22:29 25/07/2008

Lãi suất: Giảm đầu ra, không giảm đầu vào

Đã có một số ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhưng chưa ngân hàng nào hạ lãi suất tiền gửi, vì sao?

Lãi suất cho vay của các ngân hàng đã bắt đầu giảm nhưng lãi suất huy động vẫn còn ở mức cao.
Lãi suất cho vay của các ngân hàng đã bắt đầu giảm nhưng lãi suất huy động vẫn còn ở mức cao.
Eximbank là ngân hàng cổ phần đầu tiên hạ lãi suất cho vay từ mức kịch trần 21% xuống 20%/năm.

Trước đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Vietcombank, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã hạ lãi suất đầu ra.

Tuy nhiên, chưa có ngân hàng nào hạ lãi suất tiền gửi. Một số ngân hàng, thậm chí còn duy trì lãi suất cao bằng cách phát hành kỳ phiếu, tín phiếu. Tín phiếu kỳ hạn ba tháng của SaigonBank có lãi suất 19,3%/năm; sáu tháng 19,5%/năm. Vì sao?

Một thứ thuốc cho nhiều loại bệnh

Giám đốc sở giao dịch của một ngân hàng cổ phần chỉ vào những con số trên máy tính: giá thành vốn huy động tiền đồng kỳ hạn ba tháng là 21,8%/năm, vậy mà bà phải xuất tiền cho khách hàng vay 21%/năm.

Bù lỗ bằng cách nào? Khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ, ngân hàng đành phải lấy lời từ lãi suất cho vay ngoại tệ bù đắp cho vay tiền đồng.

Với những khách hàng khác ngân hàng không cho vay, nhưng đằng này, khách hàng gửi tiết kiệm ngoại tệ, sổ do chính ngân hàng phát hành, không cho vay sao được? Vì thế lỗ cũng phải cho vay.

Với lãi suất huy động hiện hành, trung bình 18%/năm, hầu hết các ngân hàng đang lỗ về tín dụng. Huy động được 100 đồng vốn, các ngân hàng phải trích dự trữ bắt buộc 11 đồng, 0,5 đồng bảo hiểm tiền gửi, 0,75 đồng đảm bảo thanh khoản, chi phí nhân viên, trụ sở, máy móc… tức giá thành đầu vào lên khoảng 22-23%/năm. Cho vay ra 21% chắc chắn không có lời.

Thế nhưng, không ngân hàng nào dám rời cuộc đua lãi suất tiết kiệm bởi đang có sự mất cân đối trầm trọng giữa các kỳ hạn tiền gửi và cho vay. Tiền gửi của dân cư cũng như doanh nghiệp chủ yếu là 1-3 tháng, trong khi cho vay kỳ hạn thường là một năm.

Chỉ cần hạ lãi suất một chút, đáo hạn là khách hàng rút tiền gửi nơi khác, trong khi ngân hàng cho vay, đến hạn mới thu hồi được nợ. Không có ngân hàng nào đánh giá được chính xác phản ứng của khách hàng đến đâu nếu hạ lãi suất, nên để phòng ngừa, họ buộc phải duy trì lãi suất tiền gửi cao.

Quan trọng hơn, những ngân hàng nhỏ đang chịu áp lực thanh khoản do dư nợ hiện hành tiếp tục cao hơn vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp, chưa có cách gì ổn định thanh khoản lâu dài, nên chưa thể hạ lãi suất đầu vào. Các  ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn hàng ngàn tỉ đồng, nhưng kỳ hạn vay chỉ từng tuần một.

Muốn tháo gỡ bài toán lãi suất, phải xử lý dứt điểm vấn đề thanh khoản mà Ngân hàng Nhà nước nên là người cho vay dài hạn cuối cùng.

Ngân hàng Nhà nước cấm các ngân hàng trên sử dụng số tiền có được từ tái cấp vốn để hoạt động tín dụng, hy vọng khi thanh khoản được duy trì tạm thời, họ sẽ chỉ tập trung thu hồi vốn vay, giảm dư nợ. Song đến nay, số nợ thu về chưa như mong muốn. Trong khi đó thị trường liên ngân hàng về tiền đồng đang bị co hẹp, những khoản vay liên ngân hàng của họ để phát triển tín dụng trước đây đang đến hạn.

Lẽ ra, những ngân hàng chịu áp lực về thanh khoản phải được khu trú lại, chữa bằng những đơn thuốc đặc trị, đến khi thực sự khỏe mạnh, họ mới được quay trở lại “cộng đồng ngân hàng”. Nhưng suốt những tháng qua, Ngân hàng Nhà nước cho ngân hàng khỏe, ngân hàng yếu uống cùng một đơn thuốc, khiến người khỏe thì bị phản ứng phụ, người ốm chưa đủ liều thì chưa khỏi bệnh.

Nếu không phân chia kịp thời mức độ bệnh và đưa ra các đơn thuốc khác nhau, e tình trạng bệnh có thể lây lan nhanh chóng.

Người cho vay cuối cùng

Cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã có được những số liệu đầu tiên về nợ xấu trong nửa đầu năm 2008. Dư nợ cho vay chứng khoán giảm xuống (chỉ còn một ngân hàng có dư nợ cho vay cổ phiếu cao hơn 20% tổng vốn điều lệ, là mức quy định được phép) và cánh cửa cầm cố cổ phiếu đang khép lại. Đó là điều đáng mừng trong bối cảnh chứng khoán biến động không ngừng.

Tuy nhiên khối tiền tài trợ cho bất động sản những năm trước vẫn còn đó và từ đầu năm đến nay, dù đòi nợ tích cực, các ngân hàng cũng chưa giảm được bao nhiêu. Điều đáng nói hơn, không chỉ là dư nợ cho vay bất động sản, mà là tài sản thế chấp bằng bất động sản được ngân hàng chấp thuận. Hơn 70% tài sản thế chấp của khối ngân hàng là bất động sản. Tỷ lệ này đã được duy trì hàng chục năm nay, đến giờ vẫn chưa thay đổi.

Ở đây có điểm đáng chú ý. Tại sao Ngân hàng Nhà nước chỉ “bơm” tiền qua thị trường mở cho các ngân hàng có nhu cầu với kỳ hạn một tuần? Có ý kiến cho rằng có thể Ngân hàng Nhà nước sử dụng số tiền dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng để cho vay lại. Tuy nhiên ý kiến này không hẳn thuyết phục.

Người viết được biết, Ngân hàng Nhà nước giao cho giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về việc tái cấp vốn cho các ngân hàng chịu áp lực thanh khoản. Đây quả là trách nhiệm nặng nề cho chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành.

Và có thể họ đã chọn cách thức ít chịu áp lực nhất: kỳ hạn càng ngắn càng dễ thu hồi tiền về, càng dễ xử lý. Song các tổ chức tín dụng được hỗ trợ thanh khoản không còn cách nào khác là phải chịu tình trạng “ăn đong”.

Như vậy, muốn tháo gỡ bài toán lãi suất, phải xử lý dứt điểm vấn đề thanh khoản mà Ngân hàng Nhà nước nên là người cho vay dài hạn cuối cùng. Lãi suất của ngân hàng được thiết kế cho từng đối tượng khách hàng, theo kỳ hạn khác nhau, khối lượng khác nhau. Không thể kéo dài tình trạng lãi suất cho vay mọi kỳ hạn, mọi khách hàng hay nói cách khác là tất cả sản phẩm tín dụng có cùng đầu ra như nhau: 21%/năm.

Với chính sách lãi suất này, các ngân hàng sẽ còn tạm ngưng giải ngân và nền kinh tế kéo dài tình trạng thiếu vốn, dẫn đến nguy cơ suy thoái.

(Theo TBKTSG)