22:47 06/01/2010

Làng nghề sau cơn suy thoái: Trường hợp Bát Tràng

Anh Quân

Khủng hoảng kinh tế ngỡ ở bên kia bán cầu, giờ cũng len lỏi vào đời sống những người dân bình dị chốn làng quê ven đô

Khách du lịch Nhật Bản chọn mua hàng tại một cửa hiệu đồ gốm ở Bát Tràng - Ảnh: Anh Quân.
Khách du lịch Nhật Bản chọn mua hàng tại một cửa hiệu đồ gốm ở Bát Tràng - Ảnh: Anh Quân.
“Từ sáng đến trưa mới được một chuyến, mà độc có hai khách người Nhật. Làm ăn dạo này khó khăn quá chú ạ”, bác đánh xe trâu du lịch Bát Tràng tợp chén trà còn nghi ngút khói, sau cái lắc đầu ngao ngán.

Khủng hoảng kinh tế ngỡ ở bên kia bán cầu, giờ cũng len lỏi vào đời sống những người dân bình dị chốn làng quê ven đô này. Đi đến bờ đê nhìn xuống đoạn rẽ vào xã, trước kia đoạn phố này tấp nập người mua kẻ bán là thế, nay vắng hoe vắng hoắt. Chợ Bát Tràng giờ người bán nhiều hơn kẻ mua.

Không có chỗ lùi

Những năm 2006-2007, Bát Tràng như đang ở “thế rồng bay”. Tính riêng xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ, cả xã kiếm về hơn 13 triệu USD một năm. Đó là chưa kể gốm sứ xây dựng và gia dụng bán trong nước, được cánh bán buôn xe tải đường dài, xe thồ đường ngắn đưa đến khắp các nẻo gần xa.

“Trước đây, lúc nào cũng thấy có nhà đóng container hàng xuất khẩu. Giờ vẫn còn, nhưng thưa lắm”, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bát Tràng Đào Xuân Hùng nhìn ra phía khoảng sân trước mặt, trời hôm nay chuyển gió mưa sụt sùi từ sáng sớm.

Năm 2008, xuất khẩu bỗng dưng “đứng khựng”, nhiều doanh nghiệp chết dở với lượng hàng tồn quá lớn, không còn đủ lực để lo tiếp việc cho công nhân. Kim ngạch xuất khẩu năm 2008 của cả xã chỉ còn một nửa năm trước, chừng 5-6 triệu USD. Năm vừa rồi, thấy nhiều nhà bảo còn buôn bán kém hơn, lãnh đạo xã cũng chỉ biết có vậy.

Kinh doanh đã ế ẩm, chi phí lại tăng hơn tạo thêm gánh nặng cho các chủ kinh doanh Bát Tràng. Lương công nhân không tăng không được vì đời sống ngày càng đắt đỏ hơn. Riêng chuyện giá gas lên, mỗi đợt vào lò cũng mất đứt chừng 10 triệu đồng.

“Chi phí cao thế nhưng mỗi lò có khi tiền hàng chỉ thu về được hơn chục triệu đồng. Tất nhiên cũng tùy loại hàng, nhưng nói chung chi phí lớn hơn lợi nhuận nhiều”, chị phụ trách cửa hàng Thủy Toan (Công ty Xuân Thủy) tiếp chuyện người viết, vừa tranh thủ lau dọn mấy kệ hàng chén bát đầy ăm ắp.

Khó khăn kéo dài quá, đã có nhiều gia đình tính chuyện phải ngừng lò, chuyển sang làm dịch vụ, hoặc đi làm thuê. Cả xã đều thoát ly sản xuất nông nghiệp từ lâu vì không còn đất. Hơn 800 hộ lâu nay vẫn chỉ sản xuất kinh doanh độc nhất nghề gốm sứ, sống với nghề gia truyền, nên chuyện ngừng lò, bỏ nghề không phải dễ.

“Nhiều nhà không dám bỏ nghề vì biết làm gì khác mà sống. Nơi khác làm nghề phụ thì còn có chút ít đất sản xuất nông nghiệp mà trông vào khi hàng chậm, dân Bát Tràng thì không có chỗ mà lùi bước”, Chủ tịch Hùng nói.

