16:08 24/11/2017

Lấy kết quả sắp xếp bộ máy để đánh giá tín nhiệm

Nguyên Vũ

Quốc hội thông qua nghị quyết về việc tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ tư.
Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ tư.

Với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong phiên họp bế mạc kỳ họp thứ tư, chiều 24/11.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 là nội dung đã được Quốc hội giám sát tối cao tại kỳ họp này.

Qua giám sát, tại nghị quyết, Quốc hội đã đưa ra khá nhiều yêu cầu cụ thể.

Như, không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước. Trường hợp cần thiết thì phải có quy trình thẩm định, thẩm tra, đánh giá tác động chặt chẽ để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Khắc phục cắt khúc, chồng chéo

Với nhiệm vụ tiếp tục rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, Quốc hội nêu rõ yêu cầu rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, của từng cấp chính quyền địa phương. Việc này nhằm khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ trong quản lý nhà nước, bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Giải pháp tiếp theo được nêu tại nghị quyết là rà soát, chuyển một số nhiệm vụ mà các bộ, ngành, cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận. Thực hiện lộ trình sắp xếp lại và giảm ở mức tối đa việc Nhà nước tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh tế thông qua các doanh nghiệp nhà nước.

Trong sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính, yêu cầu của Quốc hội là kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động. Nghiên cứu, xây dựng đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (2021 - 2026), trong đó điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ để xác định hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngoài ra, xác định rõ tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, số lượng vị trí việc làm và số công chức, đầu mối trực thuộc tối thiểu cần có đối với từng loại đơn vị.

Nghị quyết nêu rõ: căn cứ vào các tiêu chí, nguyên tắc chung, bộ, cơ quan ngang bộ sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ "hàm" lãnh đạo, quản lý. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc hoặc đã phân cấp cho địa phương quản lý. Không chuyển các vụ thành cục, tổng cục, không thành lập mới phòng trong vụ tham mưu thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, trường hợp đặc biệt phải đáp ứng tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định.

 Các quyết định thành lập tổ chức, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức không đúng tiêu chí, tiêu chuẩn phải bị thu hồi, hủy bỏ, Quốc hội nêu yêu cầu cụ thể.

Đến 2021 giảm 10% biên chế 

Sau giám sát, Quốc hội còn yêu cầu nghiên cứu thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Thực hiện thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng hội đồng nhân dân và văn phòng ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung.

Nội dung lớn tiếp theo được nêu tại nghị quyết là thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015.

Tại phần này, hai lần liền nghị quyết nhắc lại hai từ chấm dứt. Đó là chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập vượt quá số lượng đã được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định. Và, chấm dứt sử dụng lao động hợp đồng để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ có tính chất thường xuyên trong cơ quan hành chính nhà nước.

Giải pháp nữa được xác định là đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, công bằng, công khai, khắc phục tình trạng bình quân, nể nang trong đánh giá. Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở xác định đối tượng cần tinh giản biên chế một cách khoa học, chính xác, thuyết phục.

Nghị quyết yêu cầu đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm, bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu của Trung ương về vấn đề này. Coi đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.