11:29 09/01/2010

Làng nghề sau cơn suy thoái: “Thoát” không nhờ chính sách

Anh Quân

Các làng nghề chủ yếu phải vượt cơn bão suy thoái kinh tế bằng cách tự thân vận động

Với các làng nghề, 80% là hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ.
Với các làng nghề, 80% là hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ.
“Cho đến thời điểm này, có thể cho rằng cơn bão suy thoái đã qua rồi”, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vũ Quốc Tuấn khẳng định chắc nịch sau những gì thấy được từ chuyến đi thực tế các làng nghề mới đây.

Dù chưa có con số thống kê thật đẩy đủ về giá trị sản lượng của làng nghề trong năm vừa qua, từ cảm nhận thực tế, ông Tuấn cho rằng doanh thu năm 2009 có giảm so với năm trước đó, nhưng không nhiều và kết quả này chủ yếu do sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp.

Nguy cơ đầu năm 2009

Khủng hoảng kinh tế thế giới đến với các làng nghề khá sớm. Chuyện giảm doanh thu đã cầm chắc ngay từ nửa cuối năm 2008. Nhưng sang đầu năm 2009, tình hình trở nên bi đát đến báo động.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân huyện Phú Xuyên (Hà Nội) tưởng chừng "phá sản" đến nơi. Hàng trăm triệu đồng sản phẩm mây tre đan phải trùm mền, đắp chiếu trong các cơ sở thủ công xã Minh Tân; may mặc ở Vân Từ, Đại Xuyên nhiều hộ máy phủ bụi; dệt lụa Quang Trung tìm mỏi mắt không thấy đầu ra…

Tình trạng này dường như là phổ biến trên toàn quốc. Chủ nhiều doanh nghiệp gỗ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), thêu ren ở Ninh Bình, Thái Bình… sốt ruột nhìn đống hàng chết dí một góc nhà suốt nhiều tháng trời. Làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), 1/3 số hộ khung cửi buộc phải đóng lại không chạy...

Tháng 2/2009, Hiệp hội Làng nghề "kêu" lên Chính phủ, 5 triệu lao động làng nghề đang có nguy cơ thất nghiệp.

“Tổng số lao động nông thôn là 45 triệu, trong khi đó lao động làng nghề khoảng 11 triệu. Chiếm tới 1/4 là lớn lắm. Thế mà đến một nửa số đó có nguy cơ mất việc…”, ông Tuấn khi nhắc lại chuyện này vẫn không giấu nổi cảm xúc lo lắng. “Lúc ấy, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ngay lập tức triệu tập Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Ông bảo, xem thế nào chứ chỗ Tuấn kêu quá”.

Ngay sau đó, hai buổi hội thảo về làng nghề được tổ chức tại miền Bắc và miền Nam. Tổng kết lại, làng nghề phía Nam đỡ khó khăn hơn vì số lượng ít hơn, sản xuất tiêu dùng trong nước nhiều hơn. Làng nghề miền Bắc, số tham gia xuất khẩu cũng khá nhiều nên bị ảnh hưởng lớn hơn cả.

“Những ngành nghề xuất khẩu nhiều như mây tre đan, gỗ, tơ lụa, dệt thổ cẩm, thêu ren, gốm sứ… thì hồi đó là gay go”, ông Tuấn hồi tưởng.

3 lý do ngân hàng "né" doanh nghiệp làng nghề

Chuyện gỡ thế khó về vốn cho doanh nghiệp làng nghề có lẽ là một trong những phản ứng chính sách khá nhanh chóng của Chính phủ trong năm 2009.

Không lâu sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làng nghề được đưa vào danh sách ưu tiên tiếp cận vốn hỗ trợ 4% lãi suất vay ngắn hạn. Nhưng, “ưu ái” của Chính phủ đến với các làng nghề thực tế không bao nhiêu.

Theo số liệu công bố của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chỉ có khoảng 5-10% số hộ sản xuất khu vực làng nghề là tiếp cận được với chính sách này, một tỷ lệ quá khiêm tốn.

Lý do được nhiều chuyên gia chỉ rõ là vì những khó khăn từ quy định của các ngân hàng, yêu cầu phải có thế chấp, phương án kinh doanh, phương án trả nợ... Trong khi đó, làng nghề 80% là hộ gia đình kinh doanh nhỏ, không có kinh nghiệm làm dự án.

Nhưng theo ông Tuấn, có 3 lý do khiến các ngân hàng thương mai “tránh né” cho các hộ sản xuất làng nghề vay vốn.

“Hôm tôi đi cùng một ông là quan chức ngân hàng đã về hưu, đến một thành phố và mời giám đốc các ngân hàng thương mại đến nói chuyện, họ có nói thẳng”, ông Tuấn kể lại. "Thứ nhất, họ không cho doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vì số vay không nhiều nên lại quả ít. Thứ hai, cho doanh nghiệp nhà nước vay, nếu nó không trả được thì đã có nhà nước lo, ngân hàng ít bị liên đới trách nhiệm hơn. Thứ ba, doanh nghiệp tư nhân vay 1 tỷ hay vài trăm triệu cũng phải mở từng ấy sổ sách, từng ấy công việc phải làm".

Cho nên, kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất về vốn, các làng nghề vẫn phải tự chủ động đến 70%, Hiệp hội Làng nghề tổng kết.

"Thoát" không nhờ chính sách

Nhưng đến quý 3/2009, vấn đề không phải là vốn nữa mà là thị trường. Ưu tiên chính sách, gần như ngay lập tức chuyển sang tập trung vào tiêu thụ cho doanh nghiệp.

Chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, xúc tiến bán hàng nội địa, đưa hàng về nông thôn… được tuyên truyền rốt ráo. Ông Tuấn nhận xét, định hướng đề ra là như thế, còn doanh nghiệp họ tự làm với nhau và làng nghề tự bơi là chính.

Ngoài một vài đợt xúc tiến thương mại thị trường nội địa do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, đa số các chương trình đưa hàng về nông thôn là do doanh nghiệp tư nhân và hiệp hội thực hiện. Theo ông Tuấn, các cuộc này “vẫn chủ yếu là giới thiệu đến cư dân thành thị, chứ không phải thị trường nông thôn”.

Trong khi nhiều chính sách hỗ trợ mới chỉ dừng ở vận động là chính, điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề đã chuyển kịp hướng về thị trường trong nước, sang sản xuất hàng nội địa. Nhiều ngành hàng hình thành những bộ phận chuyên làm tiêu thụ, tổ chức những chuyến xe mang hàng về nông thôn, bán tận tay người tiêu dùng.

“Bây giờ có thể khái quát rằng tình hình khó khăn đã qua rồi”, ông Tuấn nói. “Nhưng phải nhấn mạnh sự nỗ lực tự thân vận động của các làng nghề, chứ không hoàn toàn do chủ trương, chính sách”.