Làng cá chép đỏ Thủy Trầm trước ngày 23 tháng Chạp
Thời điểm này, ở làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, người dân chẳng được nghỉ ngơi chút nào. Cả làng bận rộn, hối hả bắt cá chép đỏ để đưa ra thị trường.
Cá chép Thủy Trầm là giống cá chép đỏ và đẹp nhất vùng này, nên thương lái khắp nơi, từ Lào Cai, Yên Bái ở mạn ngược tới Nam Định, Thái Bình miền xuôi cũng đều tìm đến đây để thu mua. Hàng năm, cứ đến khoảng 20 – 21 (âm lịch) là làng Thủy Trần lại nhộn nhịp hẳn lên, xe tải vào ra tấp nập để chở cá.Ông Trần Văn Cân, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cho hay, để chuẩn bị lượng cá lớn phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết ông Công, ông Táo, ngay từ đầu năm, người dân trong xã phải chuẩn bị ao, ươm cá giống. Tuy nhiên, năm nay do nhu cầu của thị trường, nhiều người trong xã cũng đồng loạt nuôi cá. Do đó so với mặt bằng chung, cá chép cúng ông công ông táo năm nay không bằng năm ngoái. Giá hiện tại bán ra 60 nghìn đồng/kg, so với 2019 thì giá năm nay giảm khoảng 30 nghìn đồng/kg.
Bắt đầu từ ngày 18 - 19/12 âm lịch, cả làng Thủy Trầm nhộn nhịp bơm nước, kéo lưới, tát ao vớt cá chép, phục vụ người dân miền Bắc cúng ông Công, ông Táo
Theo các cụ cao niên của làng, nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960.
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, người dân xã Tuy Lộc ra sông Hồng chọn các giống cá tự nhiên như cá trôi, trắm, măng, nhồng, chép, mè... về thả vào ao ương nuôi. Khi cá trong ao lớn lên thấy có lẫn loài cá lạ, tuy thuộc giống cá chép nhưng toàn thân có màu đỏ đẹp, người dân giữ lại nuôi làm cảnh. Sau đó, người dân trong vùng thấy cá chép đỏ đẹp nên dùng để thay cá chép ta cúng ông Công ông Táo dịp Tết 23 tháng Chạp. Nghề nuôi cá chép đỏ dần nổi tiếng từ đó.
Thông thường cá giống sẽ được tiến hành nuôi từ tháng 6, người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp.
Chính vì nghề nuôi cá chép đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn ô, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.
Hiện cả làng có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ của 670 hộ dân, trong đó 353 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh cá, sử dụng trên 1.250 lao động tại chỗ.