiệp đăng ký mới đã "đuối" hơn trên 10,6%.

Đáng chú ý nữa là số vốn đăng ký so với cùng kỳ giảm mạnh, tương ứng trên 64,8%, cho thấy quy mô doanh nghiệp mới chủ yếu là nhỏ về tiềm lực tài chính.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung lưu ý thêm từ dữ liệu 9 tháng của cơ quan thuế. Ông cho biết, theo thống kê vào tháng trước, trong số khoảng 57 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, có tới 47 nghìn được xác định đã ngừng hoạt động.

“Tức là, chỉ còn có 10 nghìn hoạt động được. Nếu đúng thế, trong 20 năm vừa qua chưa có khi nào tình hình diễn ra như vậy”, ông nói với hội nghị.

Phó giám đốc Tứ chia sẻ quan điểm của Thứ trưởng Trung. Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, theo thống kê trên địa bàn Thủ đô đến nay đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trên tổng số khoảng 14.500 doanh nghiệp đăng ký mới trong 10 tháng năm 2011.

“Mọi năm, con số này chỉ khoảng 400-500 doanh nghiệp, nay thì tự người ta khai báo đã hơn nhiều rồi, gấp 6-7 lần những năm khó khăn trước đây”, ông Tứ cho biết. Nhưng, “đó mới là phần nổi thôi, phần chìm có thể còn lớn hơn”.

Và chuyện nhập siêu với Trung Quốc

Từ việc sản xuất, tiêu thụ khó khăn dẫn tới cạnh tranh gay gắt, từ vốn thiếu khiến phải chi li đầu tư…, câu chuyện nhập siêu thiết bị, công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc lại được Thứ trưởng Trung cảnh báo một lần nữa.

Chuyện hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc “còn đang bí” đã được vị Thứ trưởng này đề cập từ tháng 3 năm nay, giờ đây trở lại “tươi mới”.

Nếu nhìn ở góc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu với nước láng giềng phương Bắc, xem ra tình hình có cải thiện lớn. Trong 9 tháng năm 2011, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang nước bạn đạt gần 59%, trong khi ở chiều ngược lại chỉ tăng khoảng 22,7%.

Tuy nhiên, nhập siêu thực tế lại nở rộng và đôn thêm khoảng 425 triệu USD lên mức 9,85 tỷ USD. Con số này đang cao hơn rất nhiều so với nhập siêu của cả nước cùng thời kỳ, chỉ vào khoảng 7,59 tỷ USD (ước nhập siêu 10 tháng khoảng 8,39 tỷ USD). Và Việt Nam tiếp tục nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc.

Trong khi đó, liên quan đến lo ngại của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Việt Nam từ Trung Quốc trong 9 tháng năm 2011 tăng tới 17,7% so với cùng kỳ, trong khi với các đối tác công nghiệp phát triển khác lại “đuổi không kịp. Chẳng hạn, với Nhật Bản nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam tăng tương ứng 10,2%, nhưng với Mỹ lại giảm khoảng 1,5%.

Cho nên, với đề dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rằng các ý kiến tại giao ban sáng nay sẽ được tổng hợp lại, chuyển lên Chính phủ trong cuộc họp vào tháng này, thì ngoài những đánh giá tình hình chung, cũng như đề xuất chính sách về ổn định vĩ mô…, sẽ có thêm ba cảnh báo.