11:43 02/08/2011

Kinh tế Mỹ đang bị bóp nghẹt hai đầu

Hồng Ngọc

Tờ Le Monde của Pháp ví von tình hình hiện tại ở Mỹ giống như một đường ống đang bị bóp nghẹt ở cả hai đầu

Kinh tế Mỹ vẫn trong vòng luẩn quẩn.
Kinh tế Mỹ vẫn trong vòng luẩn quẩn.
Tờ Le Monde của Pháp ví von tình hình hiện tại ở Mỹ giống như một đường ống đang bị bóp nghẹt ở cả hai đầu, một bên là sự ách tắc về mặt thể chế và một bên là những con số tăng trưởng đầy thất vọng.

Tối qua (1/8, theo giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận vào phút chót để tránh tình trạng vỡ nợ liên bang với số phiếu ủng hộ là 269 so với 161 phiếu chống. Dự luật này còn phải được Thượng viện thông qua và sau đó Tổng thống Barack Obama phê chuẩn để ban hành luật. Theo kế hoạch, các việc này sẽ được tiến hành trong ngày 2/8, trước hạn chót vào nửa đêm.

Dự luật trên cho phép Chính phủ Mỹ được vay thêm tiền để thanh toán các khoản nợ. Mức trần nợ công sẽ được nâng lên thêm ít nhất 2.100 tỷ USD và cắt giảm khoảng 2.500 tỷ USD chi tiêu của chính phủ trong vòng 10 năm, song không tăng thuế đối với người giàu hay các doanh nghiệp giàu có đúng như những đòi hỏi của đảng Cộng hòa.

Việc cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu cắt giảm 1.000 tỷ USD và giai đoạn hai cắt giảm 1.500 tỷ USD. Kế hoạch cắt giảm giai đoạn đầu dự kiến sẽ có hiệu lực ngay, trong khi kế hoạch chi tiết cho việc cắt giảm 1.500 tỷ USD sẽ do một ủy ban lưỡng đảng của quốc hội đưa ra đưa ra vào 23/11 tới.

Thỏa thuận trên đã thực sự khiến thị trường Mỹ cũng như thế giới cất được một gánh nặng và thở phào nhẹ nhõm. Song, giới phân tích vẫn cho rằng, nguy cơ tiềm ẩn chưa hết. Chuyên gia chiến lược tiền tệ Richard Falkenhall tại SEB (Stockhom) nhận định, “thị trường sẽ dịu bớt trong nay mai khi Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ, song các vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để”.

Chuyên gia kinh tế Zhu Baoliang thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh vẫn chưa hết lo lắng về tình hình tăng trưởng chậm chạp của kinh tế Mỹ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ. “Việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là quá nhỏ, khó có thể giúp Washington chống đỡ được những khó khăn hơn nữa”, ông nhận định.

Theo một bài viết trên tạp chí “National Journal” của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có nguy cơ bị nhấn chìm bởi những cơn sóng nợ nần, cho dù có hay không các gói tiết kiệm cắt giảm chi tiêu. Thậm chí các biện pháp tiết kiệm trong thỏa thuận sắp tới còn không đủ bù đắp các khoản nợ mới.

Nhà Trắng tính toán rằng, khoản chi ngân sách trong giai đoạn 2012-2016 sẽ lên tới 20.100 tỷ USD, trong khi thu ngân sách chỉ đạt 16,7 tỷ USD. Như vậy thâm hụt ngân sách trong khoảng thời gian nói trên là 3.400 tỷ USD, trong khi thỏa thuận quy định Chính phủ Mỹ tiết kiệm chi tiêu 2.400 tỷ USD trong khoảng thời gian 10 năm.

Điều này có nghĩa là ngay cả khi Washington tăng gấp đôi tốc độ tiết kiệm, đến giữa thập niên này, nước Mỹ vẫn mắc nợ thêm 1.000 tỷ USD. Không những thế, Nhà Trắng đã quá lạc quan khi dự kiến thu nhập về thuế đến năm 2016 tăng gấp đôi, từ 956 tỷ USD của năm 2011 lên 1.780 tỷ USD trong năm 2016.

Như vậy, thỏa thuận nâng trần nợ công mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua mới chỉ hớt được phần ngọn, trong khi cái gốc rễ sâu xa thì vẫn chưa được dứt bỏ, giữa bối cảnh các số liệu tăng trưởng vừa được công bố, khiến người ta liên tưởng tới một tương lai u ám, như tờ Le Monde của Pháp cuối tuần trước cho rằng, “bóng ma suy thoái đang ngấp nghé trở lại nước Mỹ”.

