Lo ngoại tệ “vượt biên” vì vàng
Không thể xem nhẹ vai trò của vàng khi nguy cơ "chảy máu" ngoại tệ ở cả kênh chính thức lẫn buôn lậu đang hiện hữu
Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, dòng vốn trên thế giới đang cơ cấu về kỳ hạn ngắn và chuyển dịch sang vàng, dầu lửa. Điều này đã và đang tạo nên bất ổn của thị trường vàng, ngoại tệ trong nước.
"Khẩu vị" của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính quốc tế đang thay đổi. Họ bắt đầu rút dần vốn dài hạn để từng bước tái cấu trúc thành vốn ngắn hạn. Sự dịch chuyển này là do nhà đầu tư lo ngại rủi ro đang lớn dần từ những khoản đầu tư dài hạn khi giá trị ảo của nền kinh tế thế giới đã vượt gấp 5 lần giá trị thực.
Giá trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm thấp hơn kỳ hạn 3 tháng, một điều hy hữu xảy ra trên thị trường tài chính quốc tế. Nhu cầu "tìm kiếm" kênh đầu tư an toàn gia tăng, trong đó vàng và dầu mỏ là "hầm" trú ẩn hàng đầu đối với tất cả nhà đầu tư, Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói với VnEconomy.
Trong bối cảnh này, các quốc gia lớn đang ứng xử với các loại tài sản theo chiều hướng nào, thưa ông?
Mỹ và Trung Quốc tham gia rất nhiều vào các dự án dầu mỏ và khoáng sản nhất là vàng và kim cương trên toàn thế giới. Đồng thời, Trung Quốc cũng là nước âm thầm mua vào nhiều vàng nhất, sau Nga.
Ông Lê Xuân Nghĩa.
Một số ngân hàng trung ương cũng thay đổi dự trữ của họ, chuyển khá nhiều sang vàng. Một số nhà đầu tư lớn mua tới hàng trăm tấn vàng. Vì vậy, nó làm cho giá vàng thế giới tăng dần lên trong thời gian qua.
Theo tôi, vàng có thể xuống trong ngắn hạn nhưng xu hướng sẽ tăng trong dài hạn. Do đó, Việt Nam vẫn phải cẩn trọng với xu hướng này dù nền kinh tế đang ổn định và lạm phát thấp.
Bởi như tôi nói, USD vẫn đang là đồng tiền chủ chốt trong thanh toán quốc tế nhưng với những biến động khó lường của thị trường tài chính thế giới khi giá trị ảo vượt giá trị thực tới 5 lần, vàng vẫn là một trong những thước đo giá trị quan trọng nhất. Trong 50 năm qua, giá vàng tăng lên 40 lần, quá khủng khiếp! Không có mặt hàng nào tăng nhanh như thế và đây rõ ràng là một nguy cơ dài hạn.
Diễn biến giá vàng trong 3 năm trở lại đây (nguồn VEPR).
Gần đây, có thời điểm vàng thế giới vượt ngưỡng 1.400 USD/oz và vàng trong nước lập đỉnh cao nhất trong 5 năm gần đây. Theo ông, điều gì đã khiến vàng tăng giá?
Tình hình Iran, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và căng thẳng Nga - Mỹ… là những yếu tố khiến giá vàng biến động. Song đây là những yếu tố vừa có tính chất ngắn hạn vừa có tính chất dài hạn.
Điều này có nghĩa vàng tăng giá không phải là yếu tố nhất thời mà tăng giá còn xuất phát từ nguyên nhân tiền giấy in ra ngày càng nhiều so với giá trị hàng hoá thực. Do đó, vàng tăng giá là điều dễ hiểu.
Trong bối cảnh đồng USD giảm giá và vàng tăng giá, tác động kép này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý thị trường trong nước, thưa ông?
Khi USD giảm giá như vậy, điều lo ngại nhất là giá vàng, gây tâm lý mạnh nhất với người Việt. Giá vàng thế giới tăng, thì giá vàng tại Việt Nam cũng tăng, nếu không tăng thì buôn lậu sẽ tăng.
Nếu nhà hoạch định coi vàng là độc lập không liên quan đến tỷ giá, giá trị đồng tiền thì là sai lầm. Chủ quan như thế, giá vàng tăng một chút thì tâm lý rất mạnh.
Mỗi khi dân chúng nhòm ngó tới vàng thì thực sự là nguy hiểm, tiết kiệm nội địa giảm, đầu tư chứng khoán giảm, đầu tư kinh doanh ngành nghề giảm… Bởi đầu tư kiếm 15% là mửa mật, sau khi trả lãi ngân hàng 10% là còn lãi 5%. Ngược lại, nếu đầu tư vàng, năm sau nó lên 10% là chuyện nhỏ. Do đó làm đảo lộn tất cả các phương án kinh doanh, điều rất đáng ngại.
Vậy theo ông chúng ta cần phải làm gì để ứng phó với những diễn biến khách quan nêu trên?
Làm như nào thì quả thật rất khó trả lời. Bởi nếu nói ngân hàng trung ương mua vào dự trữ mà không khéo để dân biết thì rất nhiều vấn đề, bởi dễ xảy ra tình trạng "ông mua chúng tôi cũng mua". Cứ thế, họ xách tay nải sang Campuchia mua. Nên nhớ, một người đi từ Campuchia đến Việt Nam xách được 50 cân vàng. Đã từng có thời kỳ rất nhiều người xin đi du lịch, công tác Campuchia chỉ để xách vàng.
Trong hàng chục năm qua, chúng ta chủ trương chống đô la hoá và vàng hoá. Tuy nhiên, với bối cảnh hội nhập và xu hướng tăng giá của vàng, chúng ta phải có sự chuẩn bị.
Trước mắt, Chính phủ vẫn tạm thời chính sách độc quyền nhập khẩu vàng, nhất là vàng miếng. Nếu giá vàng có biến động, chúng ta có thể can thiệp bằng cách nhập khẩu nhiều hơn bán ra để giữ giá chênh lệch tương đối với giá thế giới. Chẳng hạn, hiện giá vàng thế giới và Việt Nam chênh mức 300-400.000 VND/lượng, nếu không can thiệp, để chênh lệch ngược lại vượt 1 triệu, 2 triệu VND/lượng thì chúng ta sẽ không cản nổi buôn lậu.
Nhưng vấn đề là, nếu can thiệp giá vàng thì chúng ta phải huy động ngoại tệ, cần USD để nhập vàng. Điều này sẽ kéo giảm dự trữ ngoại hối, ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái.
Trong khi đó, nếu không mua vàng để can thiệp thị trường, lại xảy ra tình trạng "chảy máu" ngoại tệ qua con đường buôn lậu. Do đó, không thể xem nhẹ vai trò của vàng khi nguy cơ "chảy máu" ngoại tệ ở cả kênh chính thức lẫn buôn lậu đang hiện hữu.
Theo tôi, cần phải tạo chính sách tổng hợp. Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng "găm giữ" ngoại tệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như ngăn ngừa ngân hàng nước ngoài mua ngoại tệ trong nước và gửi ra nước ngoài kết hợp với việc can thiệp trong chừng mực để ổn định giá vàng trong nước, chênh lệch hợp lý với giá vàng thế giới.
Vì vậy, tỷ giá hối đoái linh hoạt đối với Việt Nam lúc này là điều cần được quan tâm. Bởi tỷ giá giờ đây không chỉ liên quan đến lãi suất của USD, CNY hay các đồng tiền khác mà còn bao gồm cả vàng. Cần phải đưa vàng vào trong rổ quản lý tỷ giá hối đoái.