Kinh tế tư nhân đang "vướng" những rào cản nào?
Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận diện những rào cản với sự phát triển của kinh tế tư nhân
Việc đổi mới và kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Đây là một trong những rào cản đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân được TS. Hoàng Xuân Hoà, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nêu trong tham luận tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 20/3 tại Tp.HCM.
Bản tham luận nêu rõ, từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận là "một trong những động lực" và đến nay "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trên thực tế, kinh tế tư nhân đã ngày càng phát triển; tỉ trọng trong GDP chiếm 39 - 40%; thu hút khoảng 85% tổng số lao động trong nền kinh tế. Đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm của doanh nhân đối với người lao động, xã hội và đạo đức, văn hoá trong kinh doanh dần được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tư nhân cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu đang là những rào cản đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân, tác giả tham luận nhìn nhận.
Những nguyên nhân chủ yếu đó là, việc đổi mới và kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế, yếu kém. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây (giai đoạn 2003-2010: 11,93%/năm; giai đoạn 2011-2015: 7,54%/năm).
Nguyên nhân tiếp theo được ông Hoà đề cập là xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn thấp.
Bản tham luận nêu nhiều con số đáng chú ý, như năm 2015 Kinh tế tư nhân chiếm 39,21% GDP của cả nước trong đó hộ cá thể chiếm tới 31,33% GDP và các thành phần khác của kinh tế tư nhân chiếm 7,88% GDP. Doanh nghiệp của tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp của tư nhân. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của các doanh nghiệp của tư nhân có chiều hướng giảm mạnh (giai đoạn 2007-2011: 34%), giai đoạn 2012-2015: 10%/năm).
Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%. Năm 2016 có 73.130 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động và 20.345 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Rào cản nữa là cơ cấu ngành nghề của kinh tế tư nhân còn bất cập khi có 81% tập trung vào lĩnh vực hoạt động thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Các doanh nghiệp tư nhân lớn hiện nay chủ yếu hoạt động dựa vào khai thác đất đai, tài nguyên, kinh tế tư nhân phát triển còn yếu trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, tác giả tham luận phân tích.
Tác giả tham luận cũng nhận định, vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân còn khá phổ biến, Môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao, thiếu sự an toàn và tính minh bạch trên thực tế, quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu tài sản, sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, nhất là trong cạnh tranh và tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa được bảo đảm đầy đủ.
Ông Hoà cũng chỉ ra rào cản từ hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, vẫn còn biểu hiện của cơ chế xin - cho; có nơi chưa bảo đảm kỷ cương. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn khá phổ biến.
Bản tham luận của ông Hoà cũng đề cập nhiều giải pháp lớn nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong nền kinh tế thị trường. Trong đó có rà soát, xóa bỏ các cơ chế, chính sách tạo ra bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác; giữa các chủ thể của kinh tế tư nhân, nhất là trong cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực xã hội, các yếu tố sản xuất, cơ hội kinh doanh, tham gia thị trường, mà trọng tâm là đất đai, vốn, nguồn lực của Nhà nước.
Ông Hoà cũng cho rằng cần tăng cường tính minh bạch đối với độc quyền nhà nước, độc quyền doanh nghiệp và kiểm soát độc quyền kinh doanh; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Xóa bỏ các chính sách hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh, nhất là giá cả hàng hóa, dịch vụ.