08:22 20/01/2011

Kinh tế 24h qua: Đồng Euro trở lại

Diệp Anh

Trong phiên giao dịch châu Á ngày 19/1, đồng Euro đã tăng lên 1,3503 USD, mức cao nhất kể từ tháng 11/2010

Đồng Euro đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ thị trường.
Đồng Euro đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ thị trường.
Trong phiên giao dịch châu Á ngày 19/1, đồng Euro đã tăng lên 1,3503 USD, mức cao nhất kể từ tháng 11/2010, nhờ nhu cầu mua vào của các quỹ đầu tư chủ quyền tăng mạnh. Ngược lại, USD cũng giảm mạnh so với các đồng tiền khác, sau khi tỷ giá Nhân dân tệ tăng lên mức cao kỷ lục.

Một nhà giao dịch thuộc một ngân hàng châu Âu cho biết, đồng Euro tăng giá là do nhu cầu mua vào tăng mạnh. Bên cạnh đó, đồng Euro cũng được hỗ trợ bởi đợt bán trái phiếu thành công của các Chính phủ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy trong tuần trước.

Trước đó một ngày, hôm 18/1, các bộ trưởng tài chính châu Âu bước sang ngày họp thứ hai bàn về việc mở rộng quy mô Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ Euro. Một số nhà giao dịch cho rằng, mặc dù cuộc họp này đã có thêm tín hiệu tích cực, nhưng châu Âu vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về những gì cần phải làm.

Nobuaki Tani, nhà giao dịch của ngân hàng Resona Bank, cho biết mặc dù cuộc họp của EU không đưa ra thêm được điều gì mới, đồng Euro vẫn thu hút được nhu cầu mua vào, trong khi đồng USD lại chịu sức ép bán ra.

Hiện thị trường đang chờ xem các quan chức Mỹ sẽ đưa ra bình luận gì về việc mà họ vẫn luôn cho rằng, Trung Quốc đang ghìm giá đồng Nhân dân tệ ở mức thấp giả tạo, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang có chuyến thăm Washington.

Hôm qua, bên lề chuyến thăm Mỹ của ông Hồ Cẩm Đào, hai bên đã ký kết các thỏa thuận xuất khẩu trị giá 45 tỷ USD. Dự kiến, các thỏa thuận này sẽ giúp tạo ra khoảng 235.000 việc làm cho người dân Mỹ.

Diễn ra đồng thời với chuyến thăm 4 ngày của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã sang Mỹ và ký kết các thỏa thuận với các tập đoàn lớn như Alcoa, General Electric, Honeywell, Westinghouse và Caterpillar. Các thỏa thuận sẽ thuộc rất nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, khí hóa, đường sắt và ô tô.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng công bố khoản đầu tư vào Mỹ trị giá 3 tỷ USD. Trong ngày viếng thăm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các quan chức Mỹ đã tập trung vào lợi ích thương mại với Trung Quốc, cụ thể là các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.

Cũng liên quan tới Trung Quốc và Mỹ, theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, trong tháng 11/2010, Trung Quốc và Nga là 2 nước bán mạnh nhất trái phiếu kho bạc Mỹ. Tính đến hết tháng 11/2010, Trung Quốc vẫn là nước nắm giữ nhiều nhất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, tổng giá trị nắm giữ trong tháng 11 giảm 11,2 tỷ USD xuống 895,6 tỷ USD.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra việc nhóm nhà đầu tư ngoài nước Mỹ bán ra trái phiếu trong tháng 11 có thể coi như hành động chốt lời hậu QE2. Trung Quốc đã mua mạnh trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong nhiều tháng trước khi FED chính thức công bố chương trình mua trái phiếu mới.

Cùng với Trung Quốc, Nga đã giảm nắm giữ trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, tổng giá trị xuống 122,5 tỷ USD từ mức 131,6 tỷ USD, mức thấp nhất từ tháng 4/2010. Trong khi, tổng giá trị trái phiếu Mỹ do Anh nắm giữ tăng 33,3 tỷ USD lên 511,8 tỷ USD.

Liên quan riêng tới kinh tế Trung Quốc, hôm qua, kênh truyền hình Phoenix TV của Hồng Kông dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết, lạm phát giá tiêu dùng tháng 12 của nước này đã giảm xuống còn 4,6%, trong khi GDP 2010 tăng trưởng với tốc độ hai con số 10,3%.

Kênh này cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm tăng 3,3%, chỉ số giá sản xuất cũng tăng 5,9%. Nếu thông tin này là đúng thì lạm phát tháng 12 của Trung Quốc đã giảm so với tháng 11. Trong khi, theo kết quả thăm dò của hãng tin Reuters, CPI tháng 12 của Trung Quốc tăng 4,4% và GDP năm 2010 tăng 10,2%.

Trước đó, ngày 18/1, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố chính phủ nước này sẽ tập trung vào việc kiềm chế giá thực phẩm và thị trường nhà đất, xem đây như là nhiệm vụ chủ chốt của Chính phủ Trung Quốc trong quý 1 năm 2011. Ông Ôn Gia Bảo khẳng định việc kiểm soát giá cả các mặt hàng tiêu dùng, cũng như cung cấp các sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, vật liệu sản xuất và các nhu yếu phẩm hàng ngày là mệnh lệnh.

Thủ tướng Trung Quốc yêu cầu các cơ quan hữu trách hỗ trợ nông dân chuẩn bị cho vụ Đông Xuân, khắc phục những ảnh hưởng của nhiệt độ khô hạn và băng tuyết. Nhằm bảo đảm phát triển khu vực nông trại, Thủ tướng Ôn Gia Bảo yêu cầu các cơ quan chức năng "tăng cường cung cấp nhà ở thương mại giá thấp và vừa," kiềm chế đầu cơ tài nguyên và tăng cường giám sát.

Theo báo cáo "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2011" (WESP 2011), sau một năm hồi phục mong manh và không đồng đều, tăng trưởng kinh tế thế giới đã bắt đầu chậm lại vào giữa năm 2010 và sự suy giảm tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp diễn trong năm 2011 và 2012. Bong bóng bất động sản, tăng trưởng tín dụng yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao là những điểm yếu của tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, những vấn đề kinh tế tại các quốc gia phát triển sẽ làm chậm lại sự phục hồi kinh tế thế giới và có nguy cơ đe dọa sự ổn định kinh tế thế giới trong những năm tới. Báo cáo đưa ra nhận định, GDP của thế giới sẽ tăng 3,1% trong năm 2011 và 3,5% trong năm 2012.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế thế giới có thể gặp những trở ngại, thậm chí kinh tế một số quốc gia phát triển có thể rơi vào suy thoái và tăng trưởng tại các quốc gia đang phát triển cũng sẽ chậm lại trong hai năm 2011 và 2012. Ngoài khả năng tạo việc làm yếu, đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển, biến động trên các thị trường tiền tệ cũng đang tạo ra những bất ổn kinh tế vĩ mô mới đe dọa tới quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong kịch bản xấu nhất, Liên hợp quốc dự báo châu Âu sẽ rơi vào suy thoái kép, còn các nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản tiếp tục trì trệ và cũng có nguy cơ rơi vào suy thoái kép trong năm 2011. Bên cạnh đó, nguy cơ về một "cuộc chiến" tiền tệ đã hiện hữu do các nước không phối hợp chính sách mở rộng tiền tệ.

Liên quan tới vấn đề dầu thô, Dan Rice, đồng quản lý quỹ BlackRock Energy và Resources Fund, cảnh báo giá dầu có thể sẽ tăng lên 120 USD/thùng hoặc thậm chí cao hơn trong năm nay, cho tới khi nó khiến tăng trưởng kinh tế bị mất đà. Theo ông, kinh tế toàn cầu hiện đang tăng trưởng ở tốc độ khoảng 5%, nhưng thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn do ảnh hưởng của giá năng lượng và các nguyên liệu thô khác tăng cao.

Những phiên giao dịch gần đây đã đẩy giá dầu lên gần 100 USD/thùng, trước những dự đoán về triển vọng nhu cầu tăng cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đà phục hồi. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm nay sẽ đạt kỷ lục 89,1 triệu thùng/ngày, đồng thời cảnh báo giá dầu đang hướng tới "vùng nguy hiểm," đưa tới mối đe dọa thực sự cho nền kinh tế.

Giá dầu ngọt nhẹ và Brent Biển Bắc hiện đang dao động quanh các ngưỡng 92 và 98 USD/thùng, tức cao hơn khoảng 13 và 19 USD so với mức trung bình của năm 2010, do các thị trường đang nổi tăng trưởng bùng nổ kéo nhu cầu tăng cao.