21:57 18/12/2023

Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào trung tuần tháng 1/2024, xem xét những nội dung cấp thiết

Hà Lê

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28 chiều 18/12, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tổng kết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu điều hành phiên họp chiều 18-12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QĐND
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu điều hành phiên họp chiều 18-12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QĐND

Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ sáu, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

ĐÁP ỨNG NGÀY CÀNG TỐT HƠN YÊU CẦU THỰC TIỄN

Các hoạt động tại Kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Thành công của Kỳ họp tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng; sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của Kỳ họp; sự nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội; sự tham gia, đưa tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến, kết quả Kỳ họp của các cơ quan thông tấn, báo chí ở cả Trung ương và địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị, tiến hành Kỳ họp.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: TXVN
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: TXVN

Các hoạt động tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Tại các phiên họp, đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ; có 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn và 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn tại phiên họp chất vấn.

Trong thời gian giữa 2 đợt của kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết để hoàn thiện các dự thảo một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng cao, nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo ông Bùi Văn Cường, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã “quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất” và “giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn...”.

ĐỀ NGHỊ TIẾN HÀNH KỲ HỌP BẤT THƯỜNG THỨ 5

Căn cứ quy định trên, Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đề xuất về thời điểm cụ thể để trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung trên (tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 hoặc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV).

Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường phải đáp ứng tiêu chí về tính cấp thiết, phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan, hạn chế tối đa việc trình Kỳ họp bất thường những nội dung có nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Đồng thời, cần tính toán để bảo đảm thời điểm tổ chức, quỹ thời gian hợp lý trong Kỳ họp cho các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện văn bản trình Quốc hội thông qua theo đúng quy trình, thủ tục quy định, nhất là những dự án, dự thảo lớn, nội dung phức tạp. Các đại biểu Quốc hội cũng cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến.

Do đó, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng, sẽ đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường các nội dung gồm: Xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện;

Xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).

Về hình thức họp, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 3 ngày, khai mạc vào ngày 15/1/2024 và chia thành 2 đợt (Quốc hội nghỉ 2 ngày làm việc giữa 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua).

Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào trung tuần tháng 1/2024, xem xét những nội dung cấp thiết - Ảnh 1

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tiếp tục tổ chức thành 2 đợt với khoảng 9 ngày nghỉ giữa 2 đợt họp. 

Dự kiến, Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ bảy vào ngày 20/5/2024. Đợt 1 họp 14 ngày, từ 20/5 đến 6/6; đợt 2 họp 8 ngày, từ 17/6 đến 26/6. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung một số dự án luật theo đề nghị của Chính phủ thì thời gian tiến hành kỳ họp sẽ kéo dài thêm 1 đến 2 ngày, dự kiến Quốc hội bế mạc chậm nhất là ngày 28/6.

4 NỘI DUNG DỰ KIẾN TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT, THÔNG QUA RẤT CẤP BÁCH

Sau khi nghe ý kiến phát biểu, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội.

Kỳ họp thứ 6 tuy có khối lượng công việc rất lớn, độ khó cao, nhiều việc cấp bách phải xử lý trong thời gian ngắn, nhưng các nội dung vẫn được thảo luận kỹ lưỡng, được thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao. Quốc hội tiếp tục có nhiều tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng.

Kỳ họp thứ 6 cũng được cử tri, nhân dân, doanh nghiệp đánh giá đã thông qua nhiều chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cho rằng điều đó chắc chắn góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2023 và tạo động lực mới, khai thác năng lực nội sinh, đồng thời tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho năm 2024.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu ý kiến phản ánh còn một số nội dung Quốc hội bố trí thời gian thảo luận khác nhau nhưng có sự giao thoa, có thể nghiên cứu thảo luận gộp để tiết kiệm thời gian hơn mà vẫn bảo đảm chất lượng kỳ họp.

Về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa nhất trí bổ sung 4 dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 nên số lượng dự án luật Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 cũng khá lớn.

Rút kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ 6, Tổng thư ký Quốc hội cần nghiên cứu, hoàn chỉnh dự kiến chương trình theo hướng tinh gọn hơn, mạch lạc hơn, xúc tích hơn, gọn ghẽ hơn để vừa tiết kiệm thời gian vừa nâng cao chất lượng các phiên họp.

Về chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, 4 nội dung dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua đều rất cấp bách. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết tâm và đang hoàn thành những phần việc cuối cùng để chuyển sang các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Ngoài 4 nội dung đã xác định nêu trên sẽ không bổ sung nội dung khác trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường để bảo đảm chất lượng.