09:59 08/07/2009

Mới có hơn 10% doanh nghiệp làng nghề được vay vốn kích cầu

Hương Loan

Doanh nghiệp làng nghề thiếu nhiều điều kiện để có thể vay được vốn kích cầu

Lao động ở làng nghề có nguy cơ mất việc cao - Ảnh minh họa.
Lao động ở làng nghề có nguy cơ mất việc cao - Ảnh minh họa.
Hàng nghìn doanh nghiệp làng nghề lao đao, hàng triệu lao động nghề thất nghiệp do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, gói kích cầu, hỗ trợ 4% lãi suất rất phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp làng nghề. Tuy vậy, theo khảo sát của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam ở nhiều địa phương, hiện chỉ có khoảng 10-15% doanh nghiệp làng nghề tiếp cận được nguồn vốn này.

Thưa ông, các doanh nghiệp làng nghề Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn gì?

Hiện nay, các doanh nghiệp làng nghề Việt Nam vẫn đang gặp phải không ít khó khăn thách thức. Ngay đầu năm 2009 đã có hàng nghìn doanh nghiệp  lao đao, nhiều doanh nghiệp thậm chí phá sản và hàng triệu lao động nghề thất nghiệp mà nguyên nhân chính vẫn là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Song khó khăn lớn nhất mà làng nghề đang phải đối mặt là đầu ra. Tôi được biết, 40% doanh thu của doanh nghiệp làng nghề từ xuất khẩu. Nhưng từ khi kinh tế thế giới khủng hoảng, sức tiêu dùng của nước ngoài yếu đi, dẫn tới xuất khẩu suy giảm. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu tăng cao đẩy giá thành sản phẩm lên cao cũng tác động tới sức mua của thị trường.

Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp làng nghề gặp phải là nhiều thị trường truyền thống bị thu hẹp lại, việc khai thác thị trường mới vào lúc này càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường nước ngoài đã đang có một số tín hiệu tích cực. Ví dụ như đồ gỗ, mây tre đan, vải lụa, đồ gốm... xuất khẩu. Đơn hàng quý 3/2009 đã bắt đầu được đặt. Mặc dù giá cả có giảm, số lượng chưa nhiều như trước song một số thị trường nước ngoài đang có hợp đồng trở lại.

Có ý kiến cho rằng, sức tiêu thụ của thị trường trong nước vẫn rất lớn, nhưng các doanh nghiệp làng nghề không “để ý” đến thị trường này?

Nhiều doanh nghiệp làng nghề lâu nay chưa thật chú trọng đến thị trường trong nước, chưa thấy được sức tiêu thụ của thị trường trong nước là rất lớn, chứ không phải người tiêu dùng trong nước quay lưng với hàng nội địa. Một số cuộc “đưa hàng về nông thôn” như về An Giang, Trà Vinh cho thấy sức mua của nông thôn còn khá lớn mà chúng ta chưa khai thác được tốt. Ở An Giang, trong ba ngày đưa hàng về một xã, bình quân hóa đơn thanh toán của mỗi khách hàng lên tới 700.000 đồng. Điều này cho thấy thị trường nông thôn không phải là kém mà ngược lại người tiêu dùng trong nước rất chuộng hàng nội.

Kinh nghiệm cho thấy, cần đổi mới cách đưa hàng về nông thôn . Ví dụ như hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, vải lụa, hoặc như nghề chạm bạc vẫn phát triển tốt thị trường nội địa bằng cách xé lẻ mạng lưới bán hàng, đưa hàng về nông thôn. Hay lược bí (Hải Dương) vẫn bán được vì họ đưa hàng về vùng sâu vùng xa, hay khai thác thị trường Lào, Campuchia.

Gói kích thích kinh tế của Chính phủ tác động thế nào đến các doanh nghiệp làng nghề, thưa ông?

Có thể chia nhu cầu về vốn của doanh nghiệp làng nghề ra thành 3 loại, đó là: những doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, tự lo được vốn; doanh nghiệp làm hàng gia công ký gửi, vốn thường do doanh nghiệp gia công ứng trước, có khi đến 40-50% và doanh nghiệp thu gom hàng hóa là đầu ra của các doanh nghiệp nói trên. Trong đó, loại doanh nghiệp trực tiếp thu gom hàng hóa làng nghề để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước là cần đến nhiều vốn hơn cả.

Gần đây, Chính phủ đã đề ra các loại gói kích cầu, hỗ trợ 4% lãi suất,  phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp làng nghề. Tuy vậy, theo khảo sát của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam ở nhiều địa phương, hiện chỉ có khoảng 10-15% doanh nghiệp làng nghề tiếp cận được nguồn vốn này. Bởi thủ tục vay vốn của ngân hàng vẫn còn rất khó khăn, rườm rà, đòi hỏi doanh nghiệp phải có dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có tài sản thế chấp và có khả năng trả nợ.

Về phía doanh nghiệp làng nghề, phần lớn là tổ sản xuất và hộ gia đình nên khả năng lập dự án kinh doanh còn rất yếu, tài sản thế chấp cũng không có nhiều, một số đã thế chấp để vay trước đó. Hơn nữa, quy trình định giá tài sản thế chấp rất phức tạp, vì làng nghề có nhiều loại hình: hợp tác xã, tổ sản xuất. Những loại hình này khó định giá tài sản thế chấp, hoặc phải phụ thuộc vào tài sản thế chấp của người quản lý.

Theo tôi, Chính phủ nên có một bộ phận giám sát việc thực hiện các gói kích cầu để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp làng nghề. Hiệp hội đã làm việc với các cơ quan liên quan nhưng chính các Sở Nông nghiệp, Sở Công thương tại các địa phương mới là cơ quan nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làng nghề. Họ là đầu mối tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp làng nghề cũng như với các tổ chức tín dụng, có thể đứng ra chủ trì các cuộc làm việc, để hai bên hiểu nhau hơn, qua đó đưa ra những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho làng nghề.