09:00 21/06/2019

Làm báo trước "ma trận" thời số hóa

Chu Minh Khôi

Những người làm nghề báo không ngoại lệ, sẽ chịu tác động và buộc phải thích ứng với thời kỳ số hóa toàn xã hội

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Làn sóng kế tiếp của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, Internet vạn vật (IoT), các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây (clouds) đang làm thay đổi chóng mặt từ xã hội đến nền kinh tế. Những người làm nghề báo không ngoại lệ, sẽ chịu tác động và buộc phải thích ứng với thời kỳ số hóa toàn xã hội.

Cách đây hơn 15 năm, khi chưa được làm phóng viên chính thức, tôi đã trải qua nhiều năm làm "nhà báo không thẻ", tức chỉ là cộng tác viên viết báo. Thời đó và từ thuở còn sinh viên, công việc viết báo vẫn theo cách thức thủ công: viết bằng bút lên giấy. Viết xong, cho bài viết vào bì thư dán tem, đem ra bưu điện gửi tới các tòa soạn báo. Bài viết chuyển đi bằng đường bưu điện mất vài ngày, và đến khi nhận được tờ báo đăng bài phải chờ vài tuần.

Mười lăm năm ấy đổi thay quá nhiều

Vào năm 2004, tôi được một báo có trụ sở tại Tp.HCM mời vào dự lễ kỷ niệm ngày thành lập của họ, chi phí đi lại được tờ báo đó chi trả. Tại buổi lễ, tôi được tòa soạn báo giới thiệu là "cộng tác viên đặc biệt".

Điều "đặc biệt", theo vị Phó tổng biên tập của báo, đó là: "Vẫn viết bài trên giấy, gửi bài qua đường bưu điện. Nên khi nhận các bài viết của tác giả Chu Minh Khôi, Ban biên tập phải đánh máy lại toàn bộ nội dung". Lúc đó, tôi mới biết các nhà báo, phóng viên đã không còn viết bằng bút và giấy nữa. Họ đã chuyển hết sang viết bài bằng máy tính, gửi bài qua email.

Về Hà Nội, tôi đã "đầu tư" sắm ngay một máy tính để phục vụ công việc viết lách. Tuy nhiên, thuở ấy Internet dường như chưa "lan" vào tới từng nhà, nên các quán Internet công cộng kinh doanh đang "phát". Để gửi bài đi, tôi mua những đĩa mềm để ghi bài viết, rồi đem ra "Quán Nét", tạo email để gửi bài. Việc sử dụng đĩa mềm ban đầu gặp khá nhiều khó khăn, vì dung lượng lưu trữ thấp, lại thường xuyên bị vi rút "ăn" hết các bài viết.

Với chiếc máy ảnh chụp phim, tôi cũng gặp nhiều trở ngại trong việc gửi ảnh. Mỗi khi chụp ảnh xong, phải đem máy đến hiệu ảnh, thuê họ "cắt phim" ra tráng, sau đó chuyển từ phim thành file lưu vào đĩa mềm. Mỗi đĩa mềm chỉ lưu được 1-3 tấm ảnh, nên gửi ảnh đi rồi phải xóa ngay, không thể lưu trữ được làm tư liệu đến bây giờ. Vài năm sau, khi những chiếc USB trở nên thông dụng, công việc lưu trữ ảnh mới dễ dàng hơn.

Từ năm 2007, tôi vào làm phóng viên tại Thời báo Kinh tế Việt Nam, bắt đầu được tiếp cận với những "công nghệ" mới trong việc thu thông tin, viết bài và trang bị cho mình từ máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số, laptop...

Trong hơn 10 năm ấy, biết bao công nghệ mới ra đời, chúng tôi liên tục cập nhật để sử dụng phục vụ cho quá trình tác nghiệp thuận tiện hơn, nhanh hơn, đỡ tốn công sức hơn. Nếu như trước đây, viết bằng bút và giấy, mỗi câu viết xong lại gạch xóa. Để hoàn thành một bài báo, tôi phải viết đi viết lại 4-5 lần, mất 30-50 trang giấy nháp. Và dĩ nhiên, phải mất cả ngày, có khi cả tuần mới xong một bài báo.

Ngày nay, mỗi bài viết chỉ cần 2-4 tiếng đồng hồ. Không cần phải đến tòa soạn, mà ngồi tại sự kiện, vừa nghe vừa "gõ máy tính" vừa viết bài. Có những sự kiện khi kết thúc thì bài viết cũng xong và gửi ngay về tòa soạn.

Rất nhiều phần mềm mới, công nghệ mới xuất hiện và sẽ xuất hiện liên tục, luôn được các nhà báo kịp thời cập nhật để ứng dụng vào công việc. Chỉ mới từ một năm trở về trước, khi được nhận các văn bản trên giấy, các nhà báo phải đánh máy lại để ra "bản mềm", thì nay đã có phần mềm chuyển đổi văn bản trên ảnh sang bản tex (doc). Chỉ cần chụp lại trang văn bản giấy, rồi đưa qua phần mềm, sẽ có ngay bản mềm đánh máy, không cần phải "kỳ cạch" gõ từng chữ như trước nữa.

Mới đây, một đồng nghiệp hỏi tôi: có phần mềm nào chuyển được âm thanh thành file chữ mềm không? Nếu có phần mềm này, sẽ tiện lợi rất nhiều, phóng viên không còn phải mất thời gian cho công đoạn "bóc băng ghi âm" (nghe file ghi âm và đánh máy thành văn bản) nữa. Tuy chúng tôi chưa tiếp cận được công nghệ mới này, nhưng đồng nghiệp tôi có sáng kiến phát file ghi âm tiếng vào điện thoại ở chế độ tra Google bằng âm thanh, cũng đã đạt được hiệu quả.

Từ điều này để tin, thời gian tới sẽ có công nghệ chuyển file âm thanh sang văn bản chữ, thậm chí nghe các chuyên gia nói tiếng Anh, chúng tôi cũng sẽ có ngay bản đánh máy chữ tiếng Việt, tức là vừa chuyển đổi dạng file từ âm thanh sang ký tự, vừa dịch được ngôn ngữ. Và rất nhiều công nghệ mới có ích cho nghề làm báo sẽ đến trong thời gian tới, tiếp tục làm thay đổi công việc viết báo.

Phóng viên trước ngưỡng cửa thời số hóa

Mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019, tập trung vào chủ đề "Trước ngưỡng cửa nền kinh tế số".

Tại đây, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nhận định: "Làn sóng kế tiếp của các công nghệ số như AI, blockchain, IoT, các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây có tiềm năng tạo bước nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và logistics và giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn. Làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo".

Theo dự báo của ông Thành, ứng dụng các công nghệ của giai đoạn 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5 đến 62,1 tỷ USD vào năm 2030 so với hiện nay, giúp thu nhập đầu người tăng thêm từ 315 đến 640 USD. Trong công nghiệp 4.0, giao tiếp theo thời gian thực giữa máy móc, sản phẩm và hệ thống logistics sẽ giúp tăng năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh về chi phí. Hệ thống robot sẽ làm giảm lợi thế chi phí sản xuất của các quốc gia chuyên môn hoá khâu chế biến lắp ráp, ảnh hưởng đến thất nghiệp của các nước có lao động rẻ. Công nghiệp 4.0 sẽ định vị lại vai trò của các quốc gia tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Khi nền kinh tế số hiện hữu rộng khắp, không chỉ nền kinh tế mà mọi mặt của đời sống xã hội cũng sẽ được "số hóa", trong đó nghề báo sẽ không ngoại lệ. Thậm chí có người còn bảo, với sự phát triển nhanh của trí tuệ nhân tạo, trong tương lai, người ta sẽ sáng chế ra được những "người máy nhà báo". Khi đó, người máy với trí tuệ nhân tạo sở hữu trí thông minh không kém gì con người, sẽ đảm nhiệm công việc viết các bài báo, và đẩy các phóng viên, nhà báo vào cảnh "thất nghiệp" hàng loạt.

Một đồng nghiệp của tôi cho rằng, người máy có thể đạt đến trí tuệ thông mình ưu việt, nhưng chúng không thể viết báo có cảm xúc. Chúng ta là con người, sở hữu cảm xúc. Những bài báo có cảm xúc sẽ luôn hay hơn công cụ viết báo tự động vô cảm, nên chúng ta sẽ không bị "đánh bại".

Tuy vậy theo tôi, với sự phát triển của công nghệ, ngay cả cảm xúc cũng sẽ không còn là "đặc hữu" riêng của con người. Trong tình yêu, lãnh địa của cảm xúc, cũng đang chịu sự tác động rất mạnh của công nghệ. Thuở sinh viên, tôi thích một cô bạn ở quê. Nhưng vì xa quê đi học, nên cứ vài tháng về quê thì tìm đến nhà để gặp. Không có điện thoại để hẹn trước, nên có những lần về quê chỉ một ngày, tìm đến nhà thì cô gái đi vắng.

Và rồi, năm sau tìm đến thì nàng đã lấy chồng với lời nhắn gửi rằng "chờ mãi mà anh không nói gì". Nhưng ngày nay, những người ở cách xa nhau cũng có thể làm quen, trò chuyện và hẹn hò... nhờ vào Internet, với sự trợ giúp đặc lực của điện thoại, Internet và các mạng xã hội. Giờ đây, có lẽ những người yêu nhau sẽ  không còn gặp  cảnh đi rất xa nhưng đến nơi thì nàng đi vắng, hoặc không biết nàng ở đâu, để rồi lỡ hẹn nữa.

Hôm rồi, ngồi với một người bạn làm trong ngành công nghệ thông tin, chuyên viết các phần mềm. Anh bạn chia sẻ, đang có ý tưởng viết phần mềm phục vụ các bạn trẻ trong hành trình tình yêu, tìm kiếm bạn đời. Phần mềm sẽ trợ giúp việc tìm kiếm bạn khác giới phù hợp với từng người thông qua mạng xã hội, và tự động nhắn tin làm quen, trò chuyện. Khi trò chuyện với đối tượng, không phải ai cũng luôn nghĩ ra được những câu nói hay, khiến "đối phương" mềm lòng, để rồi phát sinh tình cảm với mình. Rất nhiều bạn trẻ vì thiếu kinh nghiệm mà gặp thất bại trong việc khơi, vun đắp cảm xúc từ phía  "đối phương".

Phần mềm sẽ xâm nhập vào nick Facebook hay Zalo của "thân chủ", đọc từng tin nhắn từ phía "đối tượng", rồi đưa ra những câu hay nhất, thuyết phục nhất để tự động trả lời. Mỗi câu trả lời muốn làm "xiêu lòng" đối phương, không chỉ phải hợp logic với từng tin nhắn của "đối phương", mà còn phải hàm chứa cảm xúc tinh tế. Khi ấy, "thân chủ" không còn phải mất công suy nghĩ nhiều lao tâm khổ tứ cho mệt óc, chỉ việc theo dõi, và chờ đến khi nàng "đổ".

Dĩ nhiên, theo lời anh bạn, phần mềm được thiết kế sẽ không phục vụ cho những anh chàng "cưa gái linh tinh", mà chỉ cung cấp cho những người thực sự muốn tìm bạn đời, kết hôn nghiêm túc. Và, nếu thiết kế thành công phần mềm, thì việc kinh doanh sẽ chỉ thu phí từ những cặp đôi nào tiến tới được hôn nhân, và "thân chủ" hài lòng với hiệu quả của phần mềm đó.

Việc thiết kế phần mềm trên của bạn tôi mới chỉ là ý tưởng. Nhưng điều đó cũng sẽ cho thấy rằng, trong tương lai, nếu "người máy nhà báo" ra đời, thì họ không chỉ viết những bài báo đầy trí tuệ, mà còn chất chứa cảm xúc tinh tế trong từng câu văn nữa. Thậm chí, người máy có thể sáng tác những bài thơ tình đầy lãng mạn và "mê hoặc" người đọc. Và dĩ nhiên, sự thách thức, lo ngại đối với nhà báo, phóng viên sẽ càng lớn.

Thực ra không phải đợi đến khi ấy, mà ngay từ nhiều năm qua, với sự ra đời và phát triển của mạng Internét, các phóng viên báo giấy truyền thống cũng đã phải thay đổi để thích ứng, để không bị báo mạng "đánh bật" ra khỏi cuộc chơi. Và hiện nay, khi Youtube phát triển rầm rộ và ảnh hưởng lớn, đã xuất hiện một số nông dân bỗng dưng làm Vlog để kiếm tiền, thì các nhà báo càng "bị đe dọa" thu hẹp "đất" tác nghiệp. Tới đây, khi Facebook bật chế độ kiếm tiền cho những người "làm báo bằng Facebook" thì tác động sẽ còn "khủng khiếp" hơn nữa.

Nhưng các phóng viên sẽ không sợ, sẽ tiếp tục cập nhật những công nghệ mới, đồng thời có giải pháp để thích ứng với thời kỳ số hóa toàn xã hội.