Một chút tình, lý ông Nguyễn Bá Thanh
Thấy gì từ những phát ngôn và hành động đã trở thành “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh?
Giữa năm ngoái, trong một chuyến công tác dài ngày ở Đà Nẵng, người viết đã gặp gỡ một số doanh nhân có tiếng ở thành phố này.
Khi được hỏi về những tín hiệu lạc quan từ các chính sách vĩ mô để mở lối cho bức tranh doanh nghiệp đang u ám, vị giám đốc tuổi còn khá trẻ đã không ngần ngại mà rằng, “tiếc là chưa có nhiều người tài trong bộ máy điều hành, chưa thấy nhiều chuyên gia tầm cỡ để anh em tôi nể phục”.
“Vậy, Đà Nẵng có người tài không?”, tôi hỏi. “Tất nhiên có chứ, nếu không có ông Thanh, Đà Nẵng sao được như hôm nay”.
Cái “được như hôm nay” của Đà Nẵng, tất nhiên sẽ rất khác nhau theo cảm nhận của mỗi người. Còn với người viết bài này, đó đơn giản chỉ là cảm giác dễ chịu khi hỏi thăm đường, lúc mua sắm, lang thang tản bộ trời khuya chẳng canh cánh nỗi lo trộm cướp hay thái độ nhã nhặn của cảnh sát giao thông khi sơ ý đi ô tô qua cầu vào giờ cao điểm… Bởi, những điều tưởng như rất đỗi bình thường này đang ngày càng trở thành của hiếm với rất nhiều đô thị khác.
Cũng có lẽ thế mà những người đang sống ở thành phố bên sông Hàn, dù có sinh ra ở đó hay đến từ nơi khác mà người viết đã có dịp chuyện trò, đều không muốn xa mảnh đất này.
Nhiều cư dân ở các tỉnh thành khác cũng muốn thành công dân Đà Nẵng. Để rồi câu chuyện về Nghị quyết 23 của Hội đồng Nhân dân thành phố mà ông Nguyễn Bá Thanh là Chủ tịch với quy định hạn chế nhập cư đã gây biết bao tranh cãi.
Hỏi một vị quan chức cơ quan Trung ương đã nghỉ hưu, đang sống ở Đà Nẵng, từng tiếp xúc khá nhiều với Bí thư Nguyễn Bá Thanh, ông kể, cái lý của ông Thanh là khả năng của thành phố chỉ có thể lo cho bằng đó dân thôi, nếu nhập cư ồ ạt, quá tải thì dân khổ trước. Và nhiều người đồng ý với cái lý này.
Lại hỏi liệu như thế thì có “cục bộ” quá không, ông quan hưu trí chậm rãi, “có lần tôi nghe anh Thanh tâm sự với mấy bác cao niên là, tính ông chỉ có người Đà Nẵng hiểu, nên có thể còn có việc này việc kia dân chưa bằng lòng, nhưng chắc dân cũng không “để bụng” lâu vì lấy đại cục làm trọng”.
Lan man sang chuyện ông Chủ tịch Thanh điều hành mấy phiên chất vấn dồn cho vị giám đốc sở nào đó “toát mồ hôi”, vị công dân cao niên kể tiếp rằng, cũng có lần nghe góp ý, ông Thanh bảo, tính ông là thế, khó có thể “khéo”, nên chắc chỉ có dân Đà Nẵng “thương” được thôi…
Nay, ông Thanh được phân công ra nhận nhiệm vụ mới tại Hà Nội. Trước kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đầu tháng 12 của năm cũ, thông tin này cũng đã nằm trong sự đồn đoán. Vậy nên vào thời điểm đó, người viết bài không bỏ sót phiên truyền hình trực tiếp nào ở kỳ họp này, để xem “lửa” của người đứng đầu thành phố còn “nóng” đến đâu tại phiên họp cuối (nếu dự đoán ông ra “Ba Đình” là chính xác).
Phát biểu khai mạc kỳ họp Hội đồng Nhân dân của ông Thanh không mấy ấn tượng, ngoại trừ một nhận định thẳng tuột: “Kinh tế Đà Nẵng gặp khó khăn chưa từng có”.
Bày tỏ sự “thất vọng” với một vị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, vị này “xui” hãy kiên nhẫn, chờ đến phiên bế mạc, có thể sẽ thấy bất ngờ thú vị.
