08:07 06/07/2011

Moody's “dội gáo nước lạnh” vào châu Âu

Diệp Anh

Khủng hoảng vỡ nợ công Hy Lạp dịu bớt chưa được bao lâu thì nguy cơ một quốc gia khác rơi vào hiểm cảnh lại xảy đến

Bóng ma nợ nần vẫn còn bao phủ châu Âu.
Bóng ma nợ nần vẫn còn bao phủ châu Âu.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, khủng hoảng vỡ nợ công Hy Lạp dịu bớt chưa được bao lâu, thì nguy cơ một quốc gia khác rơi vào hiểm cảnh lại xảy đến, khiến nhà đầu tư thêm lo lắng về khả năng dứt điểm nợ nần của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Hôm qua (5/7), tổ chức định mức tín nhiệm Moody's đã hạ một lúc 4 bậc tín nhiệm của Bồ Đào Nha từ Baa1 xuống Ba 2 với triển vọng tiêu cực. Moody's cảnh báo, Bồ Đào Nha có thể cần tới gói giải cứu thứ hai trước khi trở lại các thị trường vốn.

Nguyên nhân khiến Moody's dội gáo nước lạnh vào châu Âu là bởi tổ chức này nhận thấy nguy cơ Bồ Đào Nha phải nhận gói giải cứu thứ hai ngày càng cao. Thêm vào đó, theo Moody's, quốc gia châu Âu này khó đáp ứng mục tiêu giảm thâm hụt và bình ổn nợ như cam kết với EU và IMF.

Trước đó, hồi tháng 4, Bồ Đào Nha đã trở thành nước thứ 3 trong khu vực đồng Euro nhận gói giải cứu trị giá 78 tỷ Euro từ EU và IMF với thời hạn 3 năm. Nhờ gói giải cứu này, Bồ Đào Nha không cần phát hành nợ dài hạn ra thị trường cho đến năm 2013.

Moody’s nhận định, Bồ Đào Nha đang đối mặt với những thách thức to lớn trong việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, và hỗ trợ hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, Standard & Poor's và Fitch Ratings đều xếp hạng tín nhiệm Bồ Đào Nha ở BBB-, mức thấp nhất trong cấp độ đầu tư.

Cũng liên quan tới khu vực châu Âu, hôm 4/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Slovakia, Ivan Miklos, cho rằng các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ quyết định về gói giải cứu thứ hai dành cho Hy Lạp muộn nhất là trong nửa tháng 9/2011.

Theo Bộ trưởng Miklos, các cuộc đàm phán về sự tham gia của lĩnh vực tư nhân trong gói giải cứu thứ 2 dành ho Hy Lạp sẽ kết thúc vào ngày 20/8, và biên bản ghi nhớ cũng sẽ được soạn thảo.

Tuần trước, Liên minh châu Âu đã phê chuẩn khoản cứu trợ thứ 5 trong gói giải cứu thứ nhất trị giá 110 tỷ Euro cho Hy Lạp. Song, quốc gia châu Âu này vẫn cần tới một gói giải cứu thứ hai dài hạn hơn với quy mô tương tự gói thứ nhất.

Theo trang Vietnamplus, nhiều nhà phân tích nhận định kinh tế thế giới sẽ lấy lại đà phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhờ hoạt động của các nhà máy vốn bị ảnh hưởng bởi trận động đất-sóng thần hôm 11/3 của Nhật Bản trở lại gần mức thông thường, giá dầu mỏ dịu hơn và chi tiêu tiêu dùng được cải thiện.

Sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của các nhà máy ở Nhật Bản và giá dầu giảm hơn là hai nhân tố tích cực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế tế toàn cầu. Tuy nhiên, tiêu dùng sẽ không đóng góp nhiều. Nhu cầu vẫn yếu ở hầu hết các nền kinh tế phát triển.

