08:42 09/11/2007

Lật tẩy “trò chơi” đầu tư siêu lợi nhuận

Minh Đức

Công an Hà Nội đã bắt giữ một số đối tượng trong hệ thống tổ chức đầu tư qua mạng, chính thức lật tẩy một kiểu đầu tư siêu lợi nhuận

Cơ quan chức năng đã chính thức lật tẩy một kiểu đầu tư siêu lợi nhuận.
Cơ quan chức năng đã chính thức lật tẩy một kiểu đầu tư siêu lợi nhuận.
Chiều 8/11/2007, lực lượng công an Hà Nội đã tiến hành bắt giữ một số đối tượng trong hệ thống tổ chức đầu tư qua mạng, chính thức lật tẩy một kiểu đầu tư siêu lợi nhuận.

Như đã phản ánh trong một bài báo trước đây, tình trạng có một số cá nhân tự xưng là đại diện của những tập đoàn lớn ở nước ngoài tổ chức huy động vốn tại Việt Nam đang diễn ra khá phổ biến tại Hà Nội và Tp.HCM và được xác định là có dấu hiệu lừa đảo.

Theo nhận định của cơ quan điều tra, đây là một hình thức huy động vốn tín dụng bằng ngoại tệ, theo hình thức đa cấp, hứa trả lãi suất cao, không xin phép Ngân hàng Nhà nước, không tuân thủ các quy định của Nhà nước về hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam (vi phạm điều 107 và 112 Luật các tổ chức tín dụng, quy định về quản lý bán hàng đa cấp tại Nghị định 110-CP ngày 24/8/2005). Đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cấp giấy phép nào cho công ty nước ngoài hoạt động huy động vốn ngoại tệ qua mạng tại Việt Nam.

Kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy, tất cả các công ty huy động vốn qua các trang www.colonyinvest.net, www.callysinvest.com (đã bị sập), www.money100.us, www.c-invest.com (đã bị sập), www.vip-viet.com, www.lasvegasinvest.us... đều không có thật, chỉ có trang web để lừa nhà đầu tư, cấp tài khoản và điểm. Các thông tin trên những trang web này đều là giả hoặc không có thật như số tài khoản, địa chỉ...

Trả lời phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam, một cán bộ điều tra thuộc Phòng Chống tội phạm công nghệ cao (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế) cho biết, những trang web nói trên đều đặt máy chủ ở nước ngoài, nhưng hầu hết những người quản trị đều là người Việt Nam và cư trú ở Việt Nam. Riêng trên trang www.colonyinvest.net có tên miền đặt tại Mỹ và có một người quản trị tại Hồng Kông, ghi là có tài khoản tại Ngân hàng HSBC.

Nhưng Ngân hàng HSBC tại Việt Nam thông báo là không có tài khoản đó trong hệ thống. Cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh chi tiết này. Công ty Colony Invest Management Inc - chủ sở hữu trang này, cũng không có đại diện, không có đăng ký kinh doanh, không có trụ sở ở bất cứ nơi nào trên thế giới, không có người đứng ra chịu trách nhiệm. Tất cả những người tham gia đầu tư đều chỉ có quyền truy cập tài khoản của mình do đại lý cấp. Việc đầu tư tiền chỉ trao tay, không có phiếu thu, hóa đơn chứng từ...

Theo kết luận bước đầu của cơ quan điều tra, thực tế có vài người tham gia đã nhận được tiền lãi với mục đích quảng cáo. Nhưng hầu hết đều cho biết là không thể rút được tiền lãi mà chỉ bán lại điểm cho người mới tham gia. Hiện nay một số hệ thống đầu tư nói trên vẫn còn khả năng hoạt động. “Nếu tiếp tục hoạt động, đến thời điểm người tham gia thông báo cho nhau là không thể rút được tiền lãi và không thể bán được điểm ảo thì hệ thống sẽ sụp đổ và những người thiếu hiểu biết là những người mất tiền, hành vi của một số đối tượng đầu mối lúc này cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”-Cơ quan điều tra nhấn mạnh.

Trong số liệu thống kê của cơ quan điều tra thông qua phân tích trang www.colonyinvest.net cho thấy, có khoảng 55,6% lượng truy cập là từ Việt Nam, 32,5% từ Thái Lan, 2,6% từ Trung Quốc, 2% từ Philippines, 1,7% từ Mỹ... Trong đó, tại Việt Nam có khoảng 42,4% ở Hà Nội, 9,5% ở Tp.HCM.

Về mức độ tham gia, cán bộ điều tra nói trên cho biết, số lượng người tham gia lên tới hàng vạn người. Như trong phản ánh của Thời báo Kinh tế Việt Nam, thực tế một số đầu mối nói trên đã tổ chức các cuộc hội thảo tại Bắc Ninh, Lạng Sơn (khoảng 500 người tham gia), Hà Nội (khoảng 1.500 người tham gia). Đầu mối tổ chức hội thảo cũng như tổ chức “đầu tư” là nhân vật Vũ Thị Thu Hằng (thường trú tại Tp.HCM), hiện đã có lệnh bắt giữ. Nhân vật này tự xưng là đại diện cao cấp nhất của một tập đoàn từ Mỹ về Việt Nam để tổ chức huy động vốn.

Chỉ riêng đầu mối Vũ Thị Thu Hằng, cơ quan điều tra xác định từ ngày 16/2/2006 đến 19/10/2007 đã có 256 lượt chuyển tiền vào tài khoản của Hằng với tổng số tiền gần 25 tỷ đồng và không có dấu hiệu chuyển tiếp cho người khác. Cơ quan điều tra cũng xác định, có thể Hằng là tuyến cao nhất, chiếm phần lớn tiền của nhà đầu tư. Đối với những đầu mối nhỏ hơn, số tiền nộp vào cũng lên tới hàng tỷ đồng, có ở Hà Nội, Tp.HCM, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đồng Nai...

Cuối chiều ngày 8/11/2007, Cơ quan điều tra tiếp tục tổ chức khám xét và bắt giữ một số đối tượng khác và dự kiến sẽ có thêm thông tin để cảnh báo người dân trước hình thức lừa đảo này. Điểm mà nhiều nhà đầu tư lo ngại là hiện nay, khi cơ quan chức năng vào cuộc, một số trang web “đầu tư” đã bị sập thì số tiền mà họ đã tham gia có còn cơ hội lấy lại? Trước hết, khi tham gia, hầu hết họ đều hiểu đây là một hình thức góp vốn theo thỏa thuận, không có hóa đơn, chứng từ, không biết người đại diện, chịu trách nhiệm... Và nhiều người chấp nhận rủi ro vì lợi nhuận quá cao.

Trả lời về khả năng trên, một cán bộ điều tra cho biết, trên thực tế một số người cũng đã lấy lại được một phần vốn thông qua trả lãi hàng ngày, nhưng phần lớn không thu hồi được. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục lần theo các đầu mối, cố gắng thu hồi lại tiền của nhà đầu tư nhưng đây sẽ là một công việc khó khăn.