Lãi suất huy động cuối năm vẫn ở mức cao
Một số ngân hàng tiếp tục đẩy lãi suất ngay trong những ngày đầu quý 4/2019 nhằm chuẩn bị vốn đáp ứng nhu cầu mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp vào cuối năm
Đầu tháng 10/2019, các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất hoặc giữ ở mức cao đối với các khoản tiền gửi dài hạn để hút vốn cho mùa kinh doanh cuối năm.
Sau đợt tăng lãi suất huy động trong quý 3/2019, một số ngân hàng tiếp tục đẩy lãi suất ngay trong những ngày đầu quý 4/2019 nhằm chuẩn bị vốn đáp ứng nhu cầu mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp vào cuối năm.
Quan sát trên thị trường cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm truyền thống trên thị trường 1 vẫn duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. Tuy nhiên, lãi suất ở những kỳ hạn trên 1 năm được nhiều ngân hàng giữ ở mức cao tới 9% để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư thay vì biên độ 6,4-8,5%/năm được duy trì ở những ngày cuối cùng của quý 3/2019.
Trong khi lãi suất niêm yết ở nhóm ngân hàng "big 4" vẫn được duy trì mức ổn định 6,6-7%/năm ở các kỳ hạn 13, 18 và 24 tháng thì ở các ngân hàng thương mại khác, lãi suất các kỳ hạn này ở mức khá cao.
Hiện SHB là ngân hàng thương mại đang áp dụng mức lãi suất cao nhất trên thị trường với 9%/năm khi gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Hay như Nam Á Bank trả lãi 8,5% cuối kỳ với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng. Eximbank cũng áp dụng mức lãi suất cao 8,4% với các khoản tiền lớn hơn 100 tỷ đồng.
Khách hàng của LienVietPostBank và Sacombank gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng trở lên cũng sẽ được hưởng lãi suất 8%/năm. Bên cạnh đó cũng có những ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất trên 8%/năm, lãi trả cuối kỳ mà không kèm thêm bất cứ điều kiện gì như ABBank (8,3%), NCB (8%), VIB (7,99%)...
Cá biệt trên thị trường, Techcombank đang là ngân hàng không nằm trong nhóm "big 4", nhưng không mặn mà với cuộc đua lãi suất huy động. Mức lãi suất niêm yết đối với kỳ hạn 13 tháng của nhà băng này đang ở mức thấp nhất 6,2-6,4%/năm, tăng lên 6,7-6,9%/năm đối với kỳ hạn 18 tháng nhưng chỉ còn 6,3-6,5%/năm đối với khoản tiền gửi 24 tháng.
Mặc dù các ngân hàng "đua" nhau đẩy lãi suất huy động tiền gửi, song trên thực tế, để nhận được mức lãi suất cao, khách hàng gửi tiền phải đáp ứng điều kiện nhất định.
Chẳng hạn như mức lãi suất 9% của SHB được gắn với điều kiện là tiền gửi từ 500 tỷ VND trở lên. Tương tự, LienVietPostBank cũng gắn với điều kiện là số tiền từ 300 tỷ VND, VIB áp dụng với khoản tiền 500 tỷ VND... Do đó, mức lãi suất "ngất ngưởng" mà các ngân hàng đưa ra sẽ không dễ dàng đạt được bởi mức tiền gửi quy định là quá lớn.
Diễn biến của thị trường khá trùng với nhận định được Công ty Chứng khoán đưa ra gần đây. Theo Báo cáo của SSI, việc giảm lãi suất điều hành có thể giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn cao điểm cuối năm, giúp lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định nhưng khả năng giảm trong quý 4/2019 là khá thấp.
Bởi dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong quý 4/2019 còn rất lớn và nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức cao. "Tuy nhiên, nếu duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt như quý vừa qua, lãi suất huy động có khả năng sẽ giảm vào đầu năm 2020", SSI dự báo.
Trong khi đó, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Eric Sidgwick cũng cho rằng, rất khó để đề cập chính xác tác động của quyết định hạ lãi suất sẽ như thế nào. "Bởi cơ chế chuyển đổi lãi suất dẫn tới những thay đổi trong hoạt động kinh tế là một quá trình phức tạp và cần có thời gian. Tuy nhiên, theo dõi thị trường hiện nay cho thấy chưa có tác động rõ rệt", ông Eric nhận định.
Theo vị này, tại Việt Nam, chính sách tiền tệ được vận hành chủ yếu thông qua việc kiểm soát, định lượng bằng số lượng cụ thể, nghĩa là có ngưỡng về tín dụng cho các ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất liên quan tới chỉ số giá.
"Chính sách điều chỉnh lãi suất điều hành sẽ có tác động tới thanh khoản và lãi suất của các ngân hàng hay không, cần tìm hiểu kỹ lưỡng và có thêm dữ liệu để đưa ra nhận định", ông Eric Sidgwick nói.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo ADB, lãi suất huy động ở mức cao sẽ khiến lãi suất cho vay không cách nào giảm như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay dù một số ngân hàng có chính sách ưu đãi về lãi suất nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nhất định, sau đó sẽ thả nổi lãi suất và mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động phổ biến khoảng 3%/năm (đối với các khoản vay có tài sản thế chấp), có nghĩa là lãi suất đến tay người vay sẽ phải phổ biến từ 10-11%/năm đối với các khoản trung và dài hạn.
Theo ADB, mức lãi suất này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập khi lãi suất đi vay của các doanh nghiệp trong khu vực đang thấp hơn ở Việt Nam.