08:13 29/10/2020

Lại lo giãn cách xã hội, giá dầu “bốc hơi” hơn 5%, chạm đáy 4 tháng

Diệp Vũ

Giới đầu tư lo ngại rằng làn sóng Covid-19 mới sẽ gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu

Một nhà máy lọc dầu ở California, Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.
Một nhà máy lọc dầu ở California, Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm hơn 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (28/10), xuống mức thấp nhất 4 tháng, khi làn sóng Covid-19 mới ở Mỹ và châu Âu buộc nhà chức trách phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội và dẫn tới kỳ vọng về một sự sụt giảm mới trong nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Gây áp lực giảm giá lên "vàng đen" trong phiên này còn có báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết lượng tồn kho dầu thô của nước này tăng mạnh hơn dự báo trong tuần trước do sản lượng khai thác dầu lập kỷ lục mới.

"Sự gia tăng sản lượng khai thác dầu đã dẫn tới lượng tồn kho dầu tăng vượt dự báo. Các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng ở châu Âu. Đây thực sự là loạt tin xấu đối với thị trường dầu lửa", Chủ tịch Andy Lipow của công ty tư vấn Lipow Oil Associates phát biểu trong cuộc trao đổi với hãng tin Reuters.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,08 USD/thùng, tương đương giảm 5,1%, còn 39,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York mất 2,18 USD/thùng, tương đương giảm 5,5%, còn 37,39 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 12/6 và là mức giá chốt thấp nhất của dầu WTI kể từ ngày 2/10. Phiên này là phiên giảm mạnh nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 8/9.

Giá dầu “bốc hơi” hơn 5%, chạm đáy 4 tháng - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Cú sụt của giá dầu phản ánh sự trượt dốc của các tài sản rủi ro khác, với chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên với mức giảm 3,35%.

Trái lại, đồng USD - một kênh đầu tư được xem là "hầm trú ẩn"- tăng 0,5% giá trị so với một rổ gổm 6 đồng tiền chủ chốt. Đồng USD tăng giá cũng tạo thêm áp lực giảm giá lên dầu, vì hàng hóa này được định giá bằng USD.

Những ngày gần đây, Mỹ, Nga, Pháp và nhiều quốc gia khác đồng loạt lập kỷ lục về số ca nhiễm Covid-19 mới. Đức và Pháp ngày 28/10 tuyên bố đóng cửa phần lớn các hoạt động công cộng trên toàn quốc để chống lại làn sóng virus.

Ngoài ra, các nhà giao dịch nói rằng giá dầu còn chịu sức ép bởi khả năng Quốc hội Mỹ không sớm thông qua được một gói kích cầu kinh tế mới, và sản lượng dầu gia tăng ở Libya.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Donald Trump thừa nhận rằng kế hoạch kích cầu mới khó có thể được thông qua trước ngày bầu cử.

Sản lượng dầu của Libya được dự báo sẽ tăng trở lại mức 1 triệu thùng/ngày trong vài tuần tới.

Đại diện của Saudi Aramco, hãng dầu lửa quốc doanh khổng lồ của Saudi Arabia, nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, thường được gọi là nhóm OPEC+, sẽ phải đối mặt với "nhiều vấn đề về nhu cầu" trước khi đến thời hạn nâng sản lượng trở lại vào tháng 1/2021 như đã nhất trí trước đây.

"Chỉ trong vòng 2 tuần qua, sản lượng dầu của Mỹ và Libya đã tăng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày", ông Robert Yawger, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau thuộc ngân hàng Mizuho ở New York, nhấn mạnh.

Theo ông Yawger, nếu OPEC+ cho rằng các công ty sản xuất dầu của Mỹ sẽ chỉ tăng sản lượng khai thác, OPEC+ cũng sẽ tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 1 để khiến giá dầu giảm mạnh, theo đó gây thiệt hại cho phía Mỹ.