13:35 01/08/2011

Kinh tế Mỹ có hết lo sau thỏa thuận nợ?

Kiều Oanh

Thỏa thuận nâng trần nợ quốc gia mà Mỹ vừa đạt được có thể chỉ là một “liều thuốc giảm đau” tạm thời cho nền kinh tế nước này

Trong quý 2, kinh tế Mỹ cũng chỉ tăng trưởng có 1,3%.
Trong quý 2, kinh tế Mỹ cũng chỉ tăng trưởng có 1,3%.
Thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ quốc gia mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ vừa đạt được có thể chỉ là một “liều thuốc giảm đau” tạm thời cho nền kinh tế nước này. Trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như đứng yên và cho tới giờ vẫn chưa cho thấy tín hiệu nào của sự khởi sắc thực sự.

Thị trường tài chính toàn cầu sáng nay (1/8) thở phào sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, các nhà làm luật nước này đã đạt thỏa thuận nâng trần nợ, ngay trước hạn chót 2/8, chặn đứng nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia của nước này. Trước đó, thị trường đã không ít phen “toát mồ hôi” vì lo thảm họa nợ công sẽ nổ ra ở Mỹ, đẩy thị trường toàn cầu vào một cơn bão mới.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, thỏa thuận trần nợ mà nước Mỹ vừa đạt được chưa giải quyết được mối lo nước này sẽ bị tước định mức tín nhiệm AAA. Một khi nước Mỹ bị hạ điểm tín nhiệm, lãi suất vay vốn của nước này sẽ tăng cao trên diện rộng trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng èo uột.

Thống kê công bố vào thứ Sáu tuần trước cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP sau điều chỉnh của Mỹ trong quý 1 năm nay chỉ đạt 0,4%. Trong quý 2, kinh tế Mỹ cũng chỉ tăng trưởng có 1,3%.

Nhiều nhà bình luận cho rằng, điều mà nước Mỹ cần làm để tránh nguy cơ bị hạ điểm tín nhiệm, hoặc đã bị hạ một lần rồi thì sẽ không bị hạ thêm, là phải cắt giảm chi tiêu công. Nhưng cắt giảm chi tiêu công ở thời điểm này lại có thể tạo ra nhiều bất lợi cho tăng trưởng.

Quốc hội Mỹ có vẻ như đã nhận thức được rằng, họ phải cắt giảm chi tiêu một cách từ tốn để tránh gây sốc cho nền kinh tế. Theo dự kiến, các biện pháp cắt giảm sẽ có hiệu lực kể từ năm 2013, với mức cắt giảm ban đầu khoảng 917 tỷ USD.

Bản kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách kỳ vọng sẽ tiết kiệm được 1,5 nghìn tỷ USD, nhưng mức cắt giảm này vẫn chờ phải có sự thông qua của một ủy ban lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, đặt ra những câu hỏi liệu nước Mỹ có đủ ý chí chính trị để kiểm soát sự gia tăng của nợ nần về lâu về dài.

Chuyên gia kinh tế Troy Davig thuộc Barcalays Capital cho rằng, thỏa thuận sẽ chỉ cắt giảm 25-30 tỷ USD trong chi tiêu công ở năm đầu tiên thực hiện, làm tăng trưởng GDP suy giảm khoảng 1/10 điểm phần trăm.

“Đây không phải là một rào cản lớn của tăng trưởng, nhưng khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng khoảng 1,5%, nhiều nhà kinh tế cho rằng, đây không phải là lúc để tìm đến những biện pháp hạn chế tài khóa. Nhưng nước Mỹ sẽ dịch chuyển từ kích thích tăng trưởng quy mô lớn sang hạn chế chi tiêu quy mô lớn”, ông Davig phát biểu.

Nếu Washington cắt giảm chi tiêu mạnh hơn và nhanh hơn, những nỗ lực thắt lưng buộc bụng đó sẽ trở thành một cú “knockout” nhằm vào nền kinh tế vốn đang bị kìm kẹp bởi giá dầu cao, thời tiết bất lợi, động đất ở Nhật Bản, một thị trường nhà đất tồi tệ, và một thị trường lao động u ám.

Mới chỉ cách đây một tuần, các nhà làm luật trong Quốc hội Mỹ còn bàn đến các biện pháp kích thích tài khóa mới như giảm thuế cho người lao động và chủ sử dụng lao động. Nhưng trong thỏa thuận sơ bộ vừa đạt được tối ngày 31/7 tại Washington, những biện pháp này không có chỗ đứng. Dù sao, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ cũng phần nào yên tâm khi thỏa thuận không đòi hỏi tăng thuế.

Nhưng những niềm vui mà thỏa thuận nợ vừa đạt được mang lại có thể sẽ “ngắn chẳng tày gang”. Số liệu thất nghiệp của Mỹ công bố vào thứ Sáu tuần này có thể sẽ lại là một tín hiệu nữa cho thấy sự yếu kém của kinh tế Mỹ. Reuters dự báo, tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 của Mỹ vẫn giữ ở ngưỡng 9,2%.

Theo Giám đốc điều hành Mohammed El-Elrian của quỹ đầu tư trái phiếu khổng lồ PIMCO, thỏa thuận nợ “không thể khôi phục được niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp”. “Bởi vậy, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao hơn, tăng trưởng sẽ chậm hơn, và sự bất bình đẳng xã hội sẽ còn tồi tệ hơn”, ông El-Elrian phát biểu trên kênh ABC.

Tệ hơn, giữa lúc các chính trị gia Mỹ hết tiền để cứu tăng trưởng, thì Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) cũng “thiếu đạn”.

Trong thời kỳ suy thoái 2007-2009, FED đã thử nghiệm những chính sách tiền tệ “vô tiền khoáng hậu”, gồm hạ lãi suất về 0% và bơm 2,3 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế bằng cách mua nợ. Ở thời điểm hiện nay, không ai kỳ vọng FED sẽ đứng ra bù đắp cho sự thiếu vắng của một chương trình hỗ trợ tăng trưởng mới từ Chính phủ Mỹ. Chủ tịch FED tại Atlanta, ông Dennis Lockart hôm thứ Sáu vừa rồi đã tuyên bố rằng, có một “rào cản rất lớn” cho việc có thêm biện pháp kích thích.

Nói tóm lại, ít nhất, thỏa thuận nợ mà Washington đang gấp rút hoàn tất sẽ đẩy lui mối lo nước Mỹ vỡ nợ cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012. Tuy nhiên, giới đầu tư toàn cầu vẫn sẽ lo ngại khả năng trái phiếu kho bạc Mỹ bị cắt giảm điểm tín nhiệm, vì khi đó lãi suất vay vốn của Mỹ sẽ leo thang và tạo ra một chướng ngại vật đáng ngại cho tăng trưởng của nền kinh tế này.