12:17 15/11/2008

Mũ bảo hiểm tem cũ - tem mới: Người đội không lo bị phạt

Từ 15/11, các loại mũ bảo hiểm sản xuất trong nước hay nhập khẩu phải có dấu CR mới được phép lưu thông trên thị trường

Một mũ bảo hiểm có dán tem CR.
Một mũ bảo hiểm có dán tem CR.
Từ 15/11, các loại mũ bảo hiểm sản xuất trong nước hay nhập khẩu phải có dấu CR mới được phép lưu thông trên thị trường...

Mũ bảo hiểm dán tem mới (CR), tem cũ (CS) khác nhau thế nào? Người dùng mũ bảo hiểm dán tem mới được lợi gì? Có bị phạt nếu đội mũ bảo hiểm tem cũ?  
 
Ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Chất lượng Đo lường 3 sẽ giúp người tiêu dùng giải đáp các thắc mắc trên.
 
Đổi tem mũ bảo hiểm: "Quản" nhà sản xuất, không "gây khó" người đội

Thưa ông, mũ bảo hiểm dán tem CS hay tem CR thì có gì khác biệt nhau?

Mũ bảo hiểm dán tem CS là loại mũ mà cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm phải tự lấy mẫu để thực hiện thử nghiệm và thực hiện công bố mũ bảo hiểm phù hợp với TCVN 5756:2001 (tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về kỹ thuật và an toàn đối với mũ bảo hiểm).

Còn mũ có dán tem CR là các mũ bảo hiểm phù hợp với một tiêu chuẩn có tên là QCVN 2:2008/BKHCN. Từ 15/11, dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu, mũ bảo hiểm cũng phải được tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định thực hiện đánh giá và chứng nhận phù hợp với quy chuẩn QCVN 2:2008/BKHCN thì mới được lưu thông trên thị trường.
 
Như vậy, nếu như trước đây, cơ sở doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải tự công bố chất lượng sản phẩm mũ bảo hiểm và dán tem CS lên sản phẩm mũ bảo hiểm thì nay, phải được một tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định tiến hành chứng nhận thì mới được dán tem CR lên mũ bảo hiểm do cơ sở mình sản xuất hay nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường.

Nhiều người dân cho rằng, quy định hợp quy mũ bảo hiểm đã và đang “gây khó” cho hàng chục triệu người đang sử dụng mũ bảo hiểm dán tem CS, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Đây chỉ là sự hiểu chưa đúng các quy định của Nhà nước. Các quy định này không liên quan đến việc đội mũ bảo hiểm của người tham gia giao thông nên hoàn toàn không có chuyện “gây khó khăn” cho người đang sử dụng mũ mang dấu CS như dư luận lo ngại.

Chuyển sang sử dụng mũ bảo hiểm có dán tem CR, người tiêu dùng sẽ được gì?

Trong thời điểm chuyển đổi việc dán tem CS thành tem CR trên sản phẩm mũ bảo hiểm, việc sử dụng mũ bảo hiểm có dấu CS hay CR là quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Dấu CS hay dấu CR là các hình thức thể hiện tình trạng phù hợp với các quy định theo từng thời kỳ. Cơ sở kỹ thuật đối với dấu CS và dấu CR về cơ bản là tương đương. Nếu được nhà sản xuất và các bên liên quan thực hiện một cách nghiêm túc các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước thì  đều có sự đảm bảo về chất lượng và người tiêu dùng có thể an tâm.

Tuy nhiên, việc dán tem CR là nhằm tăng cường quản lý đối với chất lượng sản phẩm mũ bảo hiểm.

Đội mũ bảo hiểm tem cũ, không bị phạt

Người tiêu dùng đội mũ bảo hiểm kém chất lượng hay mũ có dán tem CS có bị phạt, nếu phạt thì mức phạt cụ thể như thế nào?

Mũ bảo hiểm mang dấu CS hay dấu CR là việc tuân thủ các quy định áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa là mũ bảo hiểm và các đối tượng là các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ mũ và các cơ quan quản lý nhà nước... không liên quan đến việc sử dụng của người tiêu dùng.

Vậy các loại mũ bảo hiểm cách điệu thì sao? Liệu có phải từ ngày 15/11 tất cả người ngồi trên mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm cách điệu đều bị phạt? Trong trường hợp mũ bảo hiểm cách điệu đủ tiêu chuẩn thì có được dán tem CR hay không?

Tất cả các loại mũ bảo hiểm không phù hợp với các quy định theo QCVN 2:2008/BKHCN và các quy định liên quan đều là không hợp quy và tất nhiên là không được dán tem CR.

Trong các quy định liên quan đến mũ bảo hiểm không có điều khoản hay quy định liên quan mũ bảo hiểm “cách điệu”. Vì vậy chỉ có các kiểu, loại mũ bảo hiểm phù hợp với quy chuẩn hoặc không phù hợp với quy chuẩn.

Từ 15/11, tất cả các loại mũ bảo hiểm không được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn đều không được phép đưa ra thị trường.

Làm thế nào để phân biệt được đâu là dấu CR thật, giả trên mũ bảo hiểm?

Đây thực sự là câu hỏi khó. Về nguyên tắc, các tổ chức chứng nhận chịu trách nhiệm hướng dẫn nhà sản xuất thực hiện việc dán dấu CR theo quy định. Các mẫu dấu và thông tin đi kèm đều được lưu giữ tại hồ sơ chứng nhận để làm cơ sở xem xét và giám sát.
 
Tuy nhiên nhà sản xuất, nhập khẩu và tổ chức chứng nhận cũng cần nghiên cứu để có biện pháp kiểm soát tem mang dấu CR dán trên mũ, phối hợp với nhau và với các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát cũng như giám sát trên thị trường. Ngoài ra cũng cần có biện pháp thích hợp để cung cấp thông tin về mẫu dấu và hướng dẫn người tiêu dùng trong việc nhận biết và phân biệt khi mua hàng.

Tốt nhất là người tiêu dùng nên tìm mua tại các đại lý phân phối chính thức, khi mua cần kiểm tra kỹ các thông tin bắt buộc phải có trên mũ và các dấu hiệu cần thiết khác kể cả đối với tem.

Nếu có điều gì nghi ngờ, nên yêu cầu người bán giải thích rõ để có thể quyết định.

M. Loan (VNN)