10:00 01/08/2009

May Viettien: “Gió đã đổi chiều”

Vũ Anh

Câu chuyện xây dựng thương hiệu của Viettien bắt đầu đơn giản từ bài toán lợi nhuận

Việt Tiến đã trở thành thành viên Hiệp hội Thiết kế thời trang Đài Loan- Ảnh: Việt Tuấn.
Việt Tiến đã trở thành thành viên Hiệp hội Thiết kế thời trang Đài Loan- Ảnh: Việt Tuấn.
Trong 5 yếu tố tạo giá trị của sản phẩm, bao gồm: Thương hiệu - Thiết kế - Nguyên phụ liệu - Sản xuất -  Phân phối, doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu tham gia vào khâu sản xuất.

Câu chuyện xây dựng thương hiệu của Viettien bắt đầu đơn giản từ bài toán lợi nhuận. Bài toán của giá trị thương hiệu có thể tính toán đơn giản rằng, một sản phẩm may mặc giá chi phí 150.000 đồng, nếu gắn thương hiệu Việt Tiến thì giá bán gấp năm lần. Nhưng nếu gắn thương hiệu cao cấp của thế giới thì giá có thể “vọt” lên 50, thậm chí 100 lần.

Để lấp dần ngăn cách giá thành ấy, trong khoảng vài năm trở lại đây, Viettien đã thiết kế và thực hiện một kế hoạch lớn, từng bước xây dựng thương hiệu riêng để tiến ra thị trường thế giới.

Và “gió đã đổi chiều” khi thương hiệu Vee Sendy của Viettien có mặt tại một số cửa hàng ở Úc, New Zealand cuối năm 2006.

Nhượng quyền thương hiệu, một bước vào thị trường thế giới

Từ khoảng giữa năm 2006, Viettien bắt đầu kế hoạch chuyển hướng đến sản phẩm phục vụ đối tượng khách hàng có thu nhập cao, và bước đầu tiên là công đoạn hậu cần.

Tổng công ty đã tìm kiếm nguồn hàng và nhập khẩu nhiều loại nguyên, phụ liệu đặc biệt cao cấp từ các nước có nền công nghiệp dệt tiên tiến như Nhật, Italy, Đức, Ấn Độ...

Cũng trong năm đó, hai thương hiệu là San Sciaro, thời trang nam cao cấp mang phong cách Italy, và Manhattan, thời trang cao cấp phong cách Mỹ, đã được Tập đoàn Perry Ellis International và Perry Ellis International Europe của Mỹ nhượng quyền cho Viettien với mức giá 36.000 USD/năm.

Và trước đó không lâu, dòng sản phẩm thời trang cao cấp dành cho nữ mang thương hiệu TT-up cũng được Viettien trình làng. “Đẳng cấp” của TT-up được đánh giá có thể sánh ngang với các hãng thời trang nổi tiếng như Pháp, Italy, Hồng Kông…

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Viettien đã chi trên dưới 200.000 USD để mua công nghệ veston của Mỹ và Nhật, áo jacket của Đức, quần Âu và kaki của Nhật Bản…

“Vết dầu loang” ra thị trường nước ngoài

Song song với nhượng quyền thương hiệu, cũng vào cuối năm 2006, Viettien thành lập nhóm thiết kế, qui tụ nhưng tên tuổi lớn trong làng thời trang Việt Nam, như Quốc Bình, Trọng Nguyên, Tấn Phát, Lệ Hằng, Quang Hòa...

Một kế hoạch “dài hơi” hơn tiếp tục được triển khai, theo đó Viettien từng bước đưa hàng thời trang cao cấp ra nước ngoài, thị trường nhắm tới đầu tiên là Úc và Canada.

Ngay cuối năm đó, thương hiệu sản phẩm Vee Sendy của Việt Tiến đã có mặt tại một số cửa hàng ở Úc, New Zealand. Viettien cũng làm việc với các đối tác của Mỹ, Malaysia, Singapore, Canada, để phát triển mạng lưới bán sản phẩm tại các thị trường này.

Những TT-up, Vee Sendy… đang như “vết dầu loang”, từng bước mở rộng hơn cả về doanh thu và số lượng điểm bán trên thế giới. 5 yếu tố tạo giá trị của sản phẩm, bao gồm thương hiệu, thiết kế, nguyên phụ liệu, sản xuất, phân phối, đã nằm trong sự “điều hành” của doanh nghiệp, đẩy giá trị gia tăng từ thương hiệu lên rất nhiều.

Thành công chóng vánh bước đầu đã chứng minh hương đi đúng của Viettien. Những bước đi bài bản kế tiếp cũng đã “lên nòng”.

Viettien tiếp tục phát triển đội ngũ nhà thiết kế ngày càng hùng hậu, lên tới 40-50 người. Đồng thời doanh nghiệp cũng mạnh dạn đưa sản phẩm tự thiết kế tham gia các chương trình biểu diễn thời trang lớn của thế giới.

Nhằm để đội ngũ thiết kế nắm bắt được những xu hướng thời trang mới nhất, tham khảo mà đưa ra những bộ sưu tập theo sát mốt mới Viettien đã đặt hàng Viện Thiết kế thời trang Pháp để được cung cấp xu hướng thời trang hằng năm.

Việt Tiến cũng đã trở thành thành viên Hiệp hội Thiết kế thời trang Đài Loan, hằng năm mình đưa các nhà thiết kế sang học tập, đưa sản phẩm đi biểu diễn giới thiệu với khách hàng thế giới.

Chính sự thành công của Viettien đã quy tụ nhiều doanh nghiệp mong muốn đến với Tổng công ty để hợp tác cung cấp nguyên, phụ liệu. Và trong các quan hệ hợp tác, liên doanh hay chuyển giao công nghệ, giá trị góp bằng tri thức của Viettien được tính 20% vào vốn pháp định, như là giá trị thương hiệu.

Với những thành công này, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến liên tục 5 năm liền (2004-2008) được công nhận là Doanh nghiệp tiêu biểu ngành Dệt May Việt nam.