15:36 13/10/2008

Mở rộng cơ hội cho các tỉnh bán thực phẩm vào Hà Nội

Hồng Thoan

Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong việc tạo nguồn hàng hoá từ các tỉnh về cung ứng cho thị trường thủ đô

Hà Nội là thị trường to lớn, nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và các doanh nghiệp khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng tham gia vào mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Hà Nội là thị trường to lớn, nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và các doanh nghiệp khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng tham gia vào mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Hà Nội 2008, ngày 11/10, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao dịch, giới thiệu và cung ứng hàng hoá nông sản thực phẩm cho các nhà bán lẻ tại thị trường Hà Nội.

Sự kiện thu hút trên 31 doanh nghiệp của các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá và trên 20 doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn của Hà Nội.

Mức tiêu thụ của hơn 6 triệu dân Hà Nội trong một tháng là khoảng 70.000 tấn gạo, 10.000 tấn thịt lợn, 2.000 tấn thịt trâu bò, 3.000 tấn thịt gia cầm, 4.500-5.000 tấn thuỷ hải sản tươi, đông lạnh, 4.000 tấn thực phẩm chế biến, dầu ăn, 60.000 tấn rau củ quả các loại, 15 triệu chai lon rượu, bia, nước giải khát. Đây là thị trường to lớn, nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và các doanh nghiệp khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng tham gia vào mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Còn nhiều “đất trống”

Tại hội nghị giao dịch hàng hoá này, 31 doanh nghiệp tỉnh bạn đã mang về Hà Nội những sản phẩm thực phẩm đông lạnh, thuỷ hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến, nông lâm sản, rau củ quả, mật ong, gạo... đều là các mặt hàng có chất lượng cao, có uy tín trên thị trường.

Ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói, một trong những giải pháp cấp bách đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân Hà Nội mà Sở triển khai là thực hiện mở rộng hợp tác, liên kết với các tỉnh trong việc tạo nguồn hàng hoá từ các tỉnh về cung ứng cho thị trường Hà Nội và cung cấp một số hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của các tỉnh.

Hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn Hà Nội hiện có cả một mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, bao gồm 369 chợ, trong đó có 20 chợ loại 1, 49 chợ loại 2, 286 chợ loại 3, 74 siêu thị, 13 trung tâm thương mại, trong đó có 5 trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn từ hạng 1 đến hạng 3.

Ngoài ra còn có hơn 200 cửa hàng tự chọn, tiện ích. Trong đó, riêng Tổng công ty Thương mại Hà Nội có 120 cửa hàng Hapromart, Hapro Foodmart. Một số công ty có chuỗi siêu thị như Công ty Cổ phần Nhất Nam với chuỗi siêu thị Fivimart, Trung tâm thương mại Intimex với chuỗi siêu thị Intimex. Công ty TNHH Đông Hưng với chuỗi siêu thị Citimart và một số tập đoàn bán lẻ nổi tiếng như Metro, Big C, Parkson đang tham gia vào mạng lưới phân phối cho thị trường Hà Nội.

Ông Trần Công Thành, Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết, rất nhiều các doanh nghiệp trong tỉnh Thái Bình sẽ có khả năng cung ứng hàng hoá nông sản thực phẩm cho hệ thống phân phối của Hà Nội. Bởi quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp Thái Bình đặt mục tiêu từ nay đến 2015 sẽ phát triển công nghiệp chế biến, đồng thời cũng quy hoạch lại vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp để cung ứng cho các tỉnh, thành lớn, trong đó có Hà Nội.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Thái Bình đã và đang chế biến nông sản xuất khẩu vào những thị trường khó tính trên thế giới nên không có lý do gì mà không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Với 35.000 ha trồng rau quả vụ đông, các hợp tác xã rau quả của Thái Bình có thể cung ứng cho thị trường sản phẩm ngô, đậu tương, khoai tây, dưa chuột... với số lượng lớn. Thịt và các sản phẩm từ thịt hiện đang chiếm 30 - 35% tỷ trọng trong nông nghiệp của Thái Bình với số lượng đàn lợn, vịt, gà trên 1 triệu con nên cũng có khả năng đáp ứng được nhu cầu.

Không riêng gì Thái Bình, các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hoá cũng đưa ra nhiều lợi thế đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm.

Và còn nhiều việc phải làm

Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp, đại diện của chuỗi siêu thị Fivimart cho rằng, mẫu mã và bao bì, nhãn mác của các sản phẩm trưng bày tại phiên giao dịch vẫn chưa bắt mắt. Hơn nữa, giá sản phẩm đưa ra của một số mặt hàng lại cao hơn cả giá sản phẩm cùng chủng loại đang được bày bán trong chuỗi siêu thị của Fivimart.

Mục tiêu của Fivimart luôn muốn mua sản phẩm tận gốc, giảm chi phí của khâu trung gian để mang lại cho người tiêu dùng một mức giá hợp lý nhất. Điều này cũng góp phần bình ổn giá theo yêu cầu của Sở Công Thương. Để tăng thêm lượng hàng cho phong phú, chúng tôi sẽ lựa chọn một số sản phẩm đạt tiêu chí đưa vào siêu thị.

Bà Doãn Thị Thành, Phó giám đốc chuỗi Siêu thị Hapro Mart cho biết, trong danh mục trên 20.000 mặt hàng bày bán tại các siêu thị thì có tới 40% là các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến. Điều đáng ghi nhận tại phiên giao dịch này là nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được chứng nhận uy tín nên có thể đưa vào bán tại các siêu thị. Vì vậy, sau phiên giao dịch này, Phòng Marketing của Siêu thị sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng Hà Nội.

Thêm vào đó, phiên giao dịch này giúp nhà sản xuất và nhà kinh doanh gặp gỡ trực tiếp sẽ góp phần tiết kiệm được chi phí khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, cơ cấu hàng hoá trong siêu thị hiện nay có tới 30% là hàng ngoại, hàng nội đang chiếm 70%, nhưng cơ cấu hàng ngoại đang có xu hướng tăng do Việt Nam thực hiện các cam kết phải giảm thuế nhập khẩu hàng hoá.

Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước nói chung và các doanh nghiệp của các tỉnh lân cận nói riêng muốn đưa hàng hoá vào siêu thị tại Hà Nội sẽ phải chịu sức cạnh tranh hết sức gay gắt. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho các doanh nghiệp phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng.