Lãi suất VND “trong uống ngoài xoa”
Lãi suất VND có xu hướng tăng lên, chính sách điều hành vẫn kết hợp "trong uống ngoài xoa" để giữ ổn định
Trong tháng 9 này, dù chỉ nhích nhẹ, nhưng ngay cả thành viên ổn định ở mức thấp nhất suốt cả năm qua là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã phải tăng lãi suất huy động VND.
Xu hướng tăng lãi suất huy động VND đã mở rộng trong hệ thống ngân hàng thương mại, trong tháng 8 và 9/2018.
Dù vậy, thanh khoản hệ thống không hẳn thiếu và yếu; thậm chí so với nhiều năm qua ít khi có tình trạng vốn "dư thừa" lượng lớn nằm ở số dư tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành từ đầu năm đến nay.
Và cũng ít khi thấy trong nhiều năm qua, nhà điều hành cùng lúc liên tục hút bớt lượng tiền lớn về qua phát hành tín phiếu, đồng thời mở cho vay hỗ trợ thanh khoản qua kênh cầm cố, và kể cả kênh tái cấp vốn diễn ra lặng lẽ trong thời gian qua.
Kết hợp "trong uống ngoài xoa" như vậy do cân đối vốn trong hệ thống không đồng đều. Trong khi một vài thành viên dư thừa lượng lớn vốn ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước phải hút về qua tín phiếu, thì vẫn nhiều thành viên phải vay cầm cố, kể cả tái cấp vốn và nâng hẳn lãi suất huy động trên thị trường dân cư và tổ chức kinh tế.
Kết hợp như vậy cũng còn gián tiếp cân đối mục tiêu giữ ổn định tỷ giá.
Điển hình như tuần qua, sau khi lãi suất VND giảm mạnh ba tuần liên tiếp trên liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh hơn nghiệp vụ phát hành tín phiếu hút bớt tiền về, khi chênh lệch lãi suất VND - USD đã về gần bằng 0. Chênh lệch này thu hẹp hoặc âm, tỷ giá USD/VND dễ chịu thêm áp lực.
Những phiên phát hành tín phiếu quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng lại xuất hiện. Nhưng lượng hấp thụ được lại hạn chế. Ngoài kia, trên thị trường dân cư và tổ chức kinh tế, lãi suất huy động VND đã và đang tăng, cho thấy nhu cầu vốn đang lên và không dư thừa nhiều như trước.
Để tăng lượng hấp thụ hút bớt tiền về, cải thiện chênh lệch lãi suất VND - USD trên liên ngân hàng, nhà điều hành đã phải dùng đến lãi suất.
Thời gian trôi nhanh, mới đầu năm nay, lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước các kỳ hạn ngắn chỉ loanh quanh dưới 1%/năm, phổ biến 0,75-0,9%/năm. Nhưng đến nay, như tính đến cuối tuần qua, ở kỳ hạn 7 ngày, lãi suất tín phiếu đã tăng lên 2,5%/năm; kỳ hạn 14 ngày lên 2,75%/năm.
Dù mở rộng quy mô phát hành tín phiếu, tăng lãi suất tín phiếu, nhưng chênh lệch lãi suất VND - USD trên liên ngân hàng hiện vẫn chưa doãng ra thuận lợi như trong tháng 8. Giá USD giao dịch trên liên ngân hàng, cũng như trên biểu niêm yết các ngân hàng, tuần qua cũng đã nhảy một bước khá mạnh, tương ứng tăng 73 VND và 85 VND.
Thêm nữa, trong tuần này, dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) họp và nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất USD.
Với sự kiện đó, dù đã dự đoán trước và được phản ánh, nhưng thị trường thế giới và trong nước có thể thêm biến động. Việc điều hành và cân đối của Ngân hàng Nhà nước sẽ thêm thử thách.
Với lãi suất VND, "trong uống ngoài xoa" vẫn đang thể hiện, một mặt vẫn tăng cường hút bớt tiền về qua tín phiếu và nâng lãi suất tín phiếu, mặt khác vẫn phải cho vay hỗ trợ qua cầm cố và ẩn đi ở kênh tái cấp vốn.
Nhìn xa hơn, tuần qua thuế môi trường đối với xăng dầu và tăng giá bán xăng dầu trong nước cùng lúc quyết định. Giá dầu trên thị trường thế giới đã quen với mặt bằng quanh mốc 70 USD. Áp lực đối với lạm phát tương lai gần càng thêm yếu tố dồn đẩy.
Lãi suất gắn chặt với lạm phát. Với hướng tăng lên của lãi suất VND gần đây, cùng chủ trương siết lại tăng trưởng tín dụng, "thắt chặt tiền tệ" là cụm từ bắt đầu xuất hiện trong báo cáo phân tích của một số tổ chức đầu tư tại Việt Nam.