08:26 23/02/2011

Kinh tế 24h qua: Đã tới lúc mua USD?

Diệp Anh

Đồng bạc xanh của Mỹ chưa cáo chung mà sẽ còn tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong rổ tiền tệ quốc tế

Vai trò của đồng USD vẫn còn rất quan trọng.
Vai trò của đồng USD vẫn còn rất quan trọng.
Đồng bạc xanh của Mỹ chưa cáo chung mà sẽ còn tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong rổ tiền tệ quốc tế, nhất là sau khi thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, các chuyên gia phân tích nhận định.

Tạp chí Tiền tệ và Thị trường của Mỹ được Vietnamplus dẫn nguồn cho biết, có ba lý do minh chứng cho quan điểm về số phận của đồng USD nêu trên. Một là, dòng vốn đang có xu hướng rời khỏi các thị trường mới nổi để trở lại các nền kinh tế phát triển, do chính sách siết chặt tiền tệ.

Điều này có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế ở chính các nền kinh tế phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng. Thị trường chứng khoán ở nhiều nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đã sụt giảm ở mức hai con số trong năm 2011.

Tình thế hiện nay tạo cho đồng USD vị thế cao trong rổ ngoại tệ mạnh toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2011 nhanh gấp 3 lần kinh tế Anh, Nhật Bản và khu vực đồng Euro (Eurozone). Lãi suất ở các nền kinh tế phát triển mới đây đã tăng cao nhưng không tác động đến đồng USD.

Hai là, đồng USD đang lấy lại giá trị so với các đồng tiền mạnh khác như đồng Franc Thụy Sĩ và đồng Yên Nhật Bản. Franc và Yên hiện đang là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất như là đồng tiền dự trữ khi làn sóng buôn bán tiền tệ đang thịnh hành.

Trong khi hầu hết lãi suất ngắn hạn trên toàn cầu đều xấp xỉ 5% trong giai đoạn cuối của thời kỳ bùng nổ tín dụng toàn cầu, việc lãi suất ở Thụy Sĩ và Nhật Bản vẫn ở mức gần 0% đã tạo động lực để các nhà đầu tư vay Yên và Franc để mua các đồng tiền suất cao.

Tuy nhiên, tình hình hiện đã thay đổi khi lãi suất đồng loạt tăng cao trong vài tuần qua đã giúp USD phá vỡ xu thế giảm suốt 8 tháng qua so với Franc và Yên. Do khủng hoảng nợ châu Âu và triển vọng ảm đạm của kinh tế Nhật, xu thế này có thể kéo dài.

Ba là, đồng USD đang ở vị thế tốt để các nhà đầu tư mua vào. Các biểu đồ về đồng USD cho thấy các chu kỳ về các chỉ số so sánh của USD dài trung bình khoảng 7 năm. Các biểu đồ này cũng cho thấy đồng USD sẽ tiếp tục vị thế cao trong rổ tiền tệ toàn cầu.

Hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s đã điều chỉnh triển vọng nợ công Aa2 của Nhật Bản từ ổn định xuống tiêu cực do nguy cơ chính phủ nước này không đủ khả năng để giải quyết gánh nặng nợ công.

Theo Moody’s, việc điều chỉnh xuất phát từ lo ngại các chính sách kinh tế của Nhật Bản chưa đủ mạnh để cắt giảm thâm hụt ngân sách chính phủ và nợ công ngày càng leo thang. Ngay sau khi Moody’s công bố tin trên, đồng Yên lập tức suy yếu so với USD.

Tháng trước, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s cũng đã hạ xếp hạng tín dụng của Nhật Bản lần đầu tiên trong 9 năm bởi nước này thiếu chính sách đồng bộ để giải quyết nợ công.

Căng thẳng chính trị lại Libya tiếp tục là nguyên nhân khiến hàng loạt thị trường chứng khoán Âu, Á và Mỹ tuột dốc mạnh trong phiên giao dịch hôm qua, đồng thời, đẩy giá vàng lên mức cao nhất trong 7 tuần, giá dầu tăng vọt 6%.

Chốt phiên 22/2, trên sàn New York, vàng giao tháng 4 tăng 12,5 USD/ounce lên 1.401,10 USD/ounce, cao nhất từ 3/1. Dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 trên sàn New York tăng 5,71 USD/thùng lên 95,42 USD/thùng. Dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4 trên sàn London tăng 4 xu lên 105,78 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9/2008.

Các nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra những cảnh báo mới về tình hình lạm phát trong Eurozone, sau khi các số liệu mới công bố cho thấy kinh tế khu vực này tiếp tục phục hồi mạnh, có thể làm gia tăng sức ép đối với giá hàng hóa.

Ông Juergen Stark cho rằng, về trung hạn, nguy cơ lạm phát giá trong Eurozone sẽ tăng và ECB cần tiếp tục điều chỉnh chính sách cho phù hợp với diễn biến kinh tế mới trên thế giới. Còn theo chuyên gia Lorenzo Bini Smaghi, Eurozone đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn dự kiến, nhưng giá cả tăng đang trở thành một mối lo ngại.

Lorenzo Bini Smaghi nhấn mạnh sức ép đối với giá nông sản sẽ không phải là hiện tượng nhất thời, mà sẽ là vấn đề lâu dài. Tình hình này cũng sẽ xảy ra với giá năng lượng. Đối với chuyên gia Athanasios Uphanides, lạm phát giá trong Eurozone có khả năng sẽ tiếp tục vượt "trần" 2% do ECB đề ra và tình trạng này có thể kéo dài lâu hơn dự kiến.

ECB dự định triệu tập cuộc họp vào đầu tháng 3 tới để dự báo tốc độ tăng trưởng và định hình đường hướng chính sách chung của ngân hàng này.