11:33 21/01/2021

Kinh tế Việt Nam trung hạn: Phục hồi và tăng tốc bằng cách nào?

Mạnh Đức

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn phải giải quyết nhiều khó khăn nội tại.

Trong giai đoạn 2021-2025, nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. 

Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn phải giải quyết nhiều khó khăn nội tại. Ghi nhận của phóng viên tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc".

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG 

Cơ hội và thách thức để phát triển trong giai đoạn tới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Cường Chuyên gia kinh tế trưởng, ADB

Nhận định về tình hình kinh tế thế giới và khu vực, tôi có 3 điểm chia sẻ.

Thứ nhất, chúng ta thường so sánh cuộc khủng hoảng hiện nay với cuộc khủng hoảng 2008 hoặc năm 1930, nhưng theo tôi đây là cuộc khủng hoảng tệ nhất trong lịch sử. Có 2 lý do. Một là, nền kinh tế thế giới và khu vực vừa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008 và đang trên đà phục hồi, chưa tăng trưởng trở lại thì năm 2020 cuộc khủng hoảng do Covid bắt đầu. Hai là, tính bất định của cuộc khủng hoảng này, bởi đây là cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng phụ thuộc vào khả năng về y tế. Nếu những cuộc khủng hoảng trước có thể đo đếm được, thì cuộc khủng hoảng này đều khó đoán, bởi bất cứ chính sách tiền tệ hay tài khóa nào được đưa ra nếu diễn biến về y tế khác đi thì lập tức phải thay đổi.

Thứ hai, chúng ta hay nói đến trạng thái bình thường mới, nhưng theo tôi tình trạng kinh tế thế giới luôn trong trạng thái bất bình thường mới, chứ chưa bao giờ có bình thường cả. Trạng thái bình thường là trạng thái cân bằng của kinh tế đã được thiết lập nhưng ở các mức độ khác nhau. Ví dụ, như cân bằng về thương mại thấp hơn, cao hơn, cân bằng về thị trường vốn thấp hơn, cao hơn. Nhưng từ trước tới nay, trong suốt một thập kỷ qua, nền kinh tế thế giới liên tục trải qua những trạng thái bất bình thường.

Như vậy, chúng ta phải sống trong tình trạng bất bình thường mới này không chỉ trong giai đoạn 2020, 2021 mà cả giai đoạn 2021 – 2025. Điều này cho thấy chúng ta đang phải đối phó với tình trạng bất bình thường mới chứ không phải là bình thường mới.

Thứ ba, tôi muốn nhấn mạnh thêm, Việt Nam rất thành công trong việc chống chọi với Covid, nhưng bên cạnh đó cũng rất nhiều thách thức và những vấn đề Việt Nam gặp phải mang tính đa đạng. Câu hỏi đặt ra là vai trò dẫn dắt của Nhà nước như thế nào? Và có đủ sức đáp ứng tất cả các vấn đề đa dạng như vậy không? Câu chuyện về quản lý hay hỗ trợ cũng cần được đặt ra với một nền kinh tế 300 tỷ USD, với một luồng vấn đề đặt ra trước mắt về bình đẳng xã hội, về môi trường, về già hóa dân số, về chuyển đổi số... tất cả đặt ra câu hỏi về vai trò của Nhà nước như thế nào?

Năm 2021 tiếp tục phải ngăn chặn covid, phải tập trung vào các hiệp định thương mại tự do. Giai đoạn 2021 – 2025 theo tôi, cốt lõi của Việt Nam ở đây là chuyển đổi sang kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh, mặc dù đã chuyển đổi hơn 30 năm. Chính điều này đã dẫn đến hiệu quả của nền kinh tế như năng suất thấp và một loạt các vấn đề khác xảy ra. Do vậy, năm 2021 cần tiếp tục tập trung cho việc chuyển đổi này.

Chuyển đổi sang kinh tế thị trường có 3 vấn đề. Thứ nhất, phải thực chất là thị trường về đất đai; thị trường vốn, đây là vấn đề rất quan trọng nhưng chúng ta cũng chưa hình thành được; về thị trường lao động phải thật sự hoạt động theo nguyên tắc của thị trường. Thứ hai, phát triển kinh tế tư nhân hoàn toàn năng động và được phát triển thì mới hỗ trợ được kinh tế Việt Nam phát triển... Để phát triển được kinh tế tư nhân thì vai trò của Nhà nước là dẫn dắt chứ không phải là quản lý. Thứ ba, tiếp tục cải cách thể chế. Tất cả các vấn đề này có thể tạo ra nguồn lực để ứng phó với những thách thức có thể xảy đến.

CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH THUẾ LÀ TRỌNG TÂM  

Kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn phải giải quyết nhiều khó khăn nội tại - Ảnh 2.

Ông Vũ Sỹ Cường Chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính

Chính sách thuế cần hướng tới một số đối tượng cụ thể và sẽ có tác dụng tốt hơn. Như chúng ta đã biết, năm 2020 để thực hiện gói hỗ trợ phát triển kinh tế thì chúng ta có thực hiện việc miễn giảm thuế, nhưng cuối cùng số thu ngân sách theo ước tính đến hết ngày 31//12/2020 đạt 98% dự toán 2020, mà dự toán 2020 xây dựng trên dự toán 2019, rất cao. Lý do rất quan trọng là chính sách mà chúng ta sử dụng để khuyến khích, để hỗ trợ doanh nghiệp trong 2020 chủ yếu là hoãn hoặc giãn chứ không phải là miễn do đó số thu có ảnh hưởng nhưng không quá nhiều.

Vấn đề rất quan trọng nữa trong thu ngân sách chúng ta thấy một nghịch lý là trong 2020 những tỉnh đóng góp ngân sách lớn hầu như không đạt dự toán, trong đó có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Lý do rất quan trọng, những tỉnh này, số thu ngân sách phụ thuộc vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, trong khi đó rất nhiều tỉnh ngân sách vượt dự toán lại là những tỉnh nghèo. Bởi các tỉnh này thu ngân sách phụ thuộc vào đất đai. Đây là câu chuyện đã được bàn cách đây 7, 8 năm, có vấn đề rất lớn mà Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết. Số thu ngân sách từ đất đai không những không giảm mà còn tăng và dẫn đến "căn bệnh Hà Lan", nghĩa là không cần làm gì cả, chỉ phụ thuộc vào đất đai. Điều này vừa dễ vừa thuận tiện cho địa phương.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp tục thu tiền sử dụng đất một lần như hiện nay vừa khiến ngân sách các địa phương phụ thuộc rất lớn vào nguồn này lại vừa sử dụng không hiệu quả. Rất nhiều địa phương hoàn thành nông thôn mới, nghĩa là xây dựng được hệ thống hạ tầng nhưng không có tiền bảo trì, bảo dưỡng. Đây là vấn đề rất lớn. Họ có tiền xây dựng các công trình hạ tầng nhưng trong ngân sách chi thường xuyên không có vì nguồn thu thường xuyên không có. Đây là thách thức rất lớn.

Tôi cho rằng, cải cách chính sách thuế là một trong những vấn đề trọng tâm trong giai đoạn 2021 – 2025. Nếu không ngân sách các địa phương sẽ gặp những rủi ro rất lớn.

Về huy động nguồn lực, đây cũng là một thách thức, bởi hầu hết các địa phương hiện nay phân cấp rất mạnh, do đó họ chỉ tập trung vào các nguồn lực mà địa phương có thẩm quyền phê duyệt và chi. Trong đó, hai nguồn lực chủ yếu là từ đất đai và sổ xố. Trong khi đó, những công trình có tính chất liên vùng thì rất ít được chú ý, và đến bây giờ do quy định của Luật Ngân sách và thể chế về mặt tổ chức, Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế nào để phối hợp liên vùng một cách hiệu quả trong việc xử lý các nguồn lực tài chính.

Tôi lấy ví dụ. Thành phố Hồ Chính Minh, chúng ta đều biết, xử lý rác đang có nhiều kêu ca về bãi rác Đa Phước, trước đây đã có kế hoạch chuyển bãi rác ra Long An, tuy nhiên không có cơ chế chia sẻ lợi ích giữa Long An và thành phố Hồ Chính Minh. Vì vậy không có cách nào để thực hiện được dự án đầu tư đó cả, mà trách nhiệm xây dựng các khu xử lý rác không thuộc Chính phủ nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không thể can thiệp để xây dựng một khu xử lý rác được. Đây là thách thức về phân cấp. Việt Nam là quốc gia phân cấp rất mạnh, nhưng mạnh ở chi chứ không phải mạnh ở thu. Địa phương rất ít thẩm quyền về thu nhưng rất nhiều thẩm quyền về chi.

