21:46 15/09/2015

Một loạt nước châu Âu đóng cửa với người di cư

Diệp Vũ

Kế hoạch phân bổ người người di cư được công bố cách đây ít hôm cũng đang có nguy cơ đổ vỡ

Hàng nghìn người di cư đang đổ về châu Âu mỗi ngày - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Hàng nghìn người di cư đang đổ về châu Âu mỗi ngày - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Những nỗ lực của châu Âu nhằm ứng phó với số lượng người di cư lớn chưa từng có đang gặp trở ngại lớn, sau khi một loạt nước trong Liên minh Châu Âu (EU) đơn phương áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới.

Ngoài ra, kế hoạch phân bổ người di cư được công bố cách đây ít hôm cũng đang có nguy cơ đổ vỡ.

Hãng tin CNBC cho biết, khu vực đi lại tự do Schengen của châu Âu có vẻ đã bị gián đoạn từ ngày 14/9 khi một loạt quốc gia gồm Áo, Slovakia và Hà Lan đi theo cách làm của Đức là áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời, nhằm ngăn dòng người nhập cư ùn ùn đổ tới.

Trong khi đó, Hungary, quốc gia giữ vị trí then chốt trong tuyến đường di chuyển của người di cư từ phía Nam lên phía Bắc của châu Âu, đã công bố luật di cư chặt chẽ hơn, theo đó cho phép cảnh sát bắt giữ bất kỳ ai tìm cách vượt qua hàng rào giữa biên giới nước này với Serbia.

Về phần mình, Séc triển khai thêm cảnh sát ở khu vực với Áo. Pháp, Ba Lan và Thụy Điển ngày 14/9 tuyên bố sẽ xem xét tình hình để cân nhắc khả năng kiểm soát biên giới.

Cũng trong ngày đầu tuần, bộ trưởng bộ tư pháp và nội vụ của 28 nước thành viên EU đã có cuộc hợp ở Brussels để bàn về kế hoạch phân bổ 120.000 người xin tị nạn, ngoài số 40.000 người đã được nhất trí hồi tháng 7. Tuy nhiên, cuộc họp đã không đạt thỏa thuận và triển vọng của bản kế hoạch đang rất u ám.

Romania, Hungary, Slovakia, Séc và Ba Lan là những nước phản đối mạnh nhất kế hoạch phân bổ người di cư. Về phần mình, Đức tuyên bố sẵn sàng đón nhận tới 1 triệu người di cư trong năm nay, nhưng muốn các nước khác trong EU cùng chia sẻ gánh nặng.

“Sự phản đối mạnh nhất đến từ các nước Đông Âu. Người dân ở các nước này phản đối việc chấp nhận người di cư, và các nhà lãnh đạo sẽ nhận được lợi ích chính trị nếu tỏ rõ lập trường phản đối chủ trương của Đức trong vấn đề này”, ông Ian Bremmer, chủ tịch công ty nghiên cứu rủi ro chính trị Eurasia, nhận xét.

Theo ông Bremmer, châu Âu hiện đang “mất đoàn kết” chưa từng có, thậm chí còn bất hòa hơn cả trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp.