08:21 18/02/2011

Kinh tế 24h qua: Giai đoạn đen tối đã qua?

Diệp Anh

Giai đoạn đen tối nhất của lạm phát giá thực phẩm có thể đã qua nhưng tác động của nó vẫn chưa được xoa dịu hoàn toàn

Nhiều nước như Trung Quốc đang vật lộn với lạm phát giá thực phẩm - Ảnh: Getty.
Nhiều nước như Trung Quốc đang vật lộn với lạm phát giá thực phẩm - Ảnh: Getty.
Giai đoạn đen tối nhất của lạm phát giá thực phẩm có thể đã qua, nhưng tác động của nó vẫn chưa được xoa dịu hoàn toàn, chuyên gia Wai Ho Leong của Barclays nhận định trong bối cảnh nhiều nước châu Á đang oằn mình giải quyết hậu quả từ thời tiết đối với các khu vực sản xuất ngũ cốc của thế giới.

Tình hình thời tiết khắc nghiệt đang đe dọa nhiều nước và khu vực như Nga, Australia, Trung Quốc, Mỹ... khiến giá ngũ cốc trên thế giới tăng mạnh trong mấy tháng qua. Dẫu vậy, giới phân tích cho rằng, tình hình đang dần được cải thiện, cho dù rủi ro lạm phát leo thang vẫn còn cao do giá kim loại và hàng hóa đang tăng lên.

“Chúng tôi tin tưởng rằng tác động của giá thực phẩm cao đã chạm đỉnh”, chuyên gia Wai Ho Leong nói. “Tác động của giá thực phẩm cao trên toàn thế giới không đồng nhất. Tại châu Á, thực phẩm thiết yếu là gạo chứ không phải lúa mì hay ngô nên lạm phát thực phẩm đang dần ổn định”.

Giá thực phẩm là một trong những yếu tố dẫn đến lạm phát cao tại nhiều nước châu Á trong các tháng qua, kể cả những quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Ông Leong cho rằng, đà tăng giá thực phẩm tại châu Á trong các tháng qua là do các yếu tố bất thường như thời thiết khắc nghiệt và dịch bệnh. Theo ông, các cú sốc này sẽ không xảy ra với nhịp độ tương tự và “các rủi ro liên quan đến thực phẩm đang suy giảm”, nhờ dự trữ gạo tại châu Á vẫn còn cao và các biện pháp của chính phủ các nước sẽ phát huy tác dụng.

Chính phủ Trung Quốc cho biết, FDI tháng 1/2011 của nước này tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn dòng thanh khoản và kiểm soát lạm phát. Phát ngôn viên Diêu Kiên của Bộ Thương mại nước này cho hay, trong tháng 1, Trung Quốc đã thu hút 10,03 tỷ USD FDI, tăng 15,6% so với tháng 12/2010.

Số liệu trên cho thấy, sau đà giảm mạnh trong tháng 8, hoạt động đầu tư tiếp tục phục hồi dù Chính phủ nước này đã tiến hành một số động thái nhằm giảm tốc tăng trưởng kinh tế, bao gồm 3 lần nâng lãi suất. FDI năm 2010 của Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục 105,7 tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng, đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và kỳ vọng vào sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ là những yếu tố thu hút nhà đầu nước ngoài đến với nước này. Tuy nhiên, do giá bất động sản và thực phẩm leo thang, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực cắt giảm lượng tiền chảy vào nền kinh tế.

Cũng liên quan tới Trung Quốc, nước này vừa chính thức cho phép giao dịch quyền chọn đồng Nhân dân tệ tại nội địa ở quy mô hạn chế. Cụ thể, giao dịch quyền chọn nội địa sẽ được giới hạn ở các công ty, ngân hàng và sử dụng cho công cụ phòng vệ hơn là đầu cơ biến động tỷ giá.

Cơ quan Quản lý ngoại hối Trung Quốc tuyên bố đã đủ điều kiện để đồng Nhân dân tệ được thực hiện trong giao dịch quyền chọn nội địa. Việc này được bắt đầu vào ngày 1/4, được coi như bước đầu tiên trong phát triển thị trường nội địa.

Đây là động thái mới nhất của Chính phủ Trung Quốc trong việc cung cấp thêm cho các công ty công cụ để ứng phó với việc đồng Nhân dân tệ tăng giá cũng như bất ổn tỷ giá trên toàn cầu. Đồng thời,  đánh dấu bước quan trọng trong sự phát triển thị trường Nhân dân tệ phái sinh.

Trả lời phỏng vấn tờ Diario Economico mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha Carlos Costa thừa nhận, bất chấp các nỗ lực của chính phủ nhằm giảm chi tiêu ngân sách và tăng các khoản thuế, nền kinh tế nước này đang trong tình trạng suy thoái. Theo ông Costa, các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy kinh tế Bồ Đào Nha trong năm nay đang suy thoái.

Ông cho rằng biện pháp duy nhất để nước này thoát khỏi vòng xoáy tồi tệ này là tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên, ông này cũng lưu ý rằng cần có những giới hạn nhất định khi thực hiện chính sách này, đặc biệt khi khả năng đầu tư của nền kinh tế bị hạn chế do thiếu tín dụng cho đầu tư vốn.

Trong khi đó, Viện Thống kê quốc gia Bồ Đào Nha ngày 16/2 cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã lên mức cao nhất trong hơn 10 năm qua - 11,1% trong quý cuối cùng của năm 2010. Tỷ lệ này cao hơn 0,2% so với quý 3/2010 và 1% so với cùng kì năm trước đó.

Bộ Công thương Singapore hôm qua công bố kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng 14,5% trong năm 2010 và 12% tính riêng trong quý IV.

Mặc dù mức tăng trưởng thấp hơn chút ít so với dự báo 14,7% được công bố đầu năm nay, song con số này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Singapore từ mức giảm 0,8% trong 2009, đồng thời đưa Singapore trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2010.

Bộ Công thương Singapore cho biết sự khởi sắc này có được là nhờ sản lượng các mặt hàng điện tử và dược phẩm sinh học tăng mạnh, tổng sản lượng của khu vực chế tạo tăng 29,7%, so với mức giảm 4,2% trong năm 2009. Năm 2010, tổng giá trị thương mại của Singapore tăng 20,7%, đạt 902 tỷ đôla Singapore (704 tỷ USD).

Cơ quan xúc tiến thương mại Singapore nhận định tình hình kinh tế thế giới đã cải thiện trong nửa cuối năm 2010, song những nguy cơ sụt giảm vẫn tồn tại, bao gồm giá cả tăng và những quan ngại về khủng hoảng nợ ở châu Âu. Chính phủ Singapore cũng nâng dự báo lạm phát ở nước này trong năm 2011 lên 3-4%, so với mức dự báo 2-3% trước đó.

Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) - một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ, cho rằng kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách trong dự thảo ngân sách năm 2012 thiếu tính khả thi, do chính quyền của ông Obama đã quá lạc quan trong những tính toán của mình.

Theo đề xuất của Tổng thống Obama, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ giảm 1.100 tỷ USD trong 10 năm tới và mức thâm hụt ngân sách vốn chiếm 10,9% GDP trong năm nay sẽ giảm xuống còn 2,9% vào năm 2018. Tuy nhiên, CFR đã nêu ra bốn lý do đáng quan ngại đối với những tính toán trong kế hoạch.

Thứ nhất, những dự báo của chính quyền Tổng thống Obama dựa trên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế dường như hơi quá lạc quan. Mặc dù trong năm 2011, chính quyền có vẻ thận trọng khi dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với khu vực kinh tế tư nhân, song trong những năm tiếp theo thì sự thận trọng này không còn nữa.

Chẳng hạn, năm 2013, chính quyền Obama dự báo kinh tế tăng trưởng 4,4%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,1% của Cơ quan Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) và 3% của lĩnh vực kinh tế tư nhân, và nếu mức dự báo tăng trưởng kinh tế của chính quyền trong năm 2014 là 4,3% thì mức dự báo của CBO và lĩnh vực kinh tế tư nhân chỉ là 3,5% và 2,8%.

Thứ hai, chính quyền Obama dường như cũng đánh giá thấp mức chi phí cho các khoản nợ quốc gia. Trong năm 2012, chính quyền Obama dự báo lãi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ là 3,6%, thấp hơn 0,6% so với mức dự báo của lĩnh vực kinh tế tư nhân, do những thất thoát lớn trong ngân sách.

Thứ ba, thực tế mức thâm hụt ngân sách 3% GDP có thể là bền vững trong quá khứ nhưng chưa chắc đã phải là mức bền vững trong tương lai. Điều này đúng bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm xuống do tốc độ tăng dân số chậm lại và việc tham gia vào lực lượng lao động đã đạt đỉnh.

Cuối cùng, ngay chính quyền Obama cũng dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ lại tăng lên sau năm 2018 do dân số giảm và chi phí y tế tăng. Nói cách khác, theo giới phân tích kinh tế, nếu đi theo con đường do chính quyền của ông Obama vạch ra, thì ngân sách sẽ nhanh chóng ổn định nhưng rồi lại khó khăn.

Theo khảo sát mới đây của Hội đồng Sân bay quốc tế ACI, sân bay Incheon của Hàn Quốc lại một lần nữa được bầu chọn là sân bay có chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới. Đây là năm thứ 6 liên tiếp, Incheon được vinh danh ở vị trí này. Đáng chú ý, hầu hết các thứ hạng cao nhất trong danh sách bình chọn này đều thuộc về những sân bay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những sân bay được xếp ở vị trí cao nhất là những sân bay luôn chú ý cung cấp và cải thiện những dịch vụ khách hàng cơ bản. Chẳng hạn như đó là việc tạo ra bầu không khí thân thiện và niềm nở với khách hàng; sự sạch sẽ, vệ sinh; thủ tục đăng kí nhanh chóng, hiệu quả; thái độ phục vụ lịch sự của nhân viên sân bay; biển chỉ báo hành khách rõ ràng và nhất là khu vực chờ phải thật sự thoải mái, tiện nghi…

Top 5 của cuộc bình chọn này bao gồm sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc), sân bay Changi (Singapore), sân bay quốc tế Hồng Kông, sân bay Bắc Kinh và Pudong ở Thượng Hải (Trung Quốc).