Dài, nhưng không chán, đó là cảm giác khi nghe phần phát biểu bế mạc kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ của ông Thanh, mà theo lời của vị đại biểu nói trên thì từng ý đều được ghi lại và thực hiện đầy đủ.
Vẫn nhấn mạnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách thành phố đứng ra bảo lãnh để “anh ngân hàng phấn khởi vì biết thành phố có ngân sách nếu doanh nghiệp trả không được thì bỏ ra đền”. Song, yêu cầu mà ông đưa ra là thành phố phải trả lời được câu hỏi ai muốn vay, vay làm gì và có hiệu quả không. “Nếu làm rõ rồi mới tổ chức hội nghị, còn chưa làm rõ thì có họp cũng có tháo gỡ chi được đâu”, ông nói.
Thậm chí, ông còn đề nghị chính quyền thành phố tiến thêm một bước nữa là cùng Ngân hàng Nhà nước gặp gỡ một số ngân hàng thương mại để hỏi thử xem nếu thành phố đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp này thì ông có tiền cho vay không. Ngân hàng nào có thể cho vay cần có tên tuổi cụ thể, làm cái báo cáo sơ bộ rồi mới gặp gỡ, chứ “gặp gỡ hô khẩu hiệu là không chơi”.
Với cá nhân người viết, bất ngờ không nằm ở đây. Bởi, nửa năm trước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng Lê Văn Hiểu đã cho hay: “Nói thẳng, nghe thẳng, thực hiện thẳng, ứng cứu rất nhanh… là những việc mà Đà Nẵng ít nhiều đã làm được cho doanh nghiệp địa phương”.
Bất ngờ, bắt đầu từ chỗ ông Thanh khuyên lãnh đạo ủy ban, lãnh đạo sở nếu đến trường học hãy đến thăm nhà vệ sinh. Đừng để nhà vệ sinh hôi hám khiến học sinh phải nhịn đi tiểu, nhịn đi cầu, đổ bệnh sau này.
Với yêu cầu khẩn trương, ông chỉ đạo phải đồng loạt ra quân sao cho đến nửa năm 2013 “kết thúc cái vụ này”.
Rồi khá nhỏ nhẹ, ông đề nghị các trường học tổng kiểm tra để đảm bảo ánh sáng cho học trò. Vì, có nơi thiếu cái bóng đèn không chịu lắp, trong khi 10 cháu thì 7 đến 8 em đeo kính, mình bậc người lớn phải có trách nhiệm.
Ông cũng giục đẩy nhanh phổ cập việc dạy bơi cho học sinh, phần vì đang sống ở vùng sông nước, phần vì “lớn lên đi bộ đội chạy đến đoạn sông nào đó không lẽ báo cáo mình không biết bơi à”.
“Than thở” dạy thêm học thêm là vấn đề được nói nhiều lắm rồi và nhắc đi nhắc lại yêu cầu bỏ cái lối dạy trước, dạy mớm bài, song ông đề nghị ngành giáo dục có có cách gì đó để có thể giúp đỡ học sinh yếu ngay từ lớp một.
“Để nó học kém thì nó chán nó sẽ đi chơi nên phải có phụ đạo, nhưng cũng phải mềm mại nhẹ nhàng để khỏi chạm sỹ diện”, ông nhắc nhở về phương pháp.
Từ giáo dục chuyển qua các lĩnh vực khác, ông vẫn thể hiện sự dân dã và sâu sát thực tế mà không phải quan chức đầu tỉnh nào cũng có.
Ông nói, người nghèo ung thư vào bệnh viện ung thư - công trình mới của thành phố - được chữa bệnh miễn phí hoàn toàn. Nhà nghỉ cho thân nhân người bệnh cũng không thu tiền, nhưng chỉ có quạt chớ không có điều hòa.
Ông cũng dặn các cơ quan chức năng phải bắt buộc và tạo điều kiện thuận lợi người đi xe máy mua ngay mũ đảm bảo chất lượng nếu đang sử dụng mũ rởm. Cũng có một số người thích thời trang sẽ không thích, nhưng khi hiểu là chính quyền lo cho cuộc sống của chính họ thì sẽ bớt giận đi thôi, còn bây giờ “cứ phải nghiến răng để làm”.
Những phát ngôn và hành động đã trở thành “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh, dù không phải nhất nhất đều nhận được sự tán đồng, có thể cho thấy phần nào cái tình và cái lý của ông.
