15:49 03/06/2015

Kinh tế Trung Quốc năm nay “buồn nhiều hơn vui”

An Huy

“Không may là kinh tế Trung Quốc chưa chạm đáy trong năm nay”, một chuyên gia nói

Công nhân làm việc trên một công trường xây dựng ở Trung Quốc tháng 3/2015 - Ảnh: Reuters.<br>
Công nhân làm việc trên một công trường xây dựng ở Trung Quốc tháng 3/2015 - Ảnh: Reuters.<br>
Dù đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục đi xuống trước khi có sự khởi sắc.

Theo hãng tin Reuters, giới phân tích nói rằng, các cải cách kinh tế của Trung Quốc sẽ phải mất một thời gian để phát huy hiệu quả, và Bắc Kinh cần phải có thêm nhiều cải cách để đạt được sự phục hồi bền vững.

Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc còn 7,4%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990. Năm 2015, Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay và tăng 6,25% trong năm 2016.

Những con số dự báo này vẫn là cao đối với một nền kinh tế có quy mô 10 nghìn tỷ USD, nên rất ít chuyên gia cho rằng Trung Quốc sắp phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy vậy, hầu như không có chuyên gia nào tin rằng kinh tế Trung Quốc sắp đạt được sự phục hồi, bởi các biện pháp cải cách chính là một phần nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

“Không may là kinh tế Trung Quốc chưa chạm đáy trong năm nay”, chuyên gia kinh tế Wang Jun thuộc Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh nhận xét. “Tăng trưởng sẽ ổn định trở lại, nhưng rất khó để đánh giá về năm tới bởi mọi chuyện còn tùy thuộc vào tiến trình điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế”.
 
Mấy tháng trở lại đây, Bắc Kinh liên tục cắt giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Tuy vậy, các biện pháp này hầu như chỉ đẩy mạnh hoạt động đầu cơ treen thị trường chứng khoán Trung Quốc thay vì thúc đẩy đầu tư vào sản xuất.

Xu hướng tăng điểm liên tục của thị trường chứng khoán Trung Quốc từ đầu năm đến nay một phần xuất phát từ việc các nhà đầu tư tin tưởng rằng Bắc kinh sẽ tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế, bởi hầu hết các dữ liệu kinh tế của nước này từ đầu năm đều ảm đạm. Trong đó, sản lượng công nghiệp suy giảm, áp lực giảm phát gia tăng, và nhu cầu yếu ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Tỷ lệ thất nghiệp, một thước đo ổn định xã hội, vẫn ở dưới mức 4%, nhưng ngay cả một số quan chức của Trung Quốc cũng tỏ ra hoài nghi về độ xác thực của con số này.

Các cuộc thăm dò do khu vực tư nhân thực hiện cho thấy áp lực thất nghiệp gia tăng, còn chính quyền các địa phương đã phải tìm cách bảo vệ việc làm tại các doanh nghiệp quốc doanh.

Tỷ lệ nợ xấu chính thức được công bố của Trung Quốc ở ngưỡng thấp dưới 2%, nhưng hầu hết các chuyên gia đều tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều, bởi nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương tìm đến thị trường tín dụng “ngầm”.

Những thách thức hiện nay của kinh tế Trung Quốc xuất phát nhiều từ việc bong bóng địa ốc của nước này “xì hơi”. Mấy năm qua, Bắc Kinh áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản nhằm dịch chuyển vốn từ thị trường này sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Thị trường bất động sản đi xuống đã ảnh hưởng bất lợi tới các ngành nghề như sắt thép, kính và nội thất, đồng thời làm suy giảm nguồn thu của các địa phương phụ thuộc vào việc bán đất. Đến nay, thị trường nhà đất suy giảm tiếp tục là một rào cản tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

“Hiện có 55 triệu ngôi nhà bị bỏ trống ở Trung Quốc”, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Nicholas Lardy nói. “Những ngôi nhà này không hề đem lại ích lợi gì cho nền kinh tế”.

Khối nợ khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc cũng khiến việc kích thích đầu tư cho sản xuất trở nên khó khăn hơn. Đối mặt với nhu cầu tiêu dùng yếu và lãi suất thực tế cao, các doanh nghiệp tư nhân muốn trả bớt nợ hơn là đầu tư tăng công suất.

Các nhà hoạch định cính sách Trung Quốc lo ngại các biện pháp cải cách hiện có sẽ không đủ mạnh để kéo nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình mà ở đó chi phí nhân công gia cản trở tăng trưởng kinh tế nhưng không đi kèm sự gia tăng nào về năng suất hay sáng tạo.