Vấn đề khác tôi muốn nói đến là nợ công. Lo lắng này là đúng, nhưng đang gây ra áp lực rất lớn, vì thế cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đã bỏ lỡ cơ hội rất quan trọng của năm 2020, là vay nợ nhiều hơn. Năm 2020 là năm vay trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Lãi suất trung bình của vay trái phiếu chính phủ năm 2020 chỉ 2,82% và kỳ hạn dài hơn rất nhiều. Chúng ta không còn cơ hội trong năm 2021 – 2025. Do đó, áp lực về sợ nợ công, áp lực không dám bứt phá ngoài khuôn khổ đã trì hoãn và đã làm lỡ cơ hội.

PHẢI CÓ NHỮNG QUYẾT SÁCH ĐÚNG ĐẮN, CHÍNH XÁC, KỊP THỜI 

Kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn phải giải quyết nhiều khó khăn nội tại - Ảnh 3.

Ông Đỗ Thành Trung Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Những mục tiêu đặt ra của 5 năm tới rất cao. Đó là chúng ta cố gắng để xây dựng đất nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại và phải vượt qua được mức thu nhập trung bình thấp. Đây là mục tiêu rất to lớn và khó khăn trong năm 2021 và những năm tới với những biến động bất định. Và đặc biệt là yếu tố về Covid-19.

Dịch bệnh làm cho tăng trưởng của thế giới chậm lại, đồng thời có những sự biến đổi lớn, xu hướng phục hồi của các ngành khác nhau và có những ngành sẽ bị tác động lâu dài và rất nặng nề, và các rủi ro xuất hiện rất nhiều từ nợ công, tài chính đến các lĩnh vực dịch chuyển về đầu tư, thương mại, tạo ra thay đổi rất lớn về phương thức sản xuất. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta hình dung nổi phương thức sản xuất nó thay đổi nhanh như thế này. Trước đây phải mất cả trăm năm để thay đổi công nghệ, thì nay chỉ mất 3 – 5 năm. Điều này đã làm thay đổi rất nhiều đến năng suất, chất lượng, cạnh tranh. Đây cũng là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta nắm bắt được, tận dụng được hiệu quả thì rõ ràng chúng ta sẽ biến được rủi ro, hóa giải được rủi ro thành cơ hội, giống như chúng ta đã làm được trong năm 2020.

Trong giai đoạn tới, chúng ta phải có những quyết sách đúng đắn, chính xác, kịp thời. Thời gian luôn là vàng nhưng cũng là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta muốn đi nhanh thì chúng ta phải chọn được con đường đi đúng, mọi chính sách của Chính phủ thì phải luôn hướng tới hạnh phúc của người dân vì người dân là chủ thể, là mục tiêu để chúng ta hướng tới. Không thể một lần nữa, chúng ta đứng ngoài hoặc đi sau khi cuộc chơi mới, cuộc sắp xếp mới đang hình thành mà chúng ta lại tiếp tục đứng ở ngoài cuộc.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp với mục tiêu nhắm tới 100 nghìn doanh nghiệp, trong đó tập trung doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là những hành động, nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ kế hoạch và Đầu tư tập trung thúc đẩy. Hay đầu tư cho hạ tầng hoặc nắm bắt về dịch chuyển đầu tư và thương mại phải được cụ thể hóa. Hay là ý tưởng xây dựng và thành lập các thành phố hoặc trung tâm tài chính tại thành phố Hồ Chính Minh và Đà Nẵng. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với hai địa phương này và sẽ có văn bản báo cáo Bộ Chính trị để sớm hình thành, nếu không thì một lần nữa chúng ta lại lỡ cơ hội.

Chúng tôi cũng đang tập trung vào chuyển đổi các mục tiêu của đầu tư công. Mặc dù đầu tư công hiện nay không thể chiếm vai trò lớn như trước được nữa, nhưng đầu tư công phải trở thành vai trò dẫn dắt tất cả các cuộc chơi, và điều này đã được cụ thể hóa ngay trong đầu tư công trong trung hạn mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Câu hỏi lớn nhất đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là làm sao để tạo ra động lực tăng trưởng mới. Đầu tư công được kỳ vọng và định hướng một cách tập trung thay đổi hoàn toàn phương cách mà chúng ta đang thực hiện bấy lâu nay. Tập trung vào các dự án "quả đấm thép", dự án liên vùng và dự án xương sống của quốc gia, để làm sao trong 5 năm tới hình thành và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm chi phí và tăng cường kết nối. Đây là 3 mục tiêu lớn nhất trong đầu tư công.

