17:11 07/07/2025

Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Song Hà

Hình thức hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp sẽ được điều chỉnh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với chủ trương đơn giản hóa quy định kinh doanh...

Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ảnh minh họa.
Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thông qua việc xây dựng và ban hành một nghị định mới thay thế các nghị định hiện hành.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay đang xuất hiện các mô hình kinh doanh có cách thức chi trả hoa hồng tương tự mô hình đa cấp, ví dụ như mô hình tiếp thị liên kết hay mô hình trả thưởng một cấp.

Trong mô hình này, người tham gia (F0) được trả hoa hồng trên doanh thu của khách hàng do mình giới thiệu (F1), khách hàng F1 này được hưởng hoa hồng khi giới thiệu khách hàng F2 mua hàng, F0 không được hưởng hoa hồng từ doanh thu của F2.

Với quy định hiện hành, cơ quan quản lý gặp lúng túng khi xem xét, đánh giá để xác định chính xác loại hình kinh doanh này có phải là kinh doanh theo phương thức đa cấp hay không để có hướng tiếp cận, điều chỉnh phù hợp.

Do đó, Nghị định mới được cho là cần thiết để hoàn thiện pháp lý, khắc phục những hạn chế của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP và Nghị định 18/2023/NĐ-CP trong bối cảnh chuyển đổi số và chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, nghị định này nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và an ninh xã hội trước các mô hình lừa đảo tinh vi trá hình dưới danh nghĩa kinh doanh đa cấp.

Đồng thời, việc ban hành Nghị định mới cũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và các quy định mới về phân cấp, phân quyền.

Nghị định này cũng thực hiện yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính theo các Nghị quyết 68/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 20 tháng 05 năm 2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; Chỉ thị 16/CT-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20 tháng 5 năm 2024 về việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp; Nghị quyết 66/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 3 năm 2025 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026.

Ngoài ra, các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp hiện đang được quy định tại 3 văn bản cấp Nghị định: Nghị định 40/2018/NĐ-CP; Nghị định 18/2023/NĐ-CP; Nghị định 55/2024/NĐ-CP. Do đó, việc ban hành một Nghị định mới thống nhất các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào một Nghị định là phù hợp.

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 7 NỘI DUNG

Theo Bộ Công Thương, Dự thảo Nghị định mới đề xuất sửa đổi và bổ sung 7 nội dung đáng chú ý.

Thứ nhất, về khái niệm kinh doanh theo phương thức đa cấp, Nghị định sẽ làm rõ việc xác định mô hình này theo hệ thống người tham gia của doanh nghiệp bán hàng đa cấp hay xác định theo hệ thống tuyến dưới của người tham gia bán hàng đa cấp.

Thứ hai, quy định về hình thức hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp cũng sẽ được điều chỉnh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với chủ trương đơn giản hóa quy định kinh doanh.

Thứ ba, dự thảo cũng tập trung nâng cao tính thực chất của hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp, đảm bảo người học nắm vững kiến thức để có nhận thức đúng đắn, đầy đủ khi tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp.

Thứ tư, dự thảo đề xuất tăng năng lực tài chính của doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bằng cách tăng mức ký quỹ từ 10 tỷ đồng lên mức 20 hoặc 50 tỷ đồng.

Thứ năm, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt ở những địa bàn có nhiều người tham gia.

Thứ sáu, bổ sung quy định đối với việc mua lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để ngăn chặn tình trạng mua bán giấy phép.

Thứ bảy, bổ sung quy định về trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp nhằm định hướng hành vi, đảm bảo tính gương mẫu, nâng cao trách nhiệm của nhóm người tham gia bán hàng đa cấp cấp cao.

CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cho biết dự thảo Nghị định sẽ bỏ thủ tục Thông báo thay đổi Danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp và thay thế thủ tục kiểm tra cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp bằng cơ chế kiểm tra kiến thức. Thời gian xử lý thủ tục hành chính cũng sẽ được rút ngắn đến 50%.

Theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, cùng với các Kết luận và Kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư và Chính phủ về phân cấp, phân quyền, Bộ Công Thương đề xuất phân cấp cho cấp tỉnh thực hiện nhiều nhiệm vụ.

Các nhiệm vụ này bao gồm: công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp; kiểm tra kiến thức đầu mối tại địa phương; thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp và xác nhận kiến thức đầu mối tại địa phương; kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.