07:46 07/10/2010

Kinh tế 24h qua: Ẩn họa tài chính

Vinh Nguyễn

Mặc dù kinh tế toàn cầu đang phục hồi ngày càng vững chắc hơn, nhưng khu vực tài chính vẫn là hiểm họa tiềm tàng

Khu vực tài chính vẫn là hiểm họa tiềm tàng.
Khu vực tài chính vẫn là hiểm họa tiềm tàng.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố hôm qua (6/10), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010 lên 4.8%, cao hơn mức 4,6% đưa ra hồi tháng 7. Song, IMF lại hạ ước tính GDP năm 2011 xuống 4,2%, thấp hơn mức 4,3% trước đó.

Theo IMF, sở dĩ tăng trưởng GDP toàn cầu được nâng lên trong năm 2010, chủ yếu là nhờ sự dẫn dắt của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tuy nhiên, IMF cảnh báo rủi ro sụt giá vẫn tiếp tục tăng cao và cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hơn dự báo vào năm tới.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay và năm tới, với cảnh báo tốc độ hồi phục chậm chạp do chi tiêu tiêu dùng thấp. Theo cơ quan này, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu sẽ vào khoảng 2,6% trong năm nay, thấp hơn mức 3,3% đưa ra trước đó. Còn năm 2011 là 2,3%, trong khi dự báo trước đây là 2,9%.

Trước đó, trong báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu, IMF cảnh báo, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi ngày càng vững chắc hơn nhưng khu vực tài chính vẫn là hiểm họa tiềm tàng trong tiến trình này. Hệ thống tài chính vẫn rất dễ bị tổn thương, các nguy cơ về cung cấp tài chính cho các ngân hàng và chính phủ vẫn lớn trong khi cải cách tài chính vẫn chưa hoàn tất.

Theo báo cáo, tiến bộ trong quá trình ổn định tài chính toàn cầu lại bị thụt lùi ở các nước phát triển, các thị trường tài chính vẫn rất nhạy cảm đối với các biến động tài chính tiêu cực. Lòng tin vào khu vực tài chính phục hồi chậm chạp do gánh nặng nợ công, những thách thức về nguồn tài chính cho các ngân hàng và sự mất ổn định đang tăng lên.

Báo cáo của IMF lưu ý rằng hệ thống ngân hàng của thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều tổn thương về cơ cấu. Các ngân hàng Mỹ vẫn vật lộn với những khiếm khuyết trong thị trường bất động sản trong khi các ngân hàng châu Âu phải đối phó với chi phí tài trợ cao do nguy cơ nợ chủ quyền tăng.

Các ngân hàng trên toàn cầu phải tái tài trợ trên 4.000 tỷ USD trong hai năm tới trong khi chính phủ các nước dự kiến tăng phát hành trái phiếu chính phủ. Những nhân tố này phơi trần hệ thống ngân hàng trước các cơn sốc tiềm tàng về tài trợ và các thị trường trái phiếu chính phủ. Tài trợ và nguồn vốn bị hạn chế nếu không được giải quyết có thể phá hoại sự phục hồi tín dụng.

Theo chuyên gia kinh tế Joseph Stiglitz, chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu đang đẩy thế giới vào hỗn loạn, thay vì hỗ trợ khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ông cho rằng, chính hoạt động bơm tiền ồ ạt của hai tổ chức này đã khiến thị trường ngoại hối biến động.

"Cục Dự trữ Liên bang đã bơm tiền vào thị trường nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ, nhưng thực tế, không làm được gì. Trái lại, còn gây nên sự hỗn loạn ở phần còn lại của thế giới", chuyên gia này cáo buộc. Theo ông, việc nhiều nước gần đây ra tay can thiệp vào tỷ giá nối tệ là cần thiết vì họ không thể để tỷ giá tăng mạnh, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.

Trong khi đó, theo nhận định của một quan chức thương mại Mỹ, Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới vốn đình hoãn lâu nay, có thể kéo dài sang năm 2012, song khẳng định các bên đã đạt được một vài tiến bộ trong sáu tháng qua.

Trong bài diễn văn chuẩn bị trình bày tại một cuộc họp ở Brussels (Bỉ), nhà đàm phán trưởng về buôn bán nông sản của Mỹ, Isi Siddiqui, nêu rõ: "Quan điểm của Mỹ là sẽ không có con đường tắt nào dẫn đến sự thành công của Vòng đàm phán Doha. Hạn chót kết thúc tiến trình này sẽ không được đáp ứng."

Ông Siddiqui khẳng định lại yêu cầu của Mỹ, là các nước như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ cần mở cửa thị trường hơn nữa cho các hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu. Quan chức này cảnh báo, Quốc hội Mỹ đã bắt đầu tính đến một dự luật nông nghiệp mới để quản lý các chương trình trợ cấp nông nghiệp, sau khi luật hiện hành hết hiệu lực vào 2012.

Liên quan tới cuộc chiến tiền tệ, sau hàng loạt bác bỏ của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, cuối cùng Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cũng lên tiếng. Theo ông, các chính phủ có nguy cơ đối mặt với cuộc chiến tiền tệ nếu cứ tiếp tục dùng tỷ giá để giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế.

Ngược chiều với quan điểm trước đó của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick, ông Strauss-Kahn cho rằng nguy cơ chiến tranh đang tới gần nếu các chính phủ tiếp tục cắt giảm lãi suất, bơm hàng núi tiền ra thị trường. Và quá trình phục hồi kinh tế có nguy cơ đảo lộn nếu các đồng tiền cứ theo chân nhau mất giá. "Rõ ràng là ý tưởng hạ giá đồng tiền đang được sử dụng như một vũ khí chính trị", ông nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế Paul Krugment, cuộc chiến này nếu xảy ra sẽ chẳng ai được lợi. "Giả sử xảy ra chiến tranh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi tiền mua Euro, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu chi tiền mua USD. Hai lực mua này được cân bằng và cuối cùng, chẳng ai hại gì và cũng chẳng ai đạt mục đích của mình", ông nói.

Phiên giao dịch hôm qua, đồng USD đứng ở mức thấp nhất trong 8 tháng so với đồng Euro, đồng thời cũng giảm giá so với đồng Yên Nhật. Nguyên nhân của việc đồng USD giảm giá là do giới đầu tư dự đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ theo chân Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nới lỏng thêm tiền tệ, nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Chiều 6/10 tại Tokyo, 1 Euro đổi được 1,3840 USD, tăng nhẹ so với mức 1,3834 USD/Euro đêm trước đó tại New York và dao động quanh mức cao nhất kể từ tháng 2/2010. Đồng USD cũng giảm giá so với đồng Yên, từ 83,21 Yên/USD đêm 5/10, xuống 83,18 Yên/USD.