13:27 10/11/2009

Luật An toàn thực phẩm có điều chỉnh sản phẩm khai thác tự nhiên?

Nguyễn Lê

Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật An toàn thực phẩm tại phiên họp sáng 10/11

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo thẩm dự án Luật An toàn thực phẩm.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo thẩm dự án Luật An toàn thực phẩm.
Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật An toàn thực phẩm tại phiên họp sáng 10/11.

Sự cần thiết phải ban hành luật này, theo Chính phủ, là do công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta đang rất bức xúc, cần phải có các giải pháp mạnh, đồng bộ để khắc phục, trong đó có các chế định pháp luật đủ hiệu lực để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải ban hành. Tuy nhiên, ủy ban cho rằng Luật An toàn thực phẩm nên điều chỉnh cả sản phẩm khai thác ngoài tự nhiên.

Bởi, ở nước ta, việc khai thác, sử dụng thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên khá phổ biến, sản lượng thủy sản khai thác hàng năm tương đối lớn, ngộ độc do sử dụng thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên còn cao. Pháp luật hiện hành còn thiếu quy định về an toàn thực phẩm đối với loại thực phẩm này.

Vì vậy, "Luật An toàn thực phẩm cần có quy định điều chỉnh đối với thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên để vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản", Chủ nhiệm Đặng Vũ Minh nêu quan điểm của Ủy ban.

Liên quan đến điều kiện chung về bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ủy ban cũng đề nghị dự thảo luật nên quy định theo hướng: đối với thực phẩm thông thường như lương thực, đường, bánh kẹo,... thì quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đối với thực phẩm có nguy cơ cao như thịt, rau quả tươi sống, sữa, thủy sản… thì ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các cơ sở sản xuất, kinh doanh loại thực phẩm này phải có giấy phép do cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm cấp. Cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ quy định điều kiện cấp phép, thẩm quyền cấp phép, danh mục thực phẩm thuộc diện cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có giấy phép.

Để việc quản lý đạt được hiệu quả , ủy ban cũng đề nghị các bộ có liên quan cần sớm ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm để phục vụ công tác quản lý; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và xây dựng lộ trình thực hiện phương thức quản lý mới.

Vào ngày 23 và 26/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự án luật này, dự kiến thông qua tại kỳ họp sau.