Giải pháp không quan trọng bằng hiệu quả và tính lan tỏa của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Do đó, bên cạnh các dự án giao thông thì chúng tôi cũng tập trung vào các dự án năng lượng và các dự án liên quan đến đổi mới sáng tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa khởi công trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là trung tâm đầu tiên và là mô hình duy nhất hiện nay trên thế giới. Với quy mô 100 triệu USD, trước mắt sẽ xây dựng ở Hà Nội và sau đó là thành phố Hồ Chính Minh và Đà Nẵng để hoàn thành vòng kết nối, quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn cho đến cung cấp các cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn, đồng thời kết nối với các quỹ và giúp thương mại hóa các sản phẩm và các ý tưởng để nuôi các ý tưởng và biến nó thành hiện thực. Đồng thời, chúng tôi cũng đang xây dựng luật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, và hy vọng sẽ thành công.

THỂ CHẾ TỐT NHẤT PHẢI TẠO RA ĐƯỢC SỰ NĂNG ĐỘNG CHO KINH DOANH  

Kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn phải giải quyết nhiều khó khăn nội tại - Ảnh 4.

Ông Phan Đức Hiếu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Gói kích thích thứ nhất Chính phủ thực hiện trong thời gian rất nhanh, chưa có tiền lệ và đầy thách thức. Bên cạnh những điểm thành công, gói kích thích thứ nhất vẫn còn nhiều điểm chưa được như kỳ vọng.

Vì vậy, ở gói kích thích thứ hai, cần tập trung vào mục tiêu phục hồi và tăng trưởng. Theo đó, Chính phủ nên chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19. Theo đó, chính sách đưa ra cần tránh những chính sách gây ra tác động ngược với lợi ích. Chẳng hạn, nếu đưa ra tiêu chí doanh nghiệp phải mất bao nhiêu lao động, bao nhiêu doanh thu mới được hỗ trợ... sẽ thúc đẩy doanh nghiệp sa thải thêm lao động, giảm bớt doanh thu để đạt đủ mức thiệt hại nhận hỗ trợ. Điều này đi ngược với mong muốn hỗ trợ người lao động, trợ giúp doanh nghiệp vượt khó.

Ngoài ra, gói kích thích cần phải chính xác hơn về đối tượng và dựa trên kết quả đầu ra, tránh trường hợp có nhiều doanh nghiệp dựa vào Covid-19 để hưởng lợi thay vì buộc phải phá sản nếu không có Covid-19. Cùng với đó, nên tập trung vào đầu tư công và phát triển hạ tầng kinh tế, ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh để tạo ra tác động lan tỏa.

Thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn hậu Covid-19 cần coi trọng cải cách thể chế. Một thể chế tốt phải tạo ra được sự năng động cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thực sự là cạnh tranh. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp hiệu quả sẽ tồn tại còn những doanh nghiệp không hiệu quả sẽ được thay thế. Nhà nước nên giảm thiểu sự can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ như cơ cấu lại doanh nghiệp, mua bán, sát nhập dự án hay góp vốn tại sao phải cần sự phê duyệt mang tính hành chính, gây tốn kém thời gian cho doanh nghiệp khiến cho doanh nghiệp không năng động.

Trong giai đoạn tới, tôi vẫn băn khoăn là sẽ cải cách thể chế thế nào? Theo tôi, cải cách thể chế của Việt Nam hiện nay chưa bền vững vì nó chưa có một cơ chế. Chúng ta đã biết cải cách thể chế không phải là cơ chế tự thân. Những người làm ra thể chế không thể tự mình cải cách được, mà đang bị áp lực bởi sáng kiến của một số chuyên gia, của một số cơ quan nghiên cứu thúc đẩy cải cách thể chế. Điều này sẽ không bền vững và không hiệu quả, không nhanh. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang có cơ chế bổ sung để giải quyết cho cơ chế tự thân. Các cơ quan chuyên trách có đủ thẩm quyền để giám sát, thúc đẩy, thậm chí áp đặt việc cải cách thể chế trong thời gian nhanh nhất. Trong thời gian sắp tới, Việt Nam cần có một cơ quan bổ sung được thành lập để thúc đẩy cải cách thể chế một cách bền vững.