10:17 05/01/2011

Mâu thuẫn tiền tệ Mỹ - Trung: Việt Nam nên làm gì?

Nguyễn Phúc Lâm

Trước những mâu thuẫn giữa đồng USD và Nhân dân tệ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp rất nhiều khó khăn

Căng thẳng Mỹ-Trung về vấn đề tỷ giá đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong thời gian qua.
Căng thẳng Mỹ-Trung về vấn đề tỷ giá đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong thời gian qua.
Trước những mâu thuẫn giữa đồng USD và Nhân dân tệ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp rất nhiều khó khăn.

Mâu thuẫn lợi ích

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, các nhà lãnh đạo đã nhất trí kiềm chế phá giá bản tệ, nhưng không đưa ra được các bước đi cụ thể để giảm sự mất cân bằng thương mại toàn cầu và mang lại lợi ích dài hạn cho tất cả các nước như đề xuất của Mỹ. Nguyên nhân của sự bất đồng là do đề xuất này hạn chế đà phát triển của các nước phục hồi nhanh hơn Mỹ, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đức.

Điều này có nghĩa là, nỗ lực của Mỹ trong việc cắt giảm thâm hụt tài khóa và cán cân thương mại còn gặp nhiều khó khăn, buộc Chính phủ Mỹ phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết. Bất đồng này dường như đã được dự báo trước ngay từ sau hội nghị các quan chức tài chính G20, và khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông qua kế hoạch chi thêm 600 tỉ USD vào ngày 3/11 để mua trái phiếu chính phủ trong thời gian từ nay cho đến tháng 6/2011, nhằm tạo thêm việc làm và ổn định giá cả.

Hệ quả là, USD giảm giá với tác động tức thời là giá vàng đã lập kỷ lục mới 1.424,30 USD/oz vào ngày 9/11, giá dầu mỏ và nhiều mặt hàng tăng đột biến. Trung Quốc chỉ trích gay gắt và cho rằng, động thái này của FED có thể làm tăng dòng vốn vào và hình thành bong bóng bất động sản tại các nước châu Á, khắc sâu nguy cơ tái diễn khủng hoảng khu vực như đã xảy ra vào năm 1997-1998.

Sau khi sử dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ, ngày 11/11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) phải nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 0,31% lên 6,6242, đây là lần nâng giá đồng nội tệ lớn nhất kể từ tháng 6, đồng thời tăng dự trữ bắt buộc lên 18% tại 6 ngân hàng thương mại lớn nhằm kiềm chế lạm phát khi lạm phát tháng 10 tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 2 năm qua. Trong đó, giá lương thực tăng trên 10%, giá bất động sản tại 70 thành phố tăng 8,6%.

Áp lực lạm phát chứng tỏ việc duy trì Nhân dân tệ thấp đang ảnh hưởng xấu chính sách tiền tệ quốc gia và buộc PBC phải đẩy nhanh tốc độ tăng giá Nhân dân tệ. Theo nhiều phân tích, so với việc duy trì bản tệ thấp, Nhân dân tệ mạnh sẽ đưa lại nhiều lợi ích, đặc biệt là sẽ giúp gia tăng sức mua của các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc, và muốn tăng trưởng nhanh thì lựa chọn duy nhất là phải tăng giá Nhân dân tệ, nhưng Trung Quốc muốn sử dụng con bài tỷ giá để buộc Mỹ phải nhượng bộ về những vấn đề khác mà Trung Quốc cho là quan trọng hơn.

“Ve sầu thoát xác”?

Để tránh bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm cách "tuồn" hàng qua Việt Nam hoặc đầu tư đặt nhà máy tại Việt Nam gia công hàng cho Trung Quốc để tràn vào thị trường Mỹ, với phần đóng góp phụ trội rất thấp của Việt Nam.

Do Trung Quốc không phải là nhà cung cấp kỹ thuật, vốn và thị trường mà chỉ cung cấp hàng hóa thành phẩm với giá cạnh tranh, thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất thực tế tại Trung Quốc, việc nhập khẩu nguyên vật liệu thành phẩm từ Trung Quốc để về gia công đã và đang làm tăng mức độ phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam, cản trở tiến trình công nghiệp hóa đất nước.

Trong quan hệ thương mại, Việt Nam không có quy chế ràng buộc đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi phía Trung Quốc thường thay đổi và ban hành mới những quy định về kiểm định, về mức phí nhập cảnh, khiến doanh nghiệp Việt Nam nhiều phen vất vả, nhất là những nhà buôn hoa quả, thủy sản tươi sống, mủ cao su.

Trong cán cân thương mại năm 2009, Việt Nam xuất siêu khoảng 8,35 tỉ USD vào thị trường Mỹ và 3,77 tỉ USD vào EU, nhưng lại nhập siêu 11,2 tỉ USD từ Trung Quốc, nghĩa là "lời" bao nhiêu với Mỹ và EU thì lại "hụt" gần bằng ấy với Trung Quốc, trong khi đó tổng mức nhập siêu năm 2009 của Việt Nam là 11,976 tỉ USD. Về hàng hóa trao đổi, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các loại nguyên liệu thô (than đá, cao su, sắn, dầu thô, máy vi tính) và nhập khẩu hàng hóa thành phẩm (máy móc, nguyên liệu dệt may, gia giầy, sắt thép, máy vi tính, xăng dầu, hóa chất).

Do nhiều ngành công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu giá Nhân dân tệ cao thì chi phí đầu vào nguyên liệu sẽ cao, giá thành sản xuất cao hơn và khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nên xuất khẩu cũng gặp khó khăn. Nếu xét về phương diện này, thì các doanh nghiệp Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi.

Trong tình hình hiện nay, Nhân dân tệ tăng giá mạnh là một tất yếu, điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng cả trong việc lựa chọn đồng tiền thanh toán. Phía bạn có gợi ý là dùng bản tệ để sử dụng trong thanh toán thương mại song phương, hàng xuất sang Trung Quốc thì được trả bằng Nhân dân tệ, hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam được thanh toán bằng VND. Đề xuất này có vẻ hợp lý, nhưng do Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc trên 10 tỉ USD và các doanh nghiệp Việt Nam thường lệ thuộc vào vốn vay, nên mức độ rủi ro là cao, cả rủi ro lãi suất, rủi ro tỉ giá và rủi ro thị trường.

Giảm nhập siêu từ Trung Quốc?

Nếu sử dụng VND trong thanh toán, doanh nghiệp sẽ phải vay VND, nhưng việc đi vay VND tại các ngân hàng sẽ vấp phải khó khăn ngay từ khi thẩm định hồ sơ vay vốn, mà cũng không có lợi do lãi suất VND đang đứng ở mức rất cao, nếu chậm thanh toán sẽ phải tính toán lại khoản vay và chi phí lãi suất kèm theo, nếu Nhân dân tệ lên giá so VND thì phải điều chỉnh lại hợp đồng.

Vì thế, các doanh nghiệp có thiên hướng chọn Nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán và có thể vay trực tiếp từ doanh nghiệp Trung Quốc với điều kiện vay vốn nhìn chung thuận lợi hơn nhiều, nhưng cách làm này có thể đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế bị lệ thuộc vào phía Trung Quốc về tín dụng, bên cạnh sự phụ thuộc về hàng hóa.

Ngay cả việc sử dụng VND làm đồng tiền thanh toán cũng gặp phải rủi ro vì doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng cường thu gom hàng từ Việt Nam với mọi giá do họ có sẵn nguồn VND trong tay, trong khi cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chậm cải thiện, có khả năng xuất khẩu tài nguyên và hàng thô tiếp tục được đẩy mạnh, cạnh tranh trở lên quyết liệt hơn và gây ra tổn hại nghiêm trọng, kể cả trong dài hạn. Ngoài ra, nguồn VND dồi dào cũng giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tăng vốn đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu là những ngành không đòi hỏi công nghệ cao mà cần nhiều sức lao động với năng suất lao động rất thấp, chủ yếu là may mặc, da giầy, công nghiệp lắp ráp, khai thác tài nguyên.

Nếu chọn đồng tiền thanh toán là USD, thì doanh nghiệp Việt Nam có thể thanh toán bằng nguồn USD thu được từ hoạt động xuất khẩu sang thị trường khác và chỉ phải điều chỉnh lại hợp đồng khi Nhân dân tệ lên giá (nếu điều này được qui định trong hợp đồng). Trong trường hợp thiếu USD, doanh nghiệp có thể vay ngân hàng với lãi suất USD rất thấp hoặc thu gom USD rất dễ dàng với khối lượng không hạn chế và tỉ giá USD/VND cũng ổn định hơn so với tỉ giá Nhân dân tệ/VND.

Nói tóm lại, các doanh nghiệp và cá nhân cần thận trọng trong việc ký hợp đồng thương mại và đầu tư, phần nhập siêu cần được thanh toán bằng những đồng tiền khác. Với mức nhập siêu từ Trung Quốc tương đương với tổng mức thâm hụt thương mại quốc gia, các nhà hoạch định chính sách cần sớm điều chỉnh lại chính sách xuất nhập khẩu, đồng thời có biện pháp giảm nhập siêu triền miên từ Trung Quốc, góp phần cải thiện cán cân thương mại một cách bên vững.

Các doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, mạnh dạn đầu tư công nghệ và loại bỏ những ngành năng suất lao động thấp, cắt giảm tối đa chi phí đầu vào, điều chỉnh kế hoạch thu mua và dự trữ nguyên liệu theo hướng chuyển sang nhập khẩu từ nước khác và từ thị trường mà Việt Nam đang xuất siêu, nhất là từ Mỹ, EU và các nước phát triển khác.