21:26 31/10/2017

Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm ngân hàng Việt Nam

Diệp Vũ

Moody’s cũng dự báo GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2017 và 6% trong năm 2018

Moody’s hiện đánh giá 15 ngân hàng ở Việt Nam, chiếm 58% tài sản của toàn hệ thống tính đến thời điểm 30/6/2017.
Moody’s hiện đánh giá 15 ngân hàng ở Việt Nam, chiếm 58% tài sản của toàn hệ thống tính đến thời điểm 30/6/2017.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service ngày 31/10 đã nâng triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Việt Nam lên tích cực trong 12-18 tháng tới, từ mức ổn định. Moody’s cho biết động thái này phản ánh triển vọng kinh tế khả quan của Việt Nam và triển vọng tích cực đối với hầu hết các ngân hàng Việt Nam được tổ chức này đánh giá tín nhiệm.

"Sự thay đổi triển vọng - phản ánh kỳ vọng của chúng tôi về việc điểm tín nhiệm của các ngân hàng sẽ chuyển biến theo hướng nào trong hệ thống này trong 12-18 tháng tới - cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, với sự hậu thuẫn của nhu cầu trong nước, lĩnh vực xuất khẩu mạnh, và đầu tư công", ông Eugene Tarzimanov, Phó chủ tịch kiêm chuyên gia cấp cao về tín nhiệm của Moody’s, phát biểu. "Chúng tôi dự báo GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2017 và 6% trong năm 2018, nhanh hơn mức tăng trung bình 5,9% của 5 năm qua".

"Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh dẫn tới các điều kiện thuận lợi cho chất lượng tài sản của các ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, một phần do chính sách tiền tệ nới lỏng, cũng có thể làm gia tăng những rủi ro về tài sản", ông Tarzimanov nói.

Theo đánh giá của Moody’s, môi trường kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ - sự tăng trưởng có được nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện, điều kiện dân số thuận lợi, và việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục chú trọng cải cách để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Moody’s cho rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam sẽ duy trì ổn định trong thời gian 12-18 tháng tới, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 7,1% vào thời điểm cuối năm 2016, thấp hơn so với mức 7,5% vào năm 2015. Moody’s dự báo tỷ lệ xấu sẽ giảm xuống mức 5,8% vào năm 2018, do tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ hình thành nợ xấu, và cũng nhờ sự phục hồi nhẹ của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh chóng sẽ xói mòn đệm vốn, và cơ cấu vốn sẽ xấu đi khi các ngân hàng gặp khó trong việc bổ sung vốn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh. Chi phí dự phòng cao sẽ xói mòn khả năng của các ngân hàng trong việc tạo vốn tự có, trong khi các lựa chọn huy động vốn bên ngoài là hạn chế.

Ngoài ra, tăng trưởng tiền gửi nội tệ của khách hàng, nguồn vốn chính của các ngân hàng Việt Nam, được Moody’s dự báo sẽ tiếp tục lành mạnh, nhưng chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng, dẫn tới việc thanh khoản của hệ thống bị thắt chặt hơn một chút.

Báo cáo của Moody’s nhận định lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định, với lợi nhuận trước trích lập dự phòng tăng đều đặn trong 12-18 tháng tới nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh. Tuy nhiên, sự cải thiện lợi nhuận này có thể phải bù đắp chi phí tín dụng gia tăng. Bởi vậy, tỷ suất lợi nhuận ròng có thể sẽ giảm thêm do tình trạng cạnh tranh và áp lực của Chính phủ đòi hỏi hạ lãi suất vay vốn ngân hàng.

Moody’s cũng nói rằng trong trường hợp điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tăng, thì điểm tín nhiệm của một số ngân hàng Việt Nam cũng có thể tăng.

Tổ chức này hiện đánh giá 15 ngân hàng ở Việt Nam, chiếm 58% tài sản của toàn hệ thống tính đến thời điểm 30/6/2017.