20:52 04/11/2010

Chưa thể đánh giá đầy đủ hiệu quả Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Nguyên Bình

Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét công nhận kết thúc việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất

Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Chinhphu.vn
Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Chinhphu.vn
Nhà máy mới chỉ đưa vào vận hành thương mại được 6 tháng nên chưa đủ số liệu, thời gian để đánh giá đầy đủ và chính xác hiệu quả kinh tế, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết trong báo cáo thẩm tra việc kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất, tại phiên họp Quốc hội chiều 4/11.

Trước đó, tại báo cáo về nội dung này, Chính phủ cho biết, ngày 30/5/2010, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được bàn giao cho chủ đầu tư. Hiện nhà máy đang vận hành an toàn, ổn định với 100% công suất thiết kế, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng.

Tính đến cuối tháng 9/2010 đã tiếp nhận 6,4 triệu tấn dầu thô, sản xuất được 5,5 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng, bán ra thị trường 5,3 triệu tấn; doanh thu (kể từ ngày nhận bàn giao nhà máy) đạt trên 25.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỉ đồng.

“Hiện nay với giá trị quyết toán vốn đầu tư dự kiến thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt, dự án có thể sẽ hiệu quả hơn nữa. Chủ đầu tư sẽ có báo cáo cụ thể sau khi hoàn thành công tác quyết toán công trình”, Chính phủ cho biết.

Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét công nhận kết thúc việc xây dựng công trình quan trọng quốc gia này và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả.

Đồng tình với kiến nghị này, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá, sau 13 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, thành công lớn nhất của dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là “đã hoàn thành cơ bản tất cả các gói thầu, hạng mục, đã được chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào vận hành thương mại ổn định ở 100% công suất thiết kế, cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn quốc tế”.

Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm của nhà máy đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên dầu thô của đất nước.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, “nhà máy mới chỉ đưa vào vận hành thương mại được 6 tháng nên chưa đủ số liệu, thời gian để đánh giá đầy đủ và chính xác hiệu quả kinh tế của dự án”. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì việc xây dựng nhà máy đã có tác động tích cực đối với Khu kinh tế Dung Quất, trở thành hạt nhân  của một trong những khu kinh tế năng động và là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.

Một số tồn tại “cần rút kinh nghiệm” được chỉ rõ tại báo cáo thẩm tra là dự án chậm tiến độ 9 năm so với Nghị quyết số 07/1997 của Quốc hội khóa X, đặc biệt là giai đoạn trước năm 2005 “do chưa được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành thực hiện một cách quyết liệt, dự toán và phương án huy động nguồn tài chính, lựa chọn nhà thầu liên danh chưa thực sự chuẩn xác”.

Mặt khác, dù nhà máy đã đưa vào hoạt động với 100% công suất nhưng vẫn còn một số tồn tại nhỏ về kỹ thuật, công tác di dân, tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn cần được quan tâm tiếp tục xử lý.