Bao giờ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể thu hồi vốn?
Nhiều vị đại biểu Quốc hội băn khoăn về hiệu quả thực sự của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
"Một số anh em doanh nghiệp hỏi là có phải Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được làm bằng mọi giá không, tôi rất khó trả lời, vì báo cáo của Chính phủ không có số liệu cụ thể về hiệu quả kinh tế", đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thời phát biểu tại phiên thảo luận tổ, sáng 11/11.
Được bố trí thảo luận cùng một buổi với dự thảo Luật Đo lường, nên những ý kiến phát biểu về công trình quan trọng quốc gia - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - phần nào cũng được điều chỉnh cho ngắn gọn. Song, không ít vị đại biểu đều có chung nhận xét, báo cáo của Chính phủ còn nặng về định tính, thiếu định lượng. Trong khi đó, báo cáo thẩm tra cũng còn “hiền”, chưa nêu được những vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc...
Theo báo cáo của Chính phủ, thì “đến thời điểm này, có cơ sở để khẳng định nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là đúng đắn, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng”.
Chính phủ cũng cho biết, thực tế tiến độ dự án chậm khoảng 9 năm, chuyển đổi hình thức đầu tư nhiều lần, tổng mức đầu tư tăng từ 1,5 tỷ USD lên 3,053 tỷ USD…
Và "hiệu quả kinh tế của dự án IRR theo tính toán ban đầu ước đạt 7,66% (cao hơn so với giá trị IRR 5,87% được tính toán vào thời điểm tháng 6/2005). Hiện nay với giá trị quyết toán vốn đầu tư dự kiến thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt, dự án có thể sẽ hiệu quả hơn nữa”.
Còn tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, nhà máy mới chỉ đưa vào vận hành thương mại được 6 tháng, nên chưa đủ số liệu, thời gian để đánh giá đầy đủ và chính xác hiệu quả kinh tế.
Nhấn mạnh bài học kinh nghiệm từ việc xây dựng công trình này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói, nếu đặt quyết tâm ngay từ ban đầu thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất số 1 đã xong từ năm 2002 - 2003 và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.
Cho biết là theo dõi công trình đã “khá lâu”, Bộ trưởng Phúc cho biết ý định xây dựng nhà máy lọc dầu tại Dung Quất có từ những năm 1980 với quyết tâm chỉ đạo và quyết tâm chiến lược là đặt nền móng công nghiệp lớn, làm thay đổi bộ mặt miền Trung. Vì vậy, “xét hiệu quả của công trình này là hiệu quả tổng thể cả chính trị - xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sau khi chọn địa điểm vào năm 1994, vẫn còn nhiều ý kiến phân vân, từ ý kiến không thống nhất đến chỉ đạo không thống nhất nên đã qua 4 lần liên danh, tự làm, rồi lại liên danh, và cuối cùng lại quyết tâm tự làm.
“Bộ Chính trị cũng tranh luận sôi nổi, nội bộ Chính phủ cũng tranh luận sôi nổi”, Bộ trưởng Phúc nhớ lại. Và ông cho rằng “bài học lớn cần rút ra ở đây là quyết tâm chính trị, quyết tâm chỉ đạo”. Song, tuy chậm và "đắt" gấp ba nhưng dự án đã mang lại hiệu quả rất tốt, Bộ trưởng Phúc đánh giá.
Đồng tình với đề nghị của Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét công nhận kết thúc việc xây dựng công trình quan trọng quốc gia này, song Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thời, cho rằng báo cáo của Chính phủ cần có thêm phụ lục để tính ra hiệu quả kinh tế, xem bao nhiêu năm thu hồi được vốn thì sẽ thuyết phục hơn.
Từ góc nhìn của chủ doanh nghiệp, đại biểu Thời cho rằng đến thời điểm này thì đã có thể có số liệu về hiệu quả kinh tế.
Nhiều ý kiến đồng tình với phân tích của ông Thời. Đại biểu Hà Thanh Toàn cũng cho rằng nên công khai con số về hiệu quả kinh tế để rút kinh nghiêm cho các dự án khác, nhất là việc tính toán đầu tư chưa sát thực tế. Qua đây Chính phủ cần rút kinh nghiệm để cho dự báo, dự toán chính xác hơn, đại biểu Toàn nói.
“Phê” báo cáo thẩm tra dẫn lại quá dài dòng nhiều nội dung báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Phát cho rằng nhiều bài học kinh nghiệm đã được chỉ ra trong quá trình giám sát công trình này, nhưng dường như báo cáo thẩm tra “không dám” đưa vào. Theo vị đại biểu này thì cũng nên dự báo về khả năng thu hồi vốn và tác động xâu chuỗi, hiệu quả tổng thể của dự án.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cần nêu rõ yêu cầu với Chính phủ là báo cáo Quốc hội việc quyết toán vào kỳ họp thứ chín của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12. Trong đó nêu rõ phương án thu hồi vốn. Quốc hội có thể công nhận kết thúc nhưng vẫn phải giám sát cho đến khi có quyết toán đầy đủ, đại biểu Hùng đề nghị.
Đồng tình với đề nghị này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh cần ấn định tại kỳ họp thứ 9 (đầu năm 2011) phải có báo cáo quyết toán nhà máy này.
Cũng từ những băn khoăn về hiệu quả, một số vị đại biểu cho rằng cần cân nhắc xem đã cần ra nghị quyết công nhận kết thúc dự án hay chưa.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị cần mổ xẻ phân tích thêm trước khi Quốc hội ban hành nghị quyết vì những thông tin trong báo cáo Chính phủ là chưa đủ. "Chúng ta bỏ ra một lượng tiền lớn hơn 3 tỷ USD thì trong vòng bao lâu sẽ thu hồi được vốn đầu tư này, vì bỏ tiền từ ngân sách ra. Doanh nghiệp cũng vậy, bỏ tiền ra đầu tư phải biết rõ bao giờ thu hồi được vốn đầu tư, hiệu suất sinh lời của đồng vốn như thế nào", đại biểu Hòa đặt câu hỏi.
Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị cần bổ sung, làm rõ những thông tin về hiệu quả kinh tế để có cái nhìn tổng quan, trước khi Quốc hội ra nghị quyết kết thúc dự án này.
Được bố trí thảo luận cùng một buổi với dự thảo Luật Đo lường, nên những ý kiến phát biểu về công trình quan trọng quốc gia - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - phần nào cũng được điều chỉnh cho ngắn gọn. Song, không ít vị đại biểu đều có chung nhận xét, báo cáo của Chính phủ còn nặng về định tính, thiếu định lượng. Trong khi đó, báo cáo thẩm tra cũng còn “hiền”, chưa nêu được những vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc...
Theo báo cáo của Chính phủ, thì “đến thời điểm này, có cơ sở để khẳng định nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là đúng đắn, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng”.
Chính phủ cũng cho biết, thực tế tiến độ dự án chậm khoảng 9 năm, chuyển đổi hình thức đầu tư nhiều lần, tổng mức đầu tư tăng từ 1,5 tỷ USD lên 3,053 tỷ USD…
Và "hiệu quả kinh tế của dự án IRR theo tính toán ban đầu ước đạt 7,66% (cao hơn so với giá trị IRR 5,87% được tính toán vào thời điểm tháng 6/2005). Hiện nay với giá trị quyết toán vốn đầu tư dự kiến thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt, dự án có thể sẽ hiệu quả hơn nữa”.
Còn tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, nhà máy mới chỉ đưa vào vận hành thương mại được 6 tháng, nên chưa đủ số liệu, thời gian để đánh giá đầy đủ và chính xác hiệu quả kinh tế.
Nhấn mạnh bài học kinh nghiệm từ việc xây dựng công trình này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói, nếu đặt quyết tâm ngay từ ban đầu thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất số 1 đã xong từ năm 2002 - 2003 và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.
Cho biết là theo dõi công trình đã “khá lâu”, Bộ trưởng Phúc cho biết ý định xây dựng nhà máy lọc dầu tại Dung Quất có từ những năm 1980 với quyết tâm chỉ đạo và quyết tâm chiến lược là đặt nền móng công nghiệp lớn, làm thay đổi bộ mặt miền Trung. Vì vậy, “xét hiệu quả của công trình này là hiệu quả tổng thể cả chính trị - xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sau khi chọn địa điểm vào năm 1994, vẫn còn nhiều ý kiến phân vân, từ ý kiến không thống nhất đến chỉ đạo không thống nhất nên đã qua 4 lần liên danh, tự làm, rồi lại liên danh, và cuối cùng lại quyết tâm tự làm.
“Bộ Chính trị cũng tranh luận sôi nổi, nội bộ Chính phủ cũng tranh luận sôi nổi”, Bộ trưởng Phúc nhớ lại. Và ông cho rằng “bài học lớn cần rút ra ở đây là quyết tâm chính trị, quyết tâm chỉ đạo”. Song, tuy chậm và "đắt" gấp ba nhưng dự án đã mang lại hiệu quả rất tốt, Bộ trưởng Phúc đánh giá.
Đồng tình với đề nghị của Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét công nhận kết thúc việc xây dựng công trình quan trọng quốc gia này, song Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Thời, cho rằng báo cáo của Chính phủ cần có thêm phụ lục để tính ra hiệu quả kinh tế, xem bao nhiêu năm thu hồi được vốn thì sẽ thuyết phục hơn.
Từ góc nhìn của chủ doanh nghiệp, đại biểu Thời cho rằng đến thời điểm này thì đã có thể có số liệu về hiệu quả kinh tế.
Nhiều ý kiến đồng tình với phân tích của ông Thời. Đại biểu Hà Thanh Toàn cũng cho rằng nên công khai con số về hiệu quả kinh tế để rút kinh nghiêm cho các dự án khác, nhất là việc tính toán đầu tư chưa sát thực tế. Qua đây Chính phủ cần rút kinh nghiệm để cho dự báo, dự toán chính xác hơn, đại biểu Toàn nói.
“Phê” báo cáo thẩm tra dẫn lại quá dài dòng nhiều nội dung báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Phát cho rằng nhiều bài học kinh nghiệm đã được chỉ ra trong quá trình giám sát công trình này, nhưng dường như báo cáo thẩm tra “không dám” đưa vào. Theo vị đại biểu này thì cũng nên dự báo về khả năng thu hồi vốn và tác động xâu chuỗi, hiệu quả tổng thể của dự án.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cần nêu rõ yêu cầu với Chính phủ là báo cáo Quốc hội việc quyết toán vào kỳ họp thứ chín của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12. Trong đó nêu rõ phương án thu hồi vốn. Quốc hội có thể công nhận kết thúc nhưng vẫn phải giám sát cho đến khi có quyết toán đầy đủ, đại biểu Hùng đề nghị.
Đồng tình với đề nghị này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh cần ấn định tại kỳ họp thứ 9 (đầu năm 2011) phải có báo cáo quyết toán nhà máy này.
Cũng từ những băn khoăn về hiệu quả, một số vị đại biểu cho rằng cần cân nhắc xem đã cần ra nghị quyết công nhận kết thúc dự án hay chưa.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị cần mổ xẻ phân tích thêm trước khi Quốc hội ban hành nghị quyết vì những thông tin trong báo cáo Chính phủ là chưa đủ. "Chúng ta bỏ ra một lượng tiền lớn hơn 3 tỷ USD thì trong vòng bao lâu sẽ thu hồi được vốn đầu tư này, vì bỏ tiền từ ngân sách ra. Doanh nghiệp cũng vậy, bỏ tiền ra đầu tư phải biết rõ bao giờ thu hồi được vốn đầu tư, hiệu suất sinh lời của đồng vốn như thế nào", đại biểu Hòa đặt câu hỏi.
Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị cần bổ sung, làm rõ những thông tin về hiệu quả kinh tế để có cái nhìn tổng quan, trước khi Quốc hội ra nghị quyết kết thúc dự án này.