16:02 18/09/2018

Làm Smart City, Hà Nội lấy tiền ở đâu?

Thủy Diệu

Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân

Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội (ASOCIO Smart City Summit 2018-Hanoi), phiên sáng 18/9.
Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội (ASOCIO Smart City Summit 2018-Hanoi), phiên sáng 18/9.

Câu hỏi được đặt ra tại hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội (ASOCIO Smart City Summit 2018-Hanoi) với chủ đề "Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số", sáng 18/9.

Tp. Hà Nội đã phê duyệt đề án xây dựng thành phố thông minh (Smart City) vào năm 2030. Theo các chuyên gia, điều này sẽ cần nguồn vốn đầu tư rất lớn và vấn đề đặt ra là: Hà Nội sẽ lấy tiền ở đâu để làm Smart City?

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, khi đưa ra chương trình cho cả lộ trình xây dựng Smart City, thành phố sẽ dành một nguồn lực từ ngân sách của Hà Nội, bên cạnh đó là huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố.

"Theo xu hướng, dần dần hình thành ra một dịch vụ công thì chúng tôi định hình và sẽ phân loại dần trên tinh thần tất cả dịch vụ công nào tư nhân có thể làm được sẽ chuyển dần cho tư nhân làm. Từ đó, nguồn lực sẽ được huy động từ chính những người dân và chính những dịch vụ mà người dân sử dụng. Tiếp đó là từ nguồn lực dữ liệu cơ sở thu thập được", Chủ tịch Chung cho biết.

Ông cũng cho biết, thành phố cũng có chủ trương xã hội hóa đối với việc thuê các dịch vụ liên quan đến phần mềm, hạ tầng của các doanh nghiệp trên tinh thần thuê tối đa từ trung tâm dữ liệu (data center), dịch vụ bảo mật, đến các dịch vụ thuê đường truyền, viết phần mềm sẽ chuyển sang hướng huy động mọi nguồn lực gồm cả tài chính, chất xám… để xây dựng Smart City.

Theo người đứng đầu UBND Tp. Hà Nội, hiện nay, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường.

Dù vậy, Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phải lấy người dân làm trung tâm

Chủ tịch Hà Nội cho biết, việc thực hiện mục tiêu trên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như in 3D, thực tế ảo, điện toán đám mây, Robot, Big Data, Blockchain, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý cùng các chuyên gia công nghệ cùng nhau lựa chọn phương thức và các bước đi thích hợp để xây dựng đô thị hay thành phố có thể cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Và vì thế, để xây dựng Smart City, ông Chung đặt ra nhiều câu hỏi, đó là: mô hình nào, phương thức nào để phát triển Smart City, tính "bền vững" của Smart City trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố thông minh?

Hay vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp... sẽ được thực hiện như thế nào?

Một chuyên gia tham dự hội nghị cũng đặt ra câu hỏi "ngược" rằng: "mặt trái của Smart City là như thế nào để có thể thích ứng trong Smart City"?

Đại diện cho các diễn giả, ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, cho rằng, phải nhận thức được bản chất của Smart City và đừng biến Smart City thành một sự "huyền bí, khó hiểu" mà cần phải có sự minh bạch, cởi mở đối thoại với người dân, chia sẻ về những mục tiêu mà thành phố muốn hướng tới, đồng thời lắng nghe xem người dân cũng đang mong muốn gì.

"Ý tưởng Smart City là lấy người dân làm trung tâm, vì người dân và phải đối thoại cởi mở với dân", vị Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, nhấn mạnh.

Nhìn ở góc độ khác về Smart City, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nói, cuộc cách mạng thứ nhất đã bỏ lại 1/6 dân số trên thế giới không có nước sạch, cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai thì bỏ lại 1/3 dân số chưa có điện, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba – thời gian qua - là 1/2 dân số chưa tiếp cận với Internet.

Nhưng cuộc cách mạng lần thứ tư này còn hiện đại hóa hơn nữa và chúng ta có để lại phía sau những tiến bộ công nghệ này những con người không? Cho nên, theo ông Bình, vai trò của giáo dục và đào tạo vô cùng quan trọng để không bỏ rơi ai, để mọi người đều được hưởng thụ mang lại từ Smart City.