11:39 13/06/2012

Mua “hụt” gạo Campuchia, Philippines nhập gạo Việt Nam

An Huy

Nhà chức trách Philippines vừa tuyên bố đã ký hợp đồng mua 120.000 tấn gạo từ Việt Nam

Trong đợt đấu thầu gạo này của Philippines, Thái Lan cũng tham gia. Tuy nhiên, do giá gạo Việt Nam cạnh tranh hơn nên được Philippines chọn mua.
Trong đợt đấu thầu gạo này của Philippines, Thái Lan cũng tham gia. Tuy nhiên, do giá gạo Việt Nam cạnh tranh hơn nên được Philippines chọn mua.
Nhà chức trách Philippines vừa tuyên bố đã ký hợp đồng mua 120.000 tấn gạo từ Việt Nam, do Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cung cấp.

Theo tin từ báo The Philippines Star của Philippines, người đứng đầu Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) của nước này, ông Angelito Banayo, vừa cho biết, sau khi không ký được hợp đồng mua gạo từ Campuchia, NFA đã quyết định chuyển sang mua 20.000 tấn gạo từ Việt Nam. Trước đó, vào ngày 6/6, NFA đã ký hợp đồng mua 100.000 tấn gạo từ Vinafood 2.

Như vậy, tổng cộng số gạo mà phía Philippines mua từ Việt Nam trong đợt này sẽ là 120.000 tấn, thay vì 100.000 tấn như dự kiến ban đầu.

Trong đợt đấu thầu gạo này của Philippines, Thái Lan cũng tham gia. Tuy nhiên, do giá gạo Việt Nam cạnh tranh hơn nên được Philippines chọn mua. Theo ông Banayo, mức giá mua gạo từ Việt Nam trong lần này là 470 USD/tấn, bao gồm cả chi phí vận chuyển hàng tới nhà kho của NFA. Theo kế hoạch, gạo từ Việt Nam sẽ được giao cho phía Philippines trong thời gian từ nay tới tháng 7.

Philippines dự kiến nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong năm nay, trong đó 380.000 tấn sẽ do các công ty tư nhân nhập khẩu. Còn lại, 120.000 tấn gạo sẽ được nhập theo kênh Chính phủ.

Năm ngoái, Philippines nhập 860.000 tấn gạo, thấp hơn mức nhập 2,45 triệu tấn trong năm 2010.

Bộ Nông nghiệp nước này tuyên bố, từ năm tới sẽ giảm nhập khẩu gạo về 100.000 tấn nếu sản lượng gạo cả nước năm nay đạt mục tiêu 18,46 triệu tấn. Trong quý 1/2012, sản lượng thóc của Philippines đạt 3,99 triệu tấn.

Philippines đang thực hiện chiến lược giảm dần nhập khẩu gạo và tiến tới tự cung cấp đủ gạo sau năm 2013.