00:04 21/07/2008

Giảm lãi suất để đón đầu?

Hoàng Đạt

Việc giảm lãi suất cho vay của một số ngân hàng có phải là quyết định đi trước đón đầu xu hướng?

Một khách hàng nước ngoài tại quầy giao dịch một chi nhánh Ngân hàng Vietcombank. Ngân hàng này mới đây đã thông báo giảm lãi suất cho vay VND và USD - Ảnh: Việt Tuấn.
Một khách hàng nước ngoài tại quầy giao dịch một chi nhánh Ngân hàng Vietcombank. Ngân hàng này mới đây đã thông báo giảm lãi suất cho vay VND và USD - Ảnh: Việt Tuấn.
Việc giảm lãi suất cho vay của một số ngân hàng có phải là quyết định đi trước đón đầu xu hướng?

Sau 3 ngân hàng thuộc nhóm chiếm thị phần cho vay lớn nhất thị trường, cuối tuần qua, thêm một thành viên mới nhập cuộc giảm lãi suất cho vay.

Cụ thể, từ ngày 19/7, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bắt đầu thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay bằng VND trên toàn hệ thống, giảm 1%/năm so với hạn mức tối đa 21%/năm theo quy định hiện hành.

Như vậy, đến thời điểm này, giảm lãi suất cho vay đã định hình thành một xu hướng; và có thể trong những ngày tới sẽ có thêm những thành viên mới nhập cuộc.

Xung quanh diễn biến trên, một số ý kiến cho rằng giảm lãi suất thời điểm này là một chính sách hiệu quả trong việc thu hút khách hàng vay vốn, có giá trị làm nổi bật tên tuổi ngân hàng gắn với những ý nghĩa mà doanh nghiệp, người dân thực sự cần.

Một số ý kiến khác cho rằng đó là những quyết định đi trước đón đầu hướng vận động của thị trường.

Tại cuộc hội thảo tuần qua do Viện Nghiên cứu thị trường giá cả tổ chức, một số tham luận dự báo rằng từ tháng 7 này và trong những tháng tới, lạm phát sẽ có chuyển biến tích cực; đi cùng với đó lãi suất ngân hàng dự báo sẽ có sự điều chỉnh thích hợp.

Theo TS. Nguyễn Thị Mùi, Phó giám đốc Học viện Tài chính, lạm phát từ tháng 6 vừa qua đã được kiềm chế ở một chừng mực nhất định, kinh tế vĩ mô cũng đã có chuyển biến và Chính phủ cần tiếp tục phát huy hiệu quả đó. Đây là cơ sở cần cho các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, giảm lãi suất cho vay để giữ chân và thu hút khác hàng cũng là một mục tiêu mà các ngân hàng cần tính tới.

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng quyết định giảm lãi suất của những thành viên nói trên thực sự là một “thách thức”, bởi ngân hàng ông mới chuyển đổi, các tiêu chí cơ bản trong cạnh tranh đều yếu hơn và lợi thế cạnh tranh còn lại chủ yếu là lãi suất; theo đó quyết định giảm lãi suất cho vay hay không hiện vẫn ở mức độ “xem xét”.

Một số đại diện ngân hàng khác từ chối đưa ra khả năng giảm lãi suất cho vay thời gian tới, với lý do không thể theo nhận định chủ quan của mình mà phụ thuộc vào ý kiến chung của ban lãnh đạo ngân hàng.

Còn khả năng chung, hiện vẫn tập trung ở những tín hiệu của lạm phát và chuyển động của nền kinh tế vĩ mô, bên cạnh thực tế cân đối tài sản nợ và có, yêu cầu giải ngân… của mỗi ngân hàng. Với những điều kiện này, hy vọng những quyết định giảm lãi suất nói trên sẽ “đón đầu” thành công.

Ở một khía cạnh khác, một chuyên viên tín dụng của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) lập luận rằng, nếu lãi suất cơ bản thời gian tới không giảm, các ngân hàng cũng cần tính đến yêu cầu giảm lãi suất cho vay, nhưng chỉ áp dụng cho những đối tượng nhất định.

“Hiện tại, vì áp lực lợi nhuận và cơ chế “trần”, nhiều ngân hàng vẫn thống nhất cho vay với lãi suất tối đa 21%/năm. Đây là điều không hợp lý và cần có điều chỉnh giảm ở một số đối tượng”, chuyên viên này nói.

Theo ông phân tích, khách hàng vay vốn luôn có những đặc thù khác nhau; cụ thể hơn là đặc thù của mỗi dự án. Một dự án có tính khả thi, triển vọng hiệu quả cao, của một doanh nghiệp uy tín và theo các kỳ hạn khác nhau thì không thể áp cùng lãi suất cho vay tối đa 21% như các dự án có độ rủi ro cao hơn, bởi không công bằng.

Trên thực tế, một số ngân hàng vẫn tôn trọng “nguyên tắc” công bằng đó, “giảm” lãi đối với những dự án tốt; nhưng với những thành viên có lãi suất huy động 19%/năm thì khó có thể thực hiện, ngoại trừ hy sinh lợi nhuận.

Và để công bằng hơn, một giải pháp được tính đến là giảm lãi suất huy động. Giải pháp này hiện cũng đang chờ đợi tín hiệu lạm phát giảm, lãi suất cơ bản giảm và vốn khả dụng thực sự dồi dào, đồng đều hơn trong hệ thống.