13:09 23/07/2012

Mạnh tay “bơm” vốn đầu tư công và nỗi lo lạm phát tái xuất

Minh Anh

Nếu mỗi tháng còn lại của năm nay giải ngân hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư công/tháng thì sang 2013, lạm phát có quay trở lại?

Lâu nay, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam thường không tương thích với số tiền bỏ ra, gây ra nhiều lãng phí, thất thoát.
Lâu nay, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam thường không tương thích với số tiền bỏ ra, gây ra nhiều lãng phí, thất thoát.
Nếu mỗi tháng còn lại của năm nay giải ngân hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư công/tháng thì sang 2013, lạm phát có quay trở lại?

Thông điệp “dư địa vốn đầu tư công còn rất lớn”, đủ nguồn vốn để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, gỡ khó cho doanh nghiệp và kiềm chế lạm phát được Chính phủ đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2012.

Tại buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ ngay sau đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tổng nguồn chi đầu tư công năm 2012 có 180 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cộng với 45 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ, cộng với một số nguồn vốn tiết kiệm, tổng cộng đầu tư công có 240 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 5 mới giải ngân được khoảng 66 nghìn tỷ đồng, và vì thế, theo Bộ trưởng Đam, dư địa vốn đầu tư công những tháng còn lại là rất lớn.

Và một tháng sau, Bộ trưởng Vũ Đức Đam thêm một lần nữa nhấn mạnh rằng về sự dồi dào của dư địa vốn đầu tư công, 6 tháng cuối năm, mỗi tháng giải ngân hơn 21.000 tỷ đồng cũng không lo lạm phát, bởi Chính phủ đã dự liệu từ trước.

Đó là khẳng định từ phía Chính phủ. Còn ở góc độ của các chuyên gia kinh tế, đã bắt đầu có một số lo ngại rằng nếu mỗi tháng phải giải ngân hết hơn 21.000 tỷ đồng thì vòng xoáy lạm phát sẽ trở lại vào năm 2013 - điều không nằm trong “dự liệu của Chính phủ” như lời Bộ trưởng Vũ Đức Đam.

Tất nhiên, ông Đam cũng cho biết, dư địa vốn đầu tư công dù còn lớn nhưng không có nghĩa là giải ngân tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm mà phải đầu tư đúng chỗ, đúng lúc, với nguyên tắc đầu tư vào những chỗ có thể làm xong, gọn, phát huy ngay hiệu quả kinh tế xã hội, đồng thời gắn với việc giúp doanh nghiệp...

Thậm chí, theo ông, đối với các dự án có thể hoàn thành trong 6 tháng năm 2013, Chính phủ cũng có thể cho ứng vốn trước. Việc giải ngân này đều nằm trong “dự liệu” là không làm lạm phát quay trở lại.

Quan điểm có sự “lệch pha” như trên, ở góc độ nào đó cũng dễ hiểu, vì lâu nay, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam thường không tương thích với số tiền bỏ ra, gây ra nhiều lãng phí, thất thoát. Chính vì thế, nếu bắt buộc giải ngân số tiền trên trong thời gian ngắn theo chỉ tiêu để kích thích tăng trưởng, thì sự lo lắng của các chuyên gia kinh tế là hoàn toàn có cơ sở.

Vậy “bơm” vốn ra bao nhiêu thì đủ? “Bơm” bao nhiêu để vừa phát huy hiệu quả tức thời, vừa đúng mục tiêu lại không làm nguy cơ vòng xoáy lạm phát quay lại? Đấy là vấn đề mấu chốt cần phải xác định trên cơ sở nghiên cứu, tính toán cụ thể.

Trao đổi với VnEconomy chiều 22/7, chuyên gia kinh tế cao cấp, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, việc giải ngân bao nhiêu cần phải căn cứ vào năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, việc giải ngân phải bảo đảm có hiệu quả, không nên đầu tư bằng mọi cách hết số tiền trên mà không đảm bảo tính hiệu quả thì lạm phát sẽ lại cao, tăng trưởng trì trệ, rồi lại giảm lạm phát, rồi lại kích thích tăng trưởng, vòng quay đấy sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

“Nếu giải ngân chỉ để tăng trưởng GDP thì quá đơn giản”, ông nói.

Vì thế, không nên bằng mọi giá giải ngân 21.000 tỷ đồng/tháng mà phải đầu tư có hiệu quả trên các tiêu chí như đầu tư công trình nào đó sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, đầu tư những công trình nào đấy góp phần giải quyết các vấn đề lao động, khô hạn của dân, giải quyết về ùn tắc…

“Trong bối cảnh hiện nay thì các dự án trong tổng quan bảo vệ môi trường, chống và giảm thiểu ô nhiễm, ùn tắc là những vấn đề trở nên rất cấp bách, cần phải làm”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.