Giá dầu mỏ đã giảm 18% kể từ mức đỉnh điểm hôm 2/5 và sản lượng của các nhà máy ở Nhật Bản đạt mức tăng hàng tháng cao nhất trong vòng 60 năm qua trong tháng 5/2011, giữa lúc hoạt động sản xuất vốn bị ảnh hưởng nặng nề do thảm hoạ thiên tai mới đây đang phục bình trở lại.

Điều này sẽ là nhân tố then chốt giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất của các nhà máy trên toàn cầu, vì Nhật Bản là một nhà cung cấp linh kiện xe hơi và điện tử chủ chốt của thế giới.

Sự chững lại của giá dầu bắt đầu góp phần làm dịu lạm phát, cũng như "sức ép lợi nhuận" của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, áp lực về giá cả vẫn là chủ đề nóng tại nhiều nước và lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục được nâng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế đang nổi chủ chốt khác.

Ngay cả các nền kinh tế tiên tiến cũng đang cảm nhận thấy sức ép nói trên. Các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Reuters đều dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát khi thể chế này có cuộc họp vào ngày 7/7.

Trên thực tế, sự phục hồi của các nhà máy ở Nhật Bản và đà suy giảm của giá dầu vẫn không đủ mạnh để thúc đẩy hoạt động chế tạo của toàn cầu trong tháng 6/2011. Một loạt kết quả khảo sát công bố cuối tuần qua cho thấy, nhu cầu đang trong tình trạng ảm đạm trên toàn cầu.

Hôm 5/7, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua khoản dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai trị giá 2.000 tỷ Yên cho tài khóa 2011. Khoản ngân sách này sẽ dành cho công cuộc tái thiết đất nước và khám chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ trình bản dự toán ngân sách và các dự luật liên quan lên Quốc hội nước này vào ngày 15/7, với hy vọng bản dự thảo ngân sách có thể được giải ngân trong tháng này.

Trước đó, Nhật Bản đã thông qua khoản ngân sách bổ sung đầu tiên cho tài khóa 2011 trị giá 4.020 tỷ Yên để tái thiết khu vực Đông Bắc bị động đất và sóng thần tàn phá hồi tháng 3. Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ dự thảo ngân sách bổ sung thứ ba lớn hơn hai khoản ngân sách trước.

Nhận định về triển vọng kinh tế Mỹ, chuyên gia Nouriel Roubini cho rằng, cần có thêm những kích thích về mặt tài chính trong ngắn hạn bởi nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn còn yếu ớt, theo sau là các biện pháp nhằm đối phó với những vấn đề tài chính nếu không con tàu tài chính sẽ sụp đổ.

Ông Roubini cho rằng, giải pháp đúng đắn sẽ là cam kết một chương trình cố gắng kiểm soát chi tiêu và tăng thuế dần dần trong 5 năm. Theo ông, vấn đề là nước Mỹ đang kéo nền kinh tế trong ngắn hạn hơn là kích thích. Mỹ không cam kết bất cứ điều gì trong trung hạn, vì vậy chính sách của nước này không phải là tối ưu.

Cuối tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ một lần nữa đã lên tiếng cảnh báo về khả năng vỡ nợ của nước này nếu Quốc hội không chấp nhận các khoản vay mới và nâng mức trần nợ trước thời điểm ngày 2/8 tới. Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vẫn chưa thoát bế tắc do bất đồng về xử lý nợ.

Tuần trước, các cuộc thương thuyết về giảm thâm hụt ngân sách đã đổ vỡ vì hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ không thống nhất được vấn đề tăng thuế. So với tính toán về thời hạn nợ sẽ chạm mức trần do Chính phủ Mỹ đưa ra lần trước, mốc thời gian ngày 2/8 vẫn không thay đổi.

Nhà Trắng đang thúc giục hai bên đạt thỏa thuận vào trước thời điểm 2/8. Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cảnh báo sẽ có những rủi ro nghiêm trọng nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ cao hơn mức hiện nay là 14.300 tỷ USD.