16:51 05/01/2011

Mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: “Hoàn toàn không mạo hiểm”

Từ Nguyên

Nhiều thắc mắc xung quanh hoạt động của Petro Vietnam trong năm 2010 đã được lãnh đạo tập đoàn giải thích với báo giới

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petro Vietnam Đinh La Thăng.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petro Vietnam Đinh La Thăng.
Nhiều thắc mắc xung quanh hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) trong năm 2010 đã được lãnh đạo tập đoàn giải thích với báo giới.

Tại cuộc họp báo ngày 4/1, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là vì sao Petro Vietnam tính chuyện bắt tay ngay vào mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, vì sao tập đoàn không mua được tài sản của BP, vì sao có sự ưu đãi trong việc phân phối sản phẩm lọc hóa dầu... và nhiều câu hỏi khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp góp 24% vào GDP cả nước này đã được nêu lên với Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petro Vietnam, ông Đinh La Thăng.

Thưa ông, vì sao Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới đi vào vận hành thương mại được hơn 6 tháng, nhưng Petro Viet Nam đã tính chuyện mở rộng và nâng công suất nhà máy?

Kế hoạch mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được Petro Vietnam lên kế hoạch trình Chính phủ từ năm 2008, bởi nguồn dầu cung cấp cho nhà máy cần phải đa dạng, phải có dầu thay thế dầu từ mỏ Bạch Hổ để hiệu quả kinh tế của nhà máy được cao hơn.

Cuối tháng 10 năm ngoái, chúng tôi đã ký hợp đồng với nhà thầu tư vấn để khi nhà máy đi vào sửa chữa lớn lần thứ nhất theo kế hoạch thì sẽ tiến hành bắt tay việc nâng công suất lên khoảng 10 triệu tấn luôn, dự kiến là vào khoảng năm 2016 sẽ hoàn thành.

Còn vốn để mở rộng và nâng công suất sẽ được chúng tôi lấy từ việc cổ phần hóa nhà máy - đã được Bộ Chính trị cho phép bán tối đa 49% từ năm 2009 - và cũng là để thay đổi về công tác quản lý. Việc mở rộng này là theo tính toán của nhà tư vấn, chứ hoàn toàn không có gì là mạo hiểm cả.

Nhưng đến nay, các khoản vay để đầu tư nhà máy Petro Vietnam vẫn chưa trả hết nợ?

Hôm qua, tại cuộc họp quyết toán nhà máy, tổng vốn đầu tư cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 43 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn của Petro Vietnam chiếm 30%, còn lại là vốn vay từ ngân hàng thương mại, quỹ hỗ trợ khác...

Theo hợp đồng tín dụng thì từ bây giờ chúng tôi bắt đầu trả nợ và nguồn này được lấy từ chính lợi nhuận của nhà máy. Dự kiến năm 2010 lợi nhuận đạt khoảng 250  tỷ đồng, trong năm 2011 sẽ là trên 500 tỷ đồng, đảm bảo đủ để trả nợ và lãi.

Ngoài việc đầu tư mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, trong năm 2011, Petro Vietnam sẽ huy động từ 5 - 6 tỷ USD cho các dự án khác. Những khoản này sẽ được lấy từ đâu và Petro Vietnam có cần phải “cậy nhờ” Chính phủ để vay ưu đãi?

Đúng là chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư đến khoảng 6 tỷ USD trong năm nay. Tất nhiên, vốn tự có chỉ khoảng 30%, còn lại là sẽ đi vay, trong đó sẽ có chương trình tiếp tục phát hành trái phiếu 1 tỷ USD như Chính phủ đã cho phép.

Cùng với đó, Petro Vietnam sẽ tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp thành viên để lấy vốn tiếp tục đầu tư. Còn với từng dự án cụ thể thì chúng tôi sẽ có kế hoạch thu xếp vốn cụ thể.

Với vai trò là một đầu tàu kinh tế, Petro Vietnam luôn cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những khoản vay ưu đãi của Chính phủ, để nhường ưu đãi đó cho những doanh nghiệp còn khó khăn hơn, cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa... Trừ những dự án liên quan đến an ninh quốc phòng, bắt buộc đầu tư..., còn những dự án thương mại thuần túy thì chúng tôi dứt khoát không vay ưu đãi để đầu tư.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, việc bán gas của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không được công bằng với mọi doanh nghiệp vì Petro Vietnam vẫn giữ lại hơn nửa bán cho các đơn vị thành viên?

Theo chúng tôi là hoàn toàn bình đẳng, vì chúng tôi đã có tổ chức đấu thầu công khai. Việc dành 50% sản lượng để bán cho các đơn vị thành viên là chuyện bình thường trong kinh doanh. Chúng tôi không thể trông chờ vào các đối tác bên ngoài tiêu thụ gas những khi thị trường sụt giảm. Chúng tôi phải chủ động lượng tiêu thụ...

Nhiều người dân Quảng Ngãi cho rằng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách của địa phương này, nhưng cuộc sống của họ vẫn chưa có gì thay đổi?

Cần phải hiểu rằng, việc thu ngân sách từ Nhà máy nói rộng ra là được cho cả nền kinh tế, cả đất nước, trong đó địa phương được hưởng đầu tiên chính là tỉnh Quãng Ngãi. Còn việc được hưởng đến đâu từ một nguồn thu lớn như vậy thì lãnh đạo địa phương này sẽ rõ nhất, mà trước hết là ngân sách Trung ương không còn phải điều tiết cho Quảng Ngãi, vốn là một tỉnh nghèo.

Còn với Petro Vietnam thì chúng tôi đã được Chính phủ giao giúp 6 huyện nghèo của Quảng Ngãi vượt qua khó khăn, trong đó nguồn thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một động lực.

Còn chuyện để xảy ra một vài vụ gây ô nhiễm chỉ là những tai nạn nhỏ tại một vài khu vực, còn về cơ bản chúng tôi đã xử lý triệt để những vấn đề tác có tác động đến môi trường.

Xin hỏi ông một câu cuối, tại sao vừa qua, kế hoạch mua lại tài sản của tập đoàn dầu khí BP của Petro Vietnam lại bất thành?

Theo quy định của Luật Dầu khí cũng như điều kiện đã ký trong hợp đồng giữa Petro Vietnam với BP và một đối tác của Ấn Độ, thì khi một đối tác bán cổ phần thì các đối tác còn lại trong liên doanh sẽ được ưu tiên mua, tất nhiên, phải trên cơ sở giá thỏa thuận.

Tuy nhiên, với mức giá mà BP đưa ra thì cả Petro Vietnam và đối tác của Ấn Độ đều không mua được. Hơn nữa, số tài sản đó đã được BP bán lại chính là công ty mà BP có 50% vốn, tức là bán lại cho công ty con của tập đoàn này nên việc bán này cũng là điều dễ hiểu và là hết sức bình thường.

Quan điểm của Petro Vietnam là việc mua bán phải trên cơ sở hiệu quả. Không phải cứ tài sản ở Việt Nam là chúng ta nhất thiết phải mua bằng được.