07:42 01/03/2011

Kinh tế 24h qua: Lời tỷ phú đáng tin hơn?

Diệp Anh

Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Mỹ lấy lại niềm tin sau khi tỷ phú Warren Buffett tỏ ra tin tưởng vào triển vọng kinh tế 2011

Warren Buffett được mệnh danh là tỷ phú thông thái vùng Omaha.
Warren Buffett được mệnh danh là tỷ phú thông thái vùng Omaha.
Tình hình kinh tế, nhà đất của Mỹ trong năm 2011 sẽ tốt hơn năm ngoái, nhà tỷ phú thông thái vùng Omaha, Warren Buffett, tỏ ra lạc quan trong bức thư gửi các cổ đông tập đoàn Berkshire Hathaway.

Trong lá thư dài 26 trang, tỷ phú Warren Buffett thể hiện sự lạc quan về sức mạnh của người dân, nền kinh tế và tinh thần nước Mỹ. Đồng thời, ông khao khát được tiến hành thêm một số thương vụ mua bán và sáp nhập lớn hơn.

"Trong năm 2011, tình hình kinh doanh nói chung sẽ tốt hơn 2010, nhưng vẫn yếu hơn so với thời kỳ 2005, 2006", ông viết. Tỷ phú Buffett dự đoán, đà phục hồi của thị trường nhà đất sẽ diễn ra trong vòng một năm nữa và "những ngày tươi đẹp nhất của nước Mỹ đang nằm ở phía trước".

Các nhà đầu tư cho biết họ cảm thấy tự tin hơn khi đọc thư của Warren Buffett. Sự lạc quan của Buffett được dự báo sẽ có tác dụng tích cực đến toàn thị trường, bởi tập đoàn Berkshire Hathaway tham gia vào 80 ngành nghề khác nhau, từ đường sắt, bảo hiểm, ngân hàng đến sản phẩm tiêu dùng, phân phối.

Hồi tháng 10/2008, Warren Buffett cũng từng có một bài viết trên tờ New York Times rằng ông đang mua cổ phiếu của các công ty Mỹ. Ngay sau bài báo này, chỉ số S&P 500 đi lên liên tục suốt những tuần sau đó.

Niềm lạc quan của Buffett trong lá thư năm nay được xem là một dấu hiệu tốt cho nhà đầu tư, vì tại thời điểm này nhiều người tin tưởng rằng chứng khoán Mỹ đã sẵn sàng cho một đợt điều chỉnh.

Ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư của Harris Private Bank tại Chicago, cho rằng chắc chắn nhà đầu tư sẽ cảm thấy phấn khởi trước nhận định của Buffett. Ablin cho biết ông ngạc nhiên về số tiền mà Buffett dự định đầu tư. “Liệu nhận định của Buffett có đem lại đà phục hồi cho chứng khoán Mỹ hay không thì vẫn cần phải chờ đợi. Buffett là một nhà đầu tư dài hạn, không phải nhà đầu tư lướt sóng”.

"Tiền luôn chảy đến cơ hội, mà cơ hội thì nhiều vô kể tại Mỹ", Buffett viết. "Hiện những nhà bình luận cứ nhắc rằng tương lai phía trước rất không chắc chắn. Nhưng hãy nghĩ lại, dù hiện tại có yên ả thế nào là thì ngày mai vẫn luôn không chắc chắn".

Trong khi đó, theo đánh giá của 47 thành viên của hội đồng dự báo thuộc Hiệp hội Kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE), mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ hiện tại là thâm hụt ngân sách, chứ không phải là tỷ lệ thất nghiệp cao, rủi ro lạm phát, hay giảm phát.

NABE tăng ước tính thâm hụt ngân sách Liên bang năm 2011 lên 1.400 tỷ USD từ mức 1.100 tỷ USD trong cuộc thăm dò hồi tháng 11/2010. Tuy nhiên, con số mới vẫn thấp hơn dự báo 1.650 tỷ USD thâm thủng mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đưa ra.

Nhiều thành viên NABE cho rằng, gói nới lỏng định lượng lần hai (QE2) có thể đẩy lùi nguy cơ giảm phát mà không ảnh hưởng tới lạm phát, điều này trái ngược với lần dự báo trước. NABE dự báo, lạm phát cơ bản sẽ tăng từ mức 0,8% trong quý 4/2010 lên 1,2% trong năm nay. Theo cơ quan này, tăng trưởng GDP 2011 có thể đạt 3,3%, cao hơn so với mức 2,6% của lần trước.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực tư nhân trong Khu vực đồng Euro (Eurozone) đã gia tăng trong tháng 1, cùng với chỉ số cung tiền M3 chỉ ở mức vừa phải, càng khẳng định đánh giá của ECB rằng lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo số liệu của ECB, trong tháng 1, số tiền mà các ngân hàng cho vay đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tỷ lệ 1,9% đã được điều chỉnh trong tháng 12, nối lại xu hướng mở rộng vốn vay dành cho các doanh nghiệp sau một thời gian gián đoạn hồi tháng 12.

Chuyên gia kinh tế trưởng Howard Archer từ IHS Global Insight nói rằng, thông tin đó càng làm gia tăng hy vọng các ngân hàng Eurozone sẽ sẵn sàng hơn trong việc cho các doanh nghiệp vay tiền. Còn theo chuyên gia Chiara Corsa từ UniCredit, đó là tin vui khẳng định chu kỳ cho vay vẫn đang trong xu hướng phục hồi bền vững.

Theo ECB, nguồn cung tiền trong Eurozone đã tăng 1,5% trong tháng Một, chậm hơn tốc độ tăng 1,7% của tháng 12/2010. Đó là cơ sở để xem xét các sức ép có thể tác động tới lạm phát trong trung hạn.

Các số liệu về cho vay và cung tiền cùng với các chỉ số về nhu cầu tiêu dùng và hoạt động kinh tế nói chung, là những chỉ số quan trọng để đánh giá thực trạng của nền kinh tế. Các số liệu tích cực cho thấy nhu cầu gia tăng, nhân tố báo hiệu lạm phát có thể sẽ được đẩy lên và "nhắc" ECB nâng lãi suất.

ECB vẫn giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1% kể từ tháng 5/2009, và giới phân tích dự đoán chính sách lãi suất của ECB sẽ chưa có gì thay đổi trong những tháng tới, bất chấp lạm phát tháng Một đã lên tới 2,4%, vượt mục tiêu mà ECB đề ra.

Cũng liên quan tới kinh tế châu Âu, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ trách khu vực châu Âu Antonio Borges khẳng định, trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính hiện nay, phục hồi nền kinh tế phải là ưu tiên hàng đầu của châu Âu.

Ông Borges cho rằng, tự do hóa hơn nữa dòng vốn có thể giúp châu Âu vượt qua những vấn đề nan giải nhất nhờ đẩy nhanh tiến độ phân phối lại các nguồn tài nguyên. Hệ thống tài chính yếu kém vẫn là thách thức lớn của châu Âu, vì vậy châu lục cần tập trung tăng cường tài chính, đặc biệt trong hệ thống ngân hàng.

Cùng với việc xử lý thích đáng cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền và những nguy cơ hệ thống kèm theo nó, châu Âu cần tiến hành một cuộc cách mạng trong việc cải tổ các khuôn khổ quy chế.

Cuộc cách mạng này sẽ tác động sâu rộng đến hệ thống tài chính toàn châu Âu. Sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhất châu lục có thể giúp đẩy nhanh tăng trưởng của những khu vực rộng lớn. Tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông và Trung Âu mới nổi được thúc đẩy với tốc độ có thể đạt 3,6% trong năm 2011.

Chính phủ Nhật Bản hôm qua công bố số liệu cho thấy, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 1/2011 tăng 2,4% so với tháng trước, nhờ sản lượng xe ôtô và thiết bị bán dẫn tăng. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này tăng, nhưng chậm hơn mức dự báo 3,8% và cũng thấp hơn mức tăng 3,3% mà Nhật Bản đã đạt được trong tháng 12/2010.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tiếp tục giữ nguyên đánh giá của mình khi nhận định rằng sản lượng công nghiệp "tiếp tục phản ánh chiều hướng đi lên".

Theo một số chuyên gia kinh tế, sở dĩ mức tăng sản lượng công nghiệp tháng 1 thấp hơn dự báo là bởi thời tiết không thuận lợi, tuyết rơi dày trong mùa Đông. Do vậy, họ vẫn cho rằng, kinh tế Nhật Bản đang vươn lên sau một thời gian tạm chững lại. Hầu hết các chuyên gia hy vọng nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý 1/2011.

Năm 2010, sản lượng vàng của Australia tăng khoảng 38 tấn (17%), lên 266 tấn (8,5 triệu ounce), hãng tư vấn Surbiton Associates có trụ sở ở Melbourne cho biết hôm qua. Đây là mức hàng năm cao nhất của Australia kể từ năm 2003, giúp quốc gia này củng cố vị trí nước sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Theo Surbiton, bất chấp tình trạng thời tiết xấu, trong quý tư năm 2010, sản xuất vàng của Australia vẫn được duy trì, với sản lượng 70 tấn, tăng hai tấn (3%) so với quý trước và bảy tấn (12%) so với cùng kỳ năm 2009.

Trong khi đó, sản lượng vàng năm 2010 của Mỹ đứng ở mức 240 triệu tấn. Còn tại Nam Phi, quốc gia từng đứng đầu trong lĩnh vực này, sản lượng vàng chỉ đạt khoảng 200 tấn. Năm 1970, Nam Phi sản xuất hơn 1.000 tấn vàng.