14:49 22/11/2018

Mong Tổng bí thư, Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử

Hà Vũ

Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thay phiên đi các tỉnh ngoài địa bàn ứng cử để tiếp xúc cử tri

Một buổi tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư tại Hà Nội, nơi Tổng bí thư ứng cử đại biểu Quốc hội.
Một buổi tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư tại Hà Nội, nơi Tổng bí thư ứng cử đại biểu Quốc hội.

Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thay phiên đi các tỉnh ngoài địa bàn ứng cử để tiếp xúc cử tri và lắng nghe ý kiến của cử tri trong cả nước.

Đó là ý kiến của cử tri Đồng Nai gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Trả lời kiến nghị này, Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Luật Tổ chức Quốc hội quy định: " Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm".

Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: " Trong trường hợp cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả đóng góp của mình vào xây dựng luật, hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi mình ứng cử".

Như vậy, việc tiếp xúc cử tri ngoài địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), nơi đại biểu Quốc hội ứng cử là căn cứ vào yêu cầu thực tế công tác của mỗi đại biểu Quốc hội, nhằm đáp ứng tốt hơn việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.

Việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Chủ tịch nước, Tổng Bí thư) về các địa phương tiếp xúc cử tri và nhân dân là thực tế đã được các vị lãnh đạo thực hiện từ trước đến nay và được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã biết, văn bản trả lời nêu rõ.

Theo Ban Dân nguyện thì trong trường hợp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhận thấy, địa phương và cử tri kiến nghị cần lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tiếp xúc cử tri để giải quyết công việc được tốt hơn, đề nghị Đoàn gửi trực tiếp kiến nghị đến các vị lãnh đạo. Đồng thời nắm tình hình thực tế của địa phương, để phục vụ lãnh đạo về địa phương tiếp xúc cử tri, vừa thể hiện tính dân chủ, mối quan hệ gần gũi giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, phù hợp với thực tế và đúng theo quy định của pháp luật.

Sớm xây dựng Luật Biểu tình

Cũng vẫn là của cử tri Đồng Nai, nhưng cũng là nguyện vọng của cử tri  Tp.HCM, tỉnh An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bình Dương, Đà Nẵng Đắk Lắk, Đồng Nai, Quảng Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Long kiến nghị Quốc hội sớm xây dựng, ban hành Luật Biểu tình nhằm bảo đảm người dân thực hiện quyền tự do dân chủ theo Hiến pháp. Đồng thời để thuận tiện cho Nhà nước xử lý các hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ để kích động, lôi kéo người thiếu hiểu biết pháp luật thực hiện gây rối trật tự, phá hoại tài sản đã diễn ra như thời gian qua.

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội trả lời, dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 (tháng 3/2016).

Tuy nhiên, đây là dự án luật phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền cơ bản của công dân, trong quá trình chuẩn bị còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau, Chính phủ vẫn đang chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng để bảo đảm sự đồng thuận, khả thi trước khi trình Quốc hội.

Các hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ để kích động, lôi kéo người thiếu hiểu biết pháp luật thực hiện gây rối trật tự, phá hoại tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ được xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự và một số luật khác có liên quan, Uỷ ban Pháp luật hồi âm ý kiến cử tri.