Tiền khó vào nhà khó

Tiếng là xã ốc đảo ngoài đê sông Hồng, nhưng Bát Tràng cũng hút về đến vài chi nhánh ngân hàng thương mại bám rễ ở đây. Điểm mặt sơ qua có Techcombank, Ocean Bank…, không biết đặt chi nhánh từ khi nào nhưng ATM cũng có ở vài nơi trong xã. Ngân hàng ở sát nách, chuyện vay vốn kinh doanh tưởng thế sẽ dễ, ai ngờ không phải vậy.

Chính sách kích cầu đến với Bát Tràng đúng lúc các doanh nghiệp ở vào hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhiều lò gốm đứng ngồi đều trông vào đấy, để trả lương công nhân, giữ chân họa sỹ... Thế nhưng, qua vài lần tiếp xúc với các ngân hàng, nhiều chủ doanh nghiệp đành tiếc rẻ quay lưng.

“Khó khăn nhất là việc hợp thức hóa giấy tờ cho đúng quy định thủ tục. Mua bán nhà nọ với nhà kia trước nay vẫn thế, cơ sở nhỏ làm gì có giấy tờ gì…”, Giám đốc doanh nghiệp gốm sứ Minh Hải, ông Nguyễn Minh Hải bức xúc nói.

Cho nên, hơn 800 hộ gia đình sản xuất kinh doanh thì chỉ có chưa đầy 100 hộ tiếp cận được vốn vay kích cầu. Số dư tổng cộng cũng tròm trèm khoảng 10 tỷ đồng, không đáng kể gì so với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và hộ sản xuất. Nhiều lò đã phải bán tài sản, vay mượn để duy trì việc kinh doanh.

“Chuyện doanh nghiệp khó khăn về vốn, lãnh đạo xã biết thế nhưng cũng chịu. Đành rằng là có chính sách hỗ trợ, nhưng đến ngân hàng thì họ vẫn bắt phải có thế chấp, vẫn phải trình đủ phương án kinh doanh đảm bảo hiệu quả, đầy đủ thủ tục theo yêu cầu... Xã muốn tác động gì cũng khó”, ông Hùng phân trần.

Tự cứu

“Không đi đến chỗ phá sản hàng loạt là do doanh nghiệp họ tự vận động là chính”, Chủ tịch Hùng thẳng thắn thừa nhận.

Trong khi xuất khẩu giảm sút, việc tiêu thụ nội địa như là một cứu cánh duy nhất. Các lò gốm Bát Tràng, nhiều nơi chuyển mặt hàng đa dạng hơn để phục vụ dân nông thôn, cạnh tranh sát ván với hàng Trung Quốc về giá và chất lượng.

Thay vì sản xuất những chiếc chén chất lượng cao với giá 18-20 nghìn đồng/chiếc, nhiều hộ chuyển sang làm sản phẩm cùng loại nhưng giá chỉ còn 3-5 nghìn đồng/chiếc. Mẫu mà cũng thay đổi linh hoạt theo nhu cầu rẻ, đẹp, bền của người dân nông thôn.

Công đoạn phối trộn nguyên liệu, gần đây đẩy mạnh mô hình công nghiệp tập trung, sau đó bán lại cho các hộ tạo hình, trang trí và hoàn thiện các công đoạn cuối. Năm ngoái đến nay, không những trộn máy, các cơ sở này còn làm thêm công đoạn khử từ để tách sắt ra khỏi nguyên liệu.

“Trước đây thì không khử từ, nên khi nung men bị nổ vàng chứ không trắng được thế này”, Chủ tịch Hùng vừa nói vừa xoay chiếc chén mầu men trắng bóng, chẳng khác hàng cao cấp của một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn ở phía Nam.

Hàng chục, hàng trăm năm trông vào "vốn" cổ truyền, trước đây phần lớn các lò gốm Bát Tràng chỉ chờ người đến lấy hàng. Nhưng cho đến năm vừa rồi, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc đi tìm khách và đáp ứng yêu cầu của khách hàng. “Ngoài sản xuất thì giờ đây anh phải kiêm luôn cả phát triển kênh phân phối đi khắp các tỉnh", ông Hùng nói. "Cho nên, lượng bán hàng trong nước của Bát Tràng năm vừa rồi, đâm ra, lại phát triển mạnh hơn”.