Giữ tấm lòng ấy, bản lĩnh ấy, ở cương vị mới, ông sẽ làm tăng thêm sự yêu mến và tin tưởng, không chỉ của người dân Đà Nẵng, hy vọng là như vậy!
Khi được hỏi về những tín hiệu lạc quan từ các chính sách vĩ mô để mở lối cho bức tranh doanh nghiệp đang u ám, vị giám đốc tuổi còn khá trẻ đã không ngần ngại mà rằng, “tiếc là chưa có nhiều người tài trong bộ máy điều hành, chưa thấy nhiều chuyên gia tầm cỡ để anh em tôi nể phục”.
“Vậy, Đà Nẵng có người tài không?”, tôi hỏi. “Tất nhiên có chứ, nếu không có ông Thanh, Đà Nẵng sao được như hôm nay”.
Cái “được như hôm nay” của Đà Nẵng, tất nhiên sẽ rất khác nhau theo cảm nhận của mỗi người. Còn với người viết bài này, đó đơn giản chỉ là cảm giác dễ chịu khi hỏi thăm đường, lúc mua sắm, lang thang tản bộ trời khuya chẳng canh cánh nỗi lo trộm cướp hay thái độ nhã nhặn của cảnh sát giao thông khi sơ ý đi ô tô qua cầu vào giờ cao điểm… Bởi, những điều tưởng như rất đỗi bình thường này đang ngày càng trở thành của hiếm với rất nhiều đô thị khác.
Cũng có lẽ thế mà những người đang sống ở thành phố bên sông Hàn, dù có sinh ra ở đó hay đến từ nơi khác mà người viết đã có dịp chuyện trò, đều không muốn xa mảnh đất này.
Nhiều cư dân ở các tỉnh thành khác cũng muốn thành công dân Đà Nẵng. Để rồi câu chuyện về Nghị quyết 23 của Hội đồng Nhân dân thành phố mà ông Nguyễn Bá Thanh là Chủ tịch với quy định hạn chế nhập cư đã gây biết bao tranh cãi.
Hỏi một vị quan chức cơ quan Trung ương đã nghỉ hưu, đang sống ở Đà Nẵng, từng tiếp xúc khá nhiều với Bí thư Nguyễn Bá Thanh, ông kể, cái lý của ông Thanh là khả năng của thành phố chỉ có thể lo cho bằng đó dân thôi, nếu nhập cư ồ ạt, quá tải thì dân khổ trước. Và nhiều người đồng ý với cái lý này.
Lại hỏi liệu như thế thì có “cục bộ” quá không, ông quan hưu trí chậm rãi, “có lần tôi nghe anh Thanh tâm sự với mấy bác cao niên là, tính ông chỉ có người Đà Nẵng hiểu, nên có thể còn có việc này việc kia dân chưa bằng lòng, nhưng chắc dân cũng không “để bụng” lâu vì lấy đại cục làm trọng”.
Lan man sang chuyện ông Chủ tịch Thanh điều hành mấy phiên chất vấn dồn cho vị giám đốc sở nào đó “toát mồ hôi”, vị công dân cao niên kể tiếp rằng, cũng có lần nghe góp ý, ông Thanh bảo, tính ông là thế, khó có thể “khéo”, nên chắc chỉ có dân Đà Nẵng “thương” được thôi…
Nay, ông Thanh được phân công ra nhận nhiệm vụ mới tại Hà Nội. Trước kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đầu tháng 12 của năm cũ, thông tin này cũng đã nằm trong sự đồn đoán. Vậy nên vào thời điểm đó, người viết bài không bỏ sót phiên truyền hình trực tiếp nào ở kỳ họp này, để xem “lửa” của người đứng đầu thành phố còn “nóng” đến đâu tại phiên họp cuối (nếu dự đoán ông ra “Ba Đình” là chính xác).
Phát biểu khai mạc kỳ họp Hội đồng Nhân dân của ông Thanh không mấy ấn tượng, ngoại trừ một nhận định thẳng tuột: “Kinh tế Đà Nẵng gặp khó khăn chưa từng có”.
Bày tỏ sự “thất vọng” với một vị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố, vị này “xui” hãy kiên nhẫn, chờ đến phiên bế mạc, có thể sẽ thấy bất ngờ thú vị.
Dài, nhưng không chán, đó là cảm giác khi nghe phần phát biểu bế mạc kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ của ông Thanh, mà theo lời của vị đại biểu nói trên thì từng ý đều được ghi lại và thực hiện đầy đủ.
