09:12 30/09/2010

Kinh tế 24h qua: Khủng hoảng USD cận kề

Vinh Nguyễn

Các nhà kinh tế Mỹ và quốc tế cảnh báo thế giới đang tiến gần hơn đến một cuộc khủng hoảng đồng USD

Thế giới đang tiến sát khủng hoảng đồng USD.
Thế giới đang tiến sát khủng hoảng đồng USD.
Các nhà kinh tế Mỹ và quốc tế cảnh báo thế giới đang tiến gần hơn đến một cuộc khủng hoảng đồng USD do nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cao chưa từng thấy.

Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) mới đây dự báo, vào cuối tài khóa kết thúc ngày 30/9 tới, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ lên mức kỷ lục 1.300 tỷ USD, tương đương với 9,1% GDP, và sẽ lên tới đỉnh 6.270 tỷ USD trong thập kỷ tới.

CBO cho biết thêm tình hình nợ nần của nền kinh tế Mỹ ngày càng tồi tệ hơn và chưa có dấu hiệu cải thiện. Bất cứ sự lên giá nào của đồng USD cũng chỉ là tạm thời và sự mất giá ngày càng nghiêm trọng của đồng tiền này là không thể tránh khỏi.

Hạ viện Mỹ hôm qua đã thông qua dự luật nhằm gây sức ép khiến Trung Quốc tăng giá Nhân dân tệ nhanh hơn với tỷ lệ 348 phiếu thuận và 79 phiếu chống. Động thái này làm gia tăng tranh chấp giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới về thương mại và việc làm. Đạo luật sẽ cho phép Mỹ áp thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hàng trăm nghìn công nhân đã đổ ra đường phố thủ đô nhiều quốc gia châu Âu để phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính quyền các nước khu vực. Bên ngoài trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), có ít nhất 50.000 người đã tập trung, vẫy cờ công đoàn và giương cao các biểu ngữ như “Nói không với chính sách thắt lưng buộc bụng” hay “Ưu tiên việc làm và tăng trưởng”.
 
Tại Tây Ban Nha, giao thông đường sắt và xe buýt hoàn toàn ngưng trệ do cuộc đình công đầu tiên kể từ năm 2002. Hàng trăm chuyến bay bị hủy. Ở Hy Lạp, các bác sĩ nghỉ việc trong 24 giờ, giới tài xế xe buýt và nhân viên tàu hỏa cũng ngừng làm việc. Biểu tình cũng nổ ra ở thủ đô 13 nước châu Âu, gồm Bồ Đào Nha, Phần Lan, Đức, Slovenia, Lithuania, Pháp...

Hôm qua, ông Charlie Bean, Phó chủ tịch Ngân hàng Anh đã đề nghị người dân nước mình nên đi ra ngoài mua sắm nhiều hơn để giúp phục hồi nền kinh tế Anh, thay vì gửi tiền tiết kiệm khi tỷ lệ lãi suất đang thấp kỷ lục.

Ông Bean thừa nhận, ngân hàng chủ trương giảm lãi suất với hy vọng các gia đình sẽ sử dụng tiền nhằm giúp phục hồi nền kinh tế. Ông còn cho biết thêm, tỷ lệ lãi suất thấp có thể sẽ duy trì trong vòng vài năm tới. Trong một năm rưỡi trở lại đây, mức lãi suất chỉ ở mức 0,5% / tháng. Tuần tới sẽ có mức lãi suất tiền gửi mới.

Trong khi đó, tờ Irish Times cho biết trong kịch bản xấu nhất, chi phí giải cứu cuối cùng mà ngân hàng quốc doanh Anglo Irish Bank nhận được từ Chính phủ Ireland với thời hạn 15 năm có thể vượt 30 tỷ Euro (tương đương 40,4 tỷ USD).
 
Theo đó, Ngân hàng Trung ương Ireland (ICB) sẽ bơm tiếp cho Anglo Irish 5 tỷ Euro (tương đương 6,8 tỷ USD), nâng tổng số tiền giải cứu dành cho ngân hàng này lên hơn 30 tỷ EUR, thấp hơn dự báo 35 tỷ EUR của Standard & Poor's.

Theo thông báo mới nhất của HSBC, chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc trong tháng 9 tăng lên 52,9 điểm, phản ảnh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực sản xuất kinh doanh sau một thời kỳ tạm lắng. Ngoài ra, chỉ số phụ cho thấy tổng số đơn hàng mới đã tăng lên 54,4 điểm trong tháng 9, hơn hẳn 1,7 điểm so với tháng trước.

Theo Nomura Holdings, cam kết của Chính phủ Trung Quốc trong việc hoàn thành các dự án xây dựng trong chương trình kích thích tài khóa và xây thêm nhà ở công cộng có thể hỗ trợ tích cực cho sản xuất. Chuyên gia kinh tế của Industrial Bank Co. cho rằng đà tăng của chỉ số PMI tháng này có thể do yếu tố mùa vụ và động thái đẩy mạnh tiến độ thực hiện các chương trình kích thích của chính phủ.

Cùng ngày, Cục Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) tuyên bố trong tháng 8, thặng dư giao dịch ngoại hối của các ngân hàng Trung Quốc dại diện cho các khách hàng đã chạm mức cao kỉ lục 29,1 tỉ USD, tăng 9,4% so với tháng trước.

Theo số liệu trong báo cáo trên website của SAFE, doanh thu bán ngoại hối của các ngân hàng đã đạt 113,2 tỉ USD trong tháng 8 và doanh thu mua tăng vọt lên đến 84,1 tỉ USD. Trong tháng, các ngân hàng Trung Quốc đã thay mặt các khách hàng nhận 163,4 tỉ USD và thanh toán 137,1 tỉ USD cho các hoạt động kinh doanh mang yếu tố nước ngoài. Báo cáo không nêu lí do tại sao giá trị thặng dư tăng.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố chỉ số niềm tin kinh doanh quý 2 cải thiện đáng kể khi tăng lên 8 điểm từ mức 1 điểm trong quý trước, cao hơn dự báo của các nhà kinh tế, đồng thời đánh dấu mức cải thiện tốt nhất kể từ tháng 3/2008. Như vậy, chỉ số này đã tăng quý thứ 6 liên tiếp nhưng các doanh nghiệp lại tỏ ra kém lạc quan về triển vọng tương lai.