Theo báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố hôm 1/8, tốc độ tăng trưởng sản xuất của Mỹ trong tháng 7 ở mức thấp nhất trong 2 năm. Cụ thể, chỉ số ISM giảm từ 55,3 điểm trong tháng trước xuống 50,9 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Trước đó, các nhà kinh tế đưa ra dự báo con số này sẽ ở mức trung bình 54,5 điểm.

Trước đó, cuối tuần qua, số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/7 cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng ở mức 1,3 %/năm trong quý 2, trong khi tăng trưởng của quý 1 sau khi được điều chỉnh lại chỉ còn 0,4% so với tính toán ban đầu là 1,9%. Các số liệu này đều thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó của các nhà kinh tế.

Công bố của Bộ Thương mại cho thấy quy mô của kinh tế Mỹ hiện vẫn nhỏ hơn so với thời điểm năm 2007, trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Các số liệu được điều chỉnh trong công bố cũng cho thấy mức độ suy thoái sâu hơn trong giai đoạn 2007-2009 và quá trình phục hồi cho đến nay là yếu hơn so với những tính toán trước đây.

Các nhà kinh tế đưa ra một vài lý do cho tình trạng tăng trưởng đáng thất vọng này. Thứ nhất là, tiêu dùng cá nhân suy giảm. Việc trì hoãn trả lương, lương thấp và thất nghiệp khiến người dân không muốn chi tiêu. Các nhà kinh tế cho biết tiêu dùng tăng khoảng gần 1% trong quý 2, mức thấp nhất kể từ khi suy thoái kết thúc.

Giá xăng tăng cao buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu cho các hàng hoá khác. Theo báo cáo doanh số bán lẻ tháng 6 của Chính phủ, doanh số bán đồ nội thất, đồ gia dụng, hàng thể thao và điện tử đã giảm trong tháng cuối cùng của quý thứ III.

Lý do thứ hai là cắt giảm chi tiêu chính phủ. Chính quyền ở tất cả các cấp liên bang, tiểu bang và địa phương đang thiếu tiền mặt nghiêm trọng và buộc phải hạn chế chi tiêu. Việc cắt giảm chi tiêu chính phủ lần này là lớn nhất kể từ đầu những năm 1980. Chi tiêu chính phủ bắt đầu bị cắt giảm khi tốc độ tăng trưởng trong quý I chỉ là 1,2%.

Một nguyên nhân khác là tỷ lệ tuyển dụng thấp. Số lượng lao động được tuyển bổ sung trong tháng 6 là 18.000, ít hơn nhiều so với mức trung bình là 215.000 mỗi tháng từ tháng 2 đến tháng 4. Thêm vào đó, mức lương của người lao động cũng hầu như không thay đổi. Bộ Lao động Mỹ cho biết nếu tính toán theo mức độ lạm phát thì lương của người lao động giảm 1,5%/giờ so với năm ngoái.

Từ những lý do này đã khiến cho tăng trưởng GDP tổng thể thấp hơn dự báo và điều đó cũng cho thấy, cuộc suy thoái thậm chí có thể nghiêm trọng hơn cuộc suy thoái 2007-2009 nếu không tìm được các biện pháp hữu hiệu.

Sau khi các số liệu của Bộ Thương mại được công bố, nhiều cơ quan nghiên cứu đã giảm mức dự báo tăng trưởng quý 3 và cả năm của kinh tế Mỹ so với trước đó. Chuyên gia kinh tế Nigel Gault của IHS Global Insight nói: "Chúng ta đang bắt đầu quý 3 với thể trạng kinh tế yếu ớt hơn chúng ta nghĩ". Ông Gault tin rằng trong quý 3 nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng dưới 3%, giảm so với dự báo trước đó là 3,4%.

Thậm chí các nhà kinh tế tại Goldman Sachs và JPMorgan Chase còn dự đoán mức tăng trưởng quý 3 chỉ là 2,5%. Tốc độ này sẽ không đủ khả năng để giữ cho tỷ lệ thất nghiệp không tăng lên, chưa nói đến việc tỷ lệ này có thể giảm. Giới phân tích cho rằng, kinh tế Mỹ cần đạt được tốc độ tăng trưởng 5%, mới có hy vọng giảm bớt tình trạng thất nghiệp đang ở mức cao ngất ngưởng hiện nay.

Thêm vào đó, ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế đồng ý với giả thuyết cho rằng, lòng tin về khả năng nước Mỹ sẽ có thể duy trì được vai trò là nhân tố chủ chốt của thị trường thế giới sẽ bị lung lay. Việc đó cho thấy suy thoái đến hiện tại vẫn chưa kết thúc và cần thiết phải xác định lại con đường sắp tới mà nước Mỹ phải trải qua, để có thể tìm lại vị thế lãnh đạo kinh tế của mình.