11:17 10/03/2008

Lạm phát còn vì một nguyên nhân khác?

Nguyễn Đình Bích

Có phải mở cửa kinh tế là một trong những tác nhân khiến lạm phát ở Việt Nam tăng cao như hiện nay?

"Thông lệ” chung trên thế giới là mặt bằng giá cả của những nước càng nghèo thì càng thấp, và ngược lại.
"Thông lệ” chung trên thế giới là mặt bằng giá cả của những nước càng nghèo thì càng thấp, và ngược lại.
Trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát của chúng ta hiện nay, việc “vạch mặt, chỉ tên” các tác nhân gây lạm phát đã rất được quan tâm. Tuy nhiên, rất có thể còn tác nhân mặt bằng giá cả vẫn chưa được nhận diện, cho nên nếu có một cái nhìn thấu đáo, có thể cũng cần phải điều chỉnh cách hành xử hiện nay.

Rất có thể những dự báo thấp xa thực tế, cũng như những cách đánh giá rất khác nhau về mức độ nghiêm trọng của lạm phát của nền kinh tế nước ta là xuất phát từ một thực tế còn ít được biết đến dẫn đến mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng riêng có ở nước ta so với “thông lệ” mặt bằng giá cả trên thế giới.

Trước hết, dựa trên các kết quả tính toán trên cơ sở nguồn số liệu giá cả của cùng 1.000 mặt hàng như nhau được thu thập từ 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới cùng ở thời điểm năm 2005 của WB, GDP của các quốc gia và vùng lãnh thổ đều được tính theo USD thực tế của từng quốc gia và vùng lãnh thổ đó, đồng thời còn được tính theo sức mua tương đương (PPP), hay còn gọi là đôla quốc tế, chúng ta có thể suy ra mối tương quan giữa mặt bằng giá cả trong nước so với mặt bằng giá cả quốc tế, cũng như so sánh giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ với nhau thông qua hệ số giữa GDP theo PPP và GDP theo USD thực tế sau khi tiến hành một phép tính đơn giản.

Cụ thể, xét trên bình diện toàn cầu, trong khi “rổ GDP” tính theo USD của 137 quốc gia và vùng lãnh thổ theo danh sách công bố của tổ chức này là 44.306,4 tỷ USD, còn nếu tính theo đô la quốc tế thì đạt 54.980,4 tỷ, tức là được “khuyếch đại” thêm 24,09%. Đây chính là hệ số bình quân toàn cầu giữa GDP tính theo đô la quốc tế và GDP tính theo USD.

Trong đó, nếu như “rổ GDP” của “người khổng lồ” nhất hành tinh tính cả bằng USD lẫn đô la quốc tế đều là 12.376,1 tỷ, tức là hệ số này là con số 100% tròn trĩnh và điều này cũng có nghĩa là mặt bằng giá cả của quốc gia này được dùng làm chuẩn để so sánh cho toàn thế giới, còn hệ số chung của 46 quốc gia thuộc khu vực OECD - Eurostat với GDP bình quân đầu người (26.189 USD) hầu như cũng ở mức chuẩn (100,82%).

Trong khi đó, ngược lại, gần 100 quốc gia thuộc cả năm khu vực nghèo còn lại, với 77,46% dân số, nhưng chỉ chiếm 18,36% GDP toàn cầu (tính bằng USD), cho nên bình quân đầu người chỉ đạt 1.714 USD, chỉ bằng 6,54% của các nước giàu. Tuy nhiên, nếu tính bằng đô la quốc tế, con số này “nở ra” thành 3.899, bằng 14,77% của các nước giàu. Do vậy, hệ số giữa GDP tính bằng đô la quốc tế và tính bằng đô la Mỹ bình quân của các nước nghèo là 227,57%.

Tuy nhiên, ngay trong nội bộ nhóm các quốc gia nghèo là “chủ sở hữu chung” của hệ số 227,57% này, mặt bằng giá cả cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế của từng khu vực. Bởi lẽ, GDP bình quân đầu người của châu Phi thấp nhất (1.016 USD), nhưng hệ số này chỉ xếp thứ ba (218,74%), trong khi châu Á - Thái Bình Dương đứng ở vị trí “áp chót” về GDP (1.462 USD/người), nhưng lại xếp thứ nhất về hệ số này (245,63%); hoặc GDP bình quân đầu người của khu vực Nam Mỹ tuy còn thấp rất xa so với khu vực Tây Á (4.379 USD so với 7.230 USD), nhưng hệ số này lại gần bằng nhau (192,41% so với 195,10%).

Mặc dù vậy, vẫn có thể nói rằng, “thông lệ” chung trên thế giới là mặt bằng giá cả của những nước càng nghèo thì càng thấp, và ngược lại.

Trước hết, có thể khẳng định rằng không chỉ nằm trong “vùng trũng” của giá cả thế giới, mà mặt bằng giá cả của thị trường nước ta còn thuộc “rốn nước” của khu vực. Bởi lẽ, trong khi GDP bình quân đầu người của nước ta đã cao hơn rất nhiều so với của ba quốc gia Campuchia, Bangladesh và Nepal (637 USD so với 454 USD; 446 USD và 343 USD), nhưng hệ số này vẫn cao hơn, thậm chí rất nhiều (336,67% so với 319,05%; 283,82% và 314,94%) và chỉ kém duy nhất Lào (351,72%) với GDP bình quân đầu người còn kém rất xa so với nước ta (508 USD).

Nói cách khác, do mặt bằng giá cả của nước ta thấp hơn nhiều so với “thông lệ” quốc tế, cho nên tất yếu phải dâng cao nhanh hơn một cách tương ứng theo quy luật “nước chảy chỗ trũng”. Đặc biệt, với đặc thù của nền kinh tế nước ta, đây đang là thời điểm diễn ra những bước đại nhảy vọt trong quá trình “tiệm cận” mặt bằng giá cả thế giới.

Bởi lẽ, cho dù vẫn còn là một nền kinh tế rất kém phát triển (GNI bình quân đầu người năm 2006 chỉ xếp thứ 169 thế giới), nhưng độ mở ở đầu vào nhập khẩu hiện đã lên tới gần 90% GDP, còn độ mở ở đầu ra xuất khẩu cũng gần 70%. Đây có lẽ là những độ mở kỷ lục mà không một quốc gia nào ở trình độ tương đương như nước ta có thể đạt được. Rõ ràng, với cả “kênh tưới” lẫn “kênh tiêu” lớn như vậy mà “hồ chứa” lại nhỏ như vậy, nó sẽ rất nhanh chóng bị “gia nhiệt” hoặc “mất nhiệt” khi “nhiệt độ” của thị trường thế giới khổng lồ thay đổi.

Nói tóm lại, do trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta hãy còn rất thấp, độ mở lại đặc biệt lớn, đang trong quá trình tăng tốc hội nhập, mặt bằng giá cả trong nước rất thấp sẽ rất nhanh chóng tiệm cận mặt bằng giá cả thế giới. Trong bối cảnh như vậy, thị trường thế giới lại liên tục sốt nóng, việc lạm phát của nước ta cao ngất ngưởng so với các nước trong khu vực là điều khó tránh khỏi.