Vẫn nhấn mạnh ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách thành phố đứng ra bảo lãnh để “anh ngân hàng phấn khởi vì biết thành phố có ngân sách nếu doanh nghiệp trả không được thì bỏ ra đền”. Song, yêu cầu mà ông đưa ra là thành phố phải trả lời được câu hỏi ai muốn vay, vay làm gì và có hiệu quả không. “Nếu làm rõ rồi mới tổ chức hội nghị, còn chưa làm rõ thì có họp cũng có tháo gỡ chi được đâu”, ông nói.
Thậm chí, ông còn đề nghị chính quyền thành phố tiến thêm một bước nữa là cùng Ngân hàng Nhà nước gặp gỡ một số ngân hàng thương mại để hỏi thử xem nếu thành phố đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp này thì ông có tiền cho vay không. Ngân hàng nào có thể cho vay cần có tên tuổi cụ thể, làm cái báo cáo sơ bộ rồi mới gặp gỡ, chứ “gặp gỡ hô khẩu hiệu là không chơi”.
Với cá nhân người viết, bất ngờ không nằm ở đây. Bởi, nửa năm trước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng Lê Văn Hiểu đã cho hay: “Nói thẳng, nghe thẳng, thực hiện thẳng, ứng cứu rất nhanh… là những việc mà Đà Nẵng ít nhiều đã làm được cho doanh nghiệp địa phương”.
Bất ngờ, bắt đầu từ chỗ ông Thanh khuyên lãnh đạo ủy ban, lãnh đạo sở nếu đến trường học hãy đến thăm nhà vệ sinh. Đừng để nhà vệ sinh hôi hám khiến học sinh phải nhịn đi tiểu, nhịn đi cầu, đổ bệnh sau này.
Với yêu cầu khẩn trương, ông chỉ đạo phải đồng loạt ra quân sao cho đến nửa năm 2013 “kết thúc cái vụ này”.
Rồi khá nhỏ nhẹ, ông đề nghị các trường học tổng kiểm tra để đảm bảo ánh sáng cho học trò. Vì, có nơi thiếu cái bóng đèn không chịu lắp, trong khi 10 cháu thì 7 đến 8 em đeo kính, mình bậc người lớn phải có trách nhiệm.
Ông cũng giục đẩy nhanh phổ cập việc dạy bơi cho học sinh, phần vì đang sống ở vùng sông nước, phần vì “lớn lên đi bộ đội chạy đến đoạn sông nào đó không lẽ báo cáo mình không biết bơi à”.
“Than thở” dạy thêm học thêm là vấn đề được nói nhiều lắm rồi và nhắc đi nhắc lại yêu cầu bỏ cái lối dạy trước, dạy mớm bài, song ông đề nghị ngành giáo dục có có cách gì đó để có thể giúp đỡ học sinh yếu ngay từ lớp một.
“Để nó học kém thì nó chán nó sẽ đi chơi nên phải có phụ đạo, nhưng cũng phải mềm mại nhẹ nhàng để khỏi chạm sỹ diện”, ông nhắc nhở về phương pháp.
Từ giáo dục chuyển qua các lĩnh vực khác, ông vẫn thể hiện sự dân dã và sâu sát thực tế mà không phải quan chức đầu tỉnh nào cũng có.
Ông nói, người nghèo ung thư vào bệnh viện ung thư - công trình mới của thành phố - được chữa bệnh miễn phí hoàn toàn. Nhà nghỉ cho thân nhân người bệnh cũng không thu tiền, nhưng chỉ có quạt chớ không có điều hòa.
Ông cũng dặn các cơ quan chức năng phải bắt buộc và tạo điều kiện thuận lợi người đi xe máy mua ngay mũ đảm bảo chất lượng nếu đang sử dụng mũ rởm. Cũng có một số người thích thời trang sẽ không thích, nhưng khi hiểu là chính quyền lo cho cuộc sống của chính họ thì sẽ bớt giận đi thôi, còn bây giờ “cứ phải nghiến răng để làm”.
Những phát ngôn và hành động đã trở thành “thương hiệu” Nguyễn Bá Thanh, dù không phải nhất nhất đều nhận được sự tán đồng, có thể cho thấy phần nào cái tình và cái lý của ông.
Giữ tấm lòng ấy, bản lĩnh ấy, ở cương vị mới, ông sẽ làm tăng thêm sự yêu mến và tin tưởng, không chỉ của người dân Đà Nẵng, hy vọng là như vậy!