16:44 12/02/2014

“Lãnh đạo không làm được việc phải đưa vào diện tinh giản”

Dũng Hiếu

Con số thống kê qua báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ

Với con số 100.000 người phải bị giảm đi theo dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng phải làm rõ tại sao lại có con số này?
Với con số 100.000 người phải bị giảm đi theo dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng phải làm rõ tại sao lại có con số này?
Sẽ tinh giản 100.000 biên chế Nhà nước, là con số mà Bộ Nội vụ đưa ra trong dự thảo nghị định tinh giản biên chế giai đoạn 2014 - 2020. Nhiều ý kiến đang bày tỏ băn khoăn về nội dung này.

Đưa ra đánh giá nội dung dự thảo, ông Nguyễn Trung Thông, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Tp.HCM, cho rằng chưa có nhiều đột phá.

“Cần phải bổ sung thêm đối tượng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Lãnh đạo nếu không làm được việc phải đưa vào diện tinh giản”, ông nói.

Hiện số cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước ước tính trên 2,5 triệu người, trong đó khoảng 257.000 biên chế cho cấp xã. Với con số 100.000 người phải bị giảm đi theo dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng phải làm rõ tại sao lại có con số này? Con số này chiếm chính xác bao nhiêu phần trăm trong tổng số công, viên chức đang làm việc? Có phải giảm so với trên 2,5 triệu công chức, viên chức không? Mặc dù dự thảo đã nói rõ: trong 100.000 người bị giảm đó thì đến 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và chỉ 20% giải quyết thôi việc.

Trong khi đó, con số thống kê qua báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Còn theo con số truyền thông đưa tin, thì lại có tới 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và khoảng 30% phải cầm tay chỉ việc.

Dự thảo đã đưa ra những tiêu chí đánh giá tạo điều kiện cho việc đưa ra khỏi bộ máy những công chức, viên chức có năng lực yếu..., kể cả đưa những người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước ra khỏi biên chế, khi doanh nghiệp không còn cổ phần của nhà nước... Những tiêu chí cụ thể này là rất đúng nhưng để vận dụng ngay vào thực tế hiện nay là cả một vấn đề lớn.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, Ủy viên Hội đồng Khoa học thuộc Viện Khoa học tổ chức nhà nước Bộ Nội vụ, vấn đề tinh giản biên chế không đơn giản chỉ là “cỗ xe đông thì giảm bớt người xuống”. Tinh giản biên chế ngoài việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ đối với những cán bộ, công chức, viên chức dư ra thì cũng phải có kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nữa thậm chí tuyển dụng những công chức chất lượng cao để thay thế.

Và khi cho nghỉ tới 20% công chức, viên chức thì từ nay đến năm 2020 có được tuyển dụng bổ sung lực lượng trẻ mới ra trường nữa hay không? Thực tế những năm qua cũng đã chứng minh muốn tinh giản biên chế thì trước hết phải có chất lượng biên chế cao khi đó mới cắt giảm được số lượng, nếu không, sẽ là ngược lại.

Năm 2002, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, 13 tỉnh, thành phố đã giảm bình quân 7% biên chế. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, vướng mắc về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện đã bộc lộ. Và cốt lõi của vấn đề là định lượng số biên chế có nhu cầu sử dụng thật như mục đích ban đầu không thực hiện được; cùng với đó là nảy sinh cơ chế xin-cho.