08:48 15/10/2010

Kinh tế 24h qua: Triển vọng mong manh

Vinh Nguyễn

Triển vọng phục hồi kinh tế thế giới vẫn rất mong manh và tăng trưởng kinh tế phần lớn các khu vực năm 2011 đều giảm

Kinh tế thế giới phục hồi chưa vững chắc.
Kinh tế thế giới phục hồi chưa vững chắc.
Theo đánh giá của tờ The Economist, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới vẫn rất mong manh và tăng trưởng kinh tế phần lớn các khu vực năm 2011 đều giảm so với năm nay. GDP toàn cầu sẽ giảm từ 4,4% năm 2010 xuống còn 3,6% năm 2011, khi các gói kích thích tài chính hết hiệu lực.

Thực trạng kinh tế Mỹ sẽ tạo ra nhiều thách thức cho tăng trưởng toàn cầu với GDP dự kiến tăng 2,3% năm 2010, song sẽ giảm còn 1,5% năm 2011. Tại Nhật Bản, những quan ngại về việc đồng Yên mạnh đang đe dọa sự phát triển kinh tế. GDP 2010 của Nhật Bản có thể đạt 3%, nhưng sẽ giảm xuống còn 1,3% trong 2 năm tới.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, tình hình khu vực này cũng có phần cải thiện nhờ xuất khẩu của Đức tăng, với GDP của cả khối dự kiến đạt 1,4% năm 2010, song sẽ lại giảm xuống còn 0,8% vào năm tới.

Trong khi đó, châu Á vẫn đang ở vị trí tiên phong của quá trình phục hồi kinh tế thế giới. GDP của châu Á dự kiến tăng 7,9% năm 2010 và giảm xuống còn 6,6% năm 2011. Gói kích cầu của Trung Quốc cùng với việc hệ thống ngân hàng tăng cường cho vay sẽ giúp Bắc Kinh đạt mức tăng trưởng khoảng 10% trong năm 2010. Tuy nhiên, GDP của Trung Quốc năm 2011 sẽ giảm với dự kiến tăng 8,6%.

Kinh tế Mỹ

Theo chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, tăng trưởng kinh tế Mỹ từ nay đến cuối năm 2010 có thể giảm xuống còn 1% so với mức 1,7% trong quý 2. Tỷ lệ thất nghiệp đã leo lên mức gần 10% đã làm giảm niềm tin tiêu dùng, hạn chế chi tiêu của người Mỹ. Nguy cơ rơi vào suy thoái kép của Mỹ lên tới 35-40%.

Hôm qua, hãng bất động sản RealtyTrac thông báo, số nhà bị các ngân hàng tịch biên tại Mỹ lần đầu tiên vượt mức 100,000 trong tháng 9 vừa qua. Theo RealtyTrac, các ngân hàng đã tịch biên 102,134 căn nhà trong tháng 9. Tổng số đơn xin tịch biên nhà cùng tháng đứng ở mức 347,420, tăng 3% so với tháng 8 và 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính cả quý vừa qua, số hồ sơ xin tịch biên nhà lên tới 930,437, tăng 4% so với quý 2 nhưng giảm 1% so với cùng kỳ 2009. Nếu tính trung bình trong quý 3, cứ 139 căn nhà thì có 1 đơn xin tịch biên. RealtyTrac cho rằng sau thời gian tạm lắng, số nhà bị tịch biên có thể lên tới mức đỉnh nếu các các ngân hàng không thể nhanh chóng giải đáp những thắc mắc về giấy tờ.

Trước đó một ngày, 50 bang của Mỹ đã phát động một cuộc điều tra ngành công nghiệp cho vay thế chấp, một hành động mà các chuyên gia lo ngại sẽ gây ra sự bất ổn và đe dọa sự hồi phục của thị trường nhà đất.

Văn phòng Tổng chưởng lý liên bang đang xem xét cáo buộc một số ngân hàng sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc gian lận để cưỡng chế những người đi vay đang gặp khó khăn khỏi nhà của họ. Các quan chức tại mỗi bang sẽ nghiên cứu về tính chính xác và hợp pháp của các văn bản mà các ngân hàng dùng để trục xuất người dân ra khỏi nhà của họ.

