10:40 11/05/2015

Cứu tăng trưởng, Trung Quốc 3 lần hạ lãi suất trong 6 tháng

Diệp Vũ

Theo dự báo, Trung Quốc sẽ còn hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong vòng mấy tháng tới

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters.<br>
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters.<br>
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hôm qua (10/5) đã có lần cắt giảm lãi suất thứ ba trong vòng 6 tháng nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc mạnh. Nhiều khả năng năm nay nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ tăng trưởng chậm nhất trong 1/4 thế kỷ.

Theo hãng tin Reuters, giới phân tích đánh giá tích cực về động thái trên của Trung Quốc, nhưng dự báo PBoC sẽ còn hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong vòng mấy tháng sắp tới để đối phó với các rào cản tăng trưởng ngày càng lớn.

Trong lần hạ lãi suất cơ bản này, PBoC đưa lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm đồng Nhân dân tệ xuống mức 5,1%, có hiệu lực từ ngày 11/5, giảm 0,25 điểm phần trăm so với trước đó. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm cũng bị cắt giảm ở mức tương tự, còn 2,25%.

“Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang đối mặt với áp lực suy giảm lớn”, PBoC viết trong tuyên bố giảm lãi suất. “Cùng với đó, giá cả trong nước nói chung vẫn ở mức thấp, và mức lãi suất thực tế vẫn đang cao hơn so với trung bình lịch sử”.

Động thái giảm lãi suất ngày 10/5 của Trung Quốc được đưa ra vài ngày sau khi số liệu thống kê cho thấy kim ngạch thương mại và lạm phát tháng 4 thấp hơn dự báo. Những dữ liệu này tiếp tục cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chịu áp lực suy giảm tăng trưởng do nhu cầu yếu cả ở thị trường trong nước và ngoài nước.

Thừa nhận những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt, nhưng PBoC cũng nói muốn tạo ra thế cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng và đẩy mạnh các cải cách cơ cấu.

Theo đó, trần lãi suất tiền gửi được PBoC tăng lên gấp 1,5 lần so với mức lãi suất chuẩn kỳ hạn 1 năm. Đây là mức tăng trần lãi suất mạnh nhất kể từ khi PBoC bắt đầu tự do hóa hệ thống lãi suất tiền gửi vào năm 2012.

Giới chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách để cứu tăng trưởng, nhưng không chắc về thời điểm của động thái nới lỏng tiếp theo. Quý 1 năm nay, tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm còn 7%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009.

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, một số nhà phân tin tưởng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể hãm đà giảm tốc của nền kinh tế. “Đẩy mạnh nới lỏng chính sách sẽ giúp làm chững đà giảm tốc của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế cấp cao Xu Hongcai thuộc Trung tâm Trao đổi kinh tế Quốc tế Trung Quốc  nhận định.

Thị trường bất động sản giảm tốc cùng tăng trưởng yếu trong sản xuất và đầu tư đang gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc. Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 7% trong năm nay, từ mức 7,4% trong năm 2014. Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất trong 25 năm.

Trong 6 tháng qua, PBoC đã hạ lãi suất và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tổng cộng 5 lần. Tuy vậy, có những tín hiệu cho thấy các động thái này chưa có tác động tích cực rõ ràng lền nền kinh tế. Theo một số dữ liệu, các ngân hàng vẫn chưa hạ lãi suất cho khách hàng vay, trong khi dòng vốn tín dụng chưa chịu chảy mạnh hơn vào các lĩnh vực cần vốn nhất.

“Tác động của hạ lãi suất lần này sẽ không lớn lắm. PBoC đã cắt giảm tổng cộng 0,65 điểm phần trăm lãi suất, nhưng chi phí vay vốn chỉ giảm nhẹ”, nhà kinh tế Li Qilin thuộc công ty chứng khoán Minsheng nhận xét.

Các ngân hàng của Trung Quốc hiện đang chật vật vì nền kinh tế giảm tốc. Hoạt động cho vay chững lại, nợ xấu tăng trong khi tỷ suất lợi nhuận suy giảm trong bối cảnh nước này tự do hóa lãi suất. Theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố tháng trước, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Trung Quốc trong quý 1 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm.