Làm đại biểu Quốc hội "ăn không ngon, ngủ không yên"
Thành tựu lớn nhất của Quốc hội khoá 13 là xây dựng Hiến pháp và thông qua hàng trăm luật và bộ luật
Một buổi sáng (23/3) là thời gian được dành để thảo luận tại tổ về cả 6 báo cáo tổng kết nhiệm kỳ nhưng các đại biểu Quốc hội có phần dành nhiều thời gian hơn để nói về chính mình.
Cần thay đổi quy trình làm luật
Với trải nghiệm của ba khoá làm đại biểu Quốc hội, ông Trần Du Lịch (Tp.HCM) nhìn nhận, thành tựu lớn nhất của Quốc hội khoá 13 là xây dựng Hiến pháp và thông qua hàng trăm luật và bộ luật.
Có 6 bộ luật thì trong khoá 13 đã cơ bản viết lại 5 bộ luật, ông Lịch nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lịch thì số lượng nhiều nhưng yêu cầu luật phải cụ thể, chi tiết, tránh chờ thông tư lại chưa được cải thiện gì đáng kể.
Con số cụ thể được đại biểu Lịch nêu là cần tới gần 4000 thông tư hướng dẫn, mà thông tư mới là thứ chi phối quá trình thực hiện các luật.
Hạn chế được đại biểu Lịch chỉ ra cũng là băn khoăn của nhiều vị khác.
Cùng tổ thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần thay đổi quy trình làm luật, không nên giao cho Chính phủ soạn thảo như hiện nay mà cần có một bên thứ ba độc lập soạn thảo.
Chính phủ giao cho bộ, nhiều khi bộ giao cho cục vụ rồi cục vụ giao cho chuyên viên, chuyên viên có khi chưa bao giờ xuống cơ sở, không có kinh nghiệm thực tế nên cái gì không quản được thì cấm, bà Lan phân tích.
Từ thực tế của ngành y tế, bà Lan khẳng định thường những người soan thảo văn bản lập trường cực kỳ kiên định không chịu đổi ý, có văn bản sau chục lần góp ý vẫn quay về chỗ cũ.
Còn với Quốc hội, thường sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rồi thì “đại biểu còn gì mà cãi nữa”.
Bà Lan – đại biểu kiêm nhiệm lần đầu làm đại biểu tại Quốc hội khoá 13 than thở: “từ ngày làm đại biểu ăn không ngon ngủ không yên , đi tiếp xúc nghe cử tri mắng là luật gì đẻ sòn sòn nhiều thế rồi không đạt chất lượng, nhưng đại biểu đôi khi lực bất tòng tâm”.
Nhiều đại biểu ở các tổ thảo luận khác cũng băn khoăn về chất lượng lập pháp.
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thì quyền lực đó phải thể hiện trong điều luật ban hành, không thể chung chung, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) góp ý.
Vẫn lo hậu giám sát
Điểm nhấn trong giám sát nhiệm kỳ này được nhiều vị đại biểu đề cập chính là lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Qua giám sát vị thế của Quốc hội cũng được nâng lên. Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hoà) nhận xét: chưa bao giờ Chính phủ báo cáo Quốc hội kỹ lưỡng như vậy. Nhiều bộ ngành có bộ phận chuẩn bị riêng cho kỳ họp của Quốc hội.
Qua giám sát, chất vấn nhiều nội dung cụ thể được giải quyết ngay lấy lòng tin trong nhân dân. Lòng tin của dân đang bị xáo trộn do bộ máy công quyền, thủ tục hành chính nhưng khi Quốc hội giải quyết ngay đã phần nào lấy lại được, ông Ngoạn phát biểu.
Tuy nhiên nỗi lo về giám sát còn không nhỏ. Khi nhiều vị đại biểu cho rằng còn tình trạng chỉ giám sát qua báo cáo và kiến nghị sau giám sát không thực hiện cũng chẳng sao.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhận xét, có nghị quyết của Quốc hội mà thực hiện còn chưa đến nơi đến chốn, không thực hiện cũng không sao, không có chế tàì gì.
Đại biểu Võ Thị Dung (Tp.HCM) cho rằng có vấn đề đích thân đại biểu gửi đến cơ quan có trách nhiệm nhưng chờ đợi mãi vẫn không có câu trả lời rõ ràng.
Sự quan liêu còn quá lớn nên không thể nào bảo vệ quyền lợi hợp pháp của dân, oan sai được công bố vừa qua chỉ là phần nổi thôi, bà Dung phát biểu.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM) vấn đề cử tri hiện nay không hài lòng với Quốc hội chắc chắn là hiệu quả giám sát. Giám sát phải đi đến hiệu quả giải quyết thực tiễn. Nhưng với cơ chế quyền lực của Quốc hội chưa rõ ràng nên giám sát hiện nay chưa hiệu quả. Nhiều quyền của người dân đang bị vi phạm do bộ máy hành chính, vì vậy dân rất mong được Quôc hội giám sát, bà Tâm nói.
Đại biểu Tâm cũng đề nghị Quốc hội phải đổi mới phương thức hoạt động để gần dân hơn. Cần làm rõ cơ chế Đảng lãnh đạo Quốc hội, có những vấn đề Đảng đã quyết định thì có nên thảo luận ở Quốc hội không, hay chỉ thảo luận để thực hiện tốt vấn đề? Đại biểu Tâm đặt vấn đề.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, chất lượng đại biểu cũng là vấn đề còn nhiều băn khoăn.
Khi phát biểu tại hội trường, nhiều đại biểu vuốt ve nhiều quá, chỉ nói một chiều không mang tính phản biện, đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) nhận xét.
Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình thuận) nêu thực tế có nhiều đại biểu cả 5 năm không phát biểu lần nào.
Và theo một số ý kiến thì như thế không thể gọi là làm tốt vai trò đại diện cho nhân dân.