Kinh tế châu Âu

Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Trung ương Italy cho thấy, nợ công của nước này, một trong những quốc gia có nợ công cao nhất thế giới, đã lên mức kỷ lục mới trong tháng 8, với hơn 1.840 tỷ Euro (khoảng hơn 2.570 tỷ USD).

Nợ công của Italy trong tháng 8 đã tăng gần 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2009, nợ công của Italy đã chiếm tới 115,8% GDP và chính phủ dự đoán con số này sẽ tăng lên 118,5% GDP năm 2010 và còn tiếp tục tăng lên mức 119,2% GDP trong năm tiếp theo.

Trong khi đó, Pháp đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu khi làn sóng bãi công phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ khiến các công ty dầu khí nước này phải cắt giảm tới 70% sản lượng.

Ông Charles Foulard, Chủ tịch công đoàn Tập đoàn dầu khí Total của Pháp, cho biết 8/12 nhà máy lọc dầu ở nước này đã ngừng hoạt động và ba nhà máy còn lại cũng phải cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng của đình công.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã nới rộng biên độ thả nổi của đồng rúp và xóa bỏ biên độ cố định của đồng tiền này. Động thái này được coi là bước đi tiếp theo hướng tới một đồng rúp thả nổi hoàn toàn và tạo ra sự linh hoạt lớn hơn trong cơ chế tỷ giá.

CBR đã nới rộng biên độ thả nổi mà đồng rúp trao đổi với rổ ngoại tệ gồm đồng Euro và đồng USD từ 3 rúp lên 4 rúp, giúp gia tăng sự linh hoạt của tỷ giá và giảm bớt sự can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại tệ của CBR.

Với lần điều chỉnh mới nhất này, số tiền tối đa mà CBR được phép sử dụng để can thiệp vào thị trường ngoại hối được hạ từ 700 triệu USD xuống còn 650 triệu USD.

Kinh tế châu Á

Ngân hàng Trung ương Singapore bất ngờ tuyên bố sẽ chấp nhận nâng giá đôla Singapore để ngăn lạm phát ngay cả khi nền kinh tế có thể tăng trưởng chậm lại. Trưởng bộ phận kinh tế tại Credit Suisse Group AG ở Singapore cho rằng, chính phủ quốc đảo sư tử đang đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
 
Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long, cho rằng tăng trưởng kinh tế Singapore có thể suy yếu trong những tháng tới sau khi bùng nổ trong nửa đầu năm 2010 do chịu ảnh hưởng từ châu Âu và Mỹ.

Trung Quốc hiện nằm trong nhóm 10 thị trường đầu tư lớn nhất của các công ty Mỹ. Thị trường Trung Quốc mang lại lợi nhuận 150 tỷ USD mỗi năm cho các công ty Mỹ (nếu tính cả xuất khẩu và hoạt động tại Trung Quốc).

Phó chủ tịch tại Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc (UCBC) cho biết các công ty Mỹ đã có thành công lớn tại thị trường Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng tương lai rất lạc quan. Từ đầu năm đến nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt 145 tỷ USD, cao hơn mức thâm hụt của Mỹ với 7 đối tác thương mại lớn nhất (sau Trung Quốc).

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 14/10 bất ngờ giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25% tháng thứ 3 liên tiếp do mối quan ngại về sự suy giảm của nhu cầu toàn cầu và đồng Won ngày càng leo thang. Trước đó, BOK đã giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục 2% trong 17 tháng liên tiếp và nâng lên 2,25% từ tháng 7/2010.

Theo BOK, đây không phải là thời điểm thích hợp để nâng chi phí vay mượn đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này. Ủy ban chính sách tiền tệ của Thống đốc Kim Choong-soo nhận định: “Thời gian tới, nhiều khả năng hoạt động kinh tế và tỷ giá tại các nền kinh tế lớn sẽ biến động mạnh và mang lại